30 điểm không đậu đại học vì đâu nên nỗi năm 2022

30 điểm không đậu đại học vì đâu nên nỗi năm 2022

Tuần vừa qua, khi hàng loạt trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2021, mạng xã hội xuất hiện một cơn bão chia sẻ về điểm đỗ đại học cao chót vót, tôi có lúc hoang mang tự hỏi: Nếu quay lại mấy chục năm trước cũng như hôm nay, phụ huynh chúng ta có qua được cửa ải này không?

"Đỗ đại học", trong một thời gian rất dài đã từng là niềm tự hào lớn lao với mỗi cá nhân cũng như với gia đình sĩ tử. Đỗ vào được một trường đại học danh tiếng xứng đáng để gia đình mổ lợn khao làng. Nhưng, ấy là chuyện của ngày xưa.

Nay, cơ hội học đại học đã trở nên rộng mở hơn với các bạn trẻ. Đó là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, với việc gần đây xuất hiện không ít trường hợp đạt mỗi môn 9 điểm hay tổng 3 môn 30 điểm cũng không đỗ đại học, quả thực khiến người lớn chúng ta sửng sốt và xót xa cho con em mình.

Ở kỳ tuyển sinh năm nay, có trường đưa ra mức điểm chuẩn lên tới 30,5 điểm. Với mức điểm trên, rõ ràng là không thể có chuyện thí sinh có điểm vượt khung đến 10 điểm rưỡi hay 11 điểm cho một môn thi nào đó được. Muốn trúng tuyển, ngoài việc thi đạt điểm cao thì thí sinh còn phải được cộng thêm điểm ưu tiên.

Điều này sẽ dẫn đến trường hợp, thí sinh có hoàn cảnh bình thường, sống ở thành phố kể cả thi 3 môn đều đạt 10 điểm cũng… trượt! Liệu có công bằng với các em không? Đề thi tốt nghiệp THPT với kỳ vọng "dùng 2 trong 1" để xét tuyển đại học, nhưng 30 điểm cũng không đỗ, vậy có phải điểm thi đang trở nên… vô nghĩa, như một trò đùa? Câu hỏi này tôi không trả lời được, xin dành cho lãnh đạo các trường đại học và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học đầu tiên dưới thời tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và tôi nghĩ, Bộ trưởng Sơn có đủ kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá hiệu quả của đợt tuyển sinh năm 2021 này.

Được biết, bài thi THPT năm nay nhìn chung được điều chỉnh dễ hơn so với những năm trước đây. Thế nhưng dễ thì dễ chung, vậy phải chăng những trường đưa ra điểm chuẩn càng cao càng là trường "top"?

Nêu quan điểm về vấn đề này, theo PGS. Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đâu đó đã xuất hiện hiện tượng "lạm phát" điểm chuẩn - một số trường vì muốn điểm tuyển sinh phục vụ công tác truyền thông đã đặt điểm chuẩn rất cao. Hay nói thẳng ra, đẩy điểm chuẩn lên cũng là một cách PR thông minh cho nhà trường!? Trường được lợi, vậy quyền lợi thí sinh ở đâu? Ai bảo vệ các em?

Ông Tùng cho hay, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc, nhưng rõ ràng các trường, đặc biệt các trường top trên - như Đại học Bách khoa Hà Nội - sẽ dần dần hạn chế sử dụng điểm của kỳ thi này trong xét tuyển, vì ý nghĩa thi tốt nghiệp đã làm giảm tính phân loại năng lực thí sinh.

Với tinh thần tự chủ đại học, mỗi trường có tính toán và cách tuyển sinh riêng của họ. Tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong nhiều phương thức xét tuyển, bên cạnh phương thức xét tuyển thẳng từ học bạ phổ thông, quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, IELTS... hay tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng.

Tuy nhiên, nếu thi tốt nghiệp đã không còn vai trò quan trọng, không được các trường tin tưởng về mức độ phân loại năng lực thí sinh, vậy mục tiêu "2 trong 1" rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Vai trò cầm trịch của Bộ GD-ĐT ở đâu trong những tình huống trớ trêu: điểm tối đa vẫn trượt đại học? Hay là các trung tâm khảo thí muốn làm gì cũng được, kể cả với mục đích PR? Còn các em học sinh không còn cách nào khác sẽ phải tự chịu trách nhiệm, không liên quan đến vai trò của cơ quan chủ quản?!

Bích Diệp

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, sau hai năm thực hiện mạnh mẽ việc giao tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, năm 2022 có đến 20 phương thức tuyển sinh được áp dụng.

Năm nay, có thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học bằng xét tuyển học bạ cho thấy sự rối loạn về phương thức tuyển sinh.

Đạt 30 điểm vẫn trượt đại học bằng xét tuyển học bạ

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học bạ của 20 ngành học. [1]

Theo đó, có ba ngành có mức điểm 30,5 gồm: Báo chí, Luật và Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành. Chuyên ngành Văn hóa truyền thông cũng có điểm chuẩn 30. So với năm 2021, điểm chuẩn phương thức này tăng cao nhất là 3 điểm.

Được biết, có 2 lí do khiến điểm chuẩn tăng mức vượt trần 30 đó là: những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trường chuyên... được cộng từ 3 - 10 điểm vào điểm xét tuyển và điểm học bạ của thí sinh tăng.

30 điểm không đậu đại học vì đâu nên nỗi năm 2022

Thí sinh đạt 30 điểm theo phương thức học bạ vẫn trượt một số ngành của Đại học Văn hóa Hà Nội. (Ảnh: Cao Nguyên)

Năm nay, phương thức xét điểm học bạ tăng "phi mã" so với những năm trước. Trước đó, ngày 30/6, Trường Đại học Cần Thơ công bố điểm chuẩn các ngành xét tuyển điểm học bạ.

Điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành bằng phương thức 3 dao động từ 19,50 đến 29,25 điểm. Trong đó, các ngành có điểm trúng tuyển 29,25 gồm: Tài chính – Ngân hàng; Kinh doanh Quốc tế, Marketing, Công nghệ thông tin. [2]

Ngày 30/6, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) công bố điểm chuẩn đại học chính quy theo phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi nhất của các trường trung học phổ thông toàn quốc, có 2 ngành lấy mức điểm chuẩn 28,9 điểm.

Ngày 3/7, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng học bạ, có 4 ngành lấy điểm chuẩn đến 29,75.

Ngày 4/7, Trường Đại học Thủy lợi công bố điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ, các ngành có điểm chuẩn xét học bạ cao nhất là Quản trị kinh doanh; Kế toán; Thương mại điện tử; Logitics và quản lý chuỗi cung ứng với 26,50 điểm. [3]

Ngày 14/7, Học viện Hàng không Việt Nam thông báo kết quả xét học bạ, điểm chuẩn cao nhất là 27 điểm. [4]

Điểm học bạ và điểm thi chênh nhau thế nào?

Qua phân tích cho thấy, một số trường đại học lấy điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hay điểm thi đánh giá năng lực) có sự chênh nhau khá nhiều.

Chẳng hạn, năm nay, 3 ngành Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có mức điểm 30,5 gồm: Báo chí, Luật và Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành.

Còn năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển Trường Đại học Văn hóa Hà Nội theo phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất thuộc về ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lưu hành với 27,3 điểm (khối C) và 26,3 điểm (khối D). [5]

Hay, năm 2022, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) công bố điểm chuẩn đại học chính quy theo phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi nhất của các trường trung học phổ thông toàn quốc, có 2 ngành lấy mức điểm chuẩn 28,9 điểm.

Trong khi đó, thống kế cho thấy, Trường Đại học Kinh tế - Luật sử dụng phương thức 4 là xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 29.115 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 55.889 nguyện vọng.

Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 được tổ chức thành 02 đợt thi và Trường Đại học Kinh tế - Luật xét tuyển cả 02 đợt thi.

Điểm trung bình năm 2022 là 853 (tính theo thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển), trong đó, điểm trung bình khối ngành Kinh tế là 843 điểm, khối ngành Kinh doanh & quản lý là 872 điểm và khối ngành Luật là 819 điểm. [6]

Một học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), là thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với số điểm 1.087/1.200. [7]

Tổng điểm kì thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 1200 điểm. Thí sinh đạt 600 điểm tương đương 5 điểm, đạt 900 điểm tương đương 7,5 điểm. Như thế để thấy rằng, điểm xét học bạ và điểm thi đánh giá năng lực của thí sinh Trường Đại học Kinh tế - Luật chênh nhau khá nhiều

Sự rối loạn về phương thức tuyển sinh

Thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học nếu không có điểm cộng cho thấy sự bất thường trong tuyển sinh theo phương thức xét học bạ. Thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 theo phương thức này đã là một sự "phi thường" nhưng vẫn rớt đại học còn cho thấy sự nghịch lí trong xét tuyển.

30 điểm không đậu đại học vì đâu nên nỗi năm 2022

Bộ GD sẽ kiểm tra 10 cơ sở giáo dục đại học về xác định chỉ tiêu tuyển sinh

Năm 2021, một số thí sinh đạt điểm tuyển đối 30 vẫn trượt đại học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã khiến dư luận dậy sóng.

Thời điểm đó, Tiến sĩ Trần Thu Trà, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là điều bất thường trong tuyển sinh.

"Tôi chưa thấy quốc gia nào xảy ra nghịch lý, thí sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn không thể đỗ đại học. Các thí sinh năng lực thực sự sẽ thất vọng và mất niềm tin thế nào khi phải chịu thua sự may mắn là điểm cộng ưu tiên", Tiến sĩ Trà băn khoăn. [8]

Cá nhân người viết cho rằng, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng vọt chủ yếu là do đề thi phân hoá không tốt. Còn điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ tăng "phi mã" là do việc đánh giá giữa các trường trung học phổ thông chưa đều tay nên khó phân loại học sinh xuất sắc, giỏi, khá.

Khoảng 20 năm trước, thí sinh thi đạt 21 điểm/3 môn là có thể đỗ nhiều trường đại học công lập top khá; đạt 23-24 điểm đã đỗ vào những trường đại học danh tiếng; rất hiếm thí sinh đạt ngưỡng trên 27 điểm.

Thời điểm đó các trường đại học không xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ vì luật không cho phép. Nhìn vào học bạ trung học phổ thông, rất ít học sinh học giỏi toàn diện (trên 8.0) mà thường thiên về một số tổ hợp môn nhất định.

Ví dụ, học sinh thi khối A thì điểm Toán, Vật lí, Hóa học cao hơn những môn còn lại. Ngược lại, học sinh thi khối C thì điểm Văn, Lịch sử, Địa lí bao giờ cũng cao hơn hẳn các môn khoa học tự nhiên.

Hiện nay, học sinh đạt 7.0 học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn quá dễ dàng. Minh chứng là, năm 2020, điểm trung bình môn Ngữ văn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của An Giang là 7,616, cao nhất cả nước, kế đó là Bình Dương 7,282. [9]

Nhiều ý kiến cho rằng, từ năm 2020, sau khi Bộ Giáo dục đổi tên từ thi trung học phổ thông quốc gia sang thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi không còn thể hiện rõ mục tiêu 2 trong 1 (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học).

Vậy nên, đã có một số trường đại học tổ chức thi theo phương án riêng - không xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ hay điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông nữa.

Ví dụ, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng) đã tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để lấy kết quả để xét tuyển và được đánh giá có tính phân loại cao "không có mưa điểm 9, điểm 10, điểm chuẩn không đến 27 điểm". [10]

Có lẽ đã đến lúc Bộ Giáo dục cần làm thống kê đánh giá tổng thể, nếu thấy điểm học bạ trong những năm gần đây có sự tăng cao bất thường thì cần có đánh giá, tính toán để có thông tin giúp các trường đại học có cơ sở đưa ra giải pháp phù hợp với hình thức xét tuyển học bạ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/30-diem-van-chua-dau-dai-hoc-phuong-thuc-xet-hoc-ba-

[2] https://vietnamnet.vn/diem-chuan-hoc-ba-dh-can-tho-cao-nhat-la-29-25-2035346.html

[3] https://laodong.vn/tuyen-sinh/truong-dai-hoc-thuy-loi-cong-bo-diem-chuan-hoc-ba-2022-1063793.ldo

[4] https://danviet.vn/cac-truong-moi-nhat-cong-bo-diem-chuan-xet-hoc-ba-co-nganh-cao-ngat-20220714182532126.htm

[5] https://laodong.vn/giao-duc/diem-chuan-trung-tuyen-truong-dai-hoc-van-hoa-ha-noi-nam-2021-953866.ldo

[6] https://www.uel.edu.vn/tin-tuc/truong-dai-hoc-kinh-te-luat-cong-bo-diem-du-dieu-kien-trung-tuyen-dai-hoc-chinh-quy-nam-2022-doi-voi-cac-phuong-thuc-1b-phuong-thuc-2-phuong-thuc-4-va-phuong-thuc

[7] https://tuoitre.vn/thu-khoa-thi-danh-gia-nang-luc-dh-quoc-gia-tp-hcm-ket-qua-ngoai-mong-doi-20220408100444866.htm

[8] https://vtc.vn/30-diem-truot-dai-hoc-nghich-ly-tuyen-sinh-khong-co-quoc-gia-nao-nhu-vay-ar637266.html

[9] https://www.anninhthudo.vn/an-giang-bat-ngo-dung-dau-ca-nuoc-ve-diem-ngu-van-voi-thi-sinh-dat-diem-tuyet-doi-post442661.antd

[10] https://tienphong.vn/ky-thi-rieng-cua-truong-dh-phan-loai-cao-post1454007.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên