Biểu tượng con rắn trong y học

Hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy từ lâu đã được coi là biểu tượng của ngành y. Biểu tượng này có thể dễ dàng nhìn thấy trên các bao bì dược phẩm hay trong bệnh viện. Rắn là loài vật nguy hiểm nên con vật này trông có vẻ không phù hợp để y học chọn làm biểu tượng nhưng đằng sau nó là một câu chuyện lịch sử. 

 

Thực tế, có 2 phiên bản về biểu tượng này. Biểu tượng có hai con rắn quấn lấy một cây gậy có cánh thường được gọi là Caduceus. Cây gậy này thực chất là cây trượng của vị thần Hermes trên đỉnh Olympus. Trong thần thoại Hy Lạp, Hermes là sứ giả giữa các vị thần và con người (lý giải cho hình ảnh đôi cánh) và là người dẫn đường đến vương quốc của người chết (lý giải cho hình ảnh cây quyền trượng). Ngoài ra, ông còn là người bảo trợ cho các du khách, điều này khiến mối liên hệ của ông với y học trở nên phù hợp bởi vì trong thời xa xưa, thầy thuốc phải đi bộ rất xa để thăm khám cho bệnh nhân.

Theo một trong những truyền thuyết, cây gậy có cánh được Apollo ban cho Hermes. Trong một phiên bản khác, ông nhận được cây quyền trượng từ Zeus, vua của các vị thần. Ban đầu, quyền trượng được quấn bằng hai dải băng trắng như tuyết. Mãi sau này rắn mới xuất hiện thay thế. Truyền thuyết kể rằng trong một lần thấy hai con rắn đang cắn nhau, thần Hermes đã dùng cây trượng để tách chúng ra. Ngay sau đó, chúng quấn xung quanh cây trượng không chịu rời, và thế là chúng ta có biểu tượng Caduceus như bây giờ.  

 

Một phiên bản khác của biểu tượng này là cây quyền trượng không có cánh và chỉ có một con rắn quấn quanh nó. Cây quyền trượng thuộc về thần y Asclepius, con trai của Apollo và công chúa Coronis. Theo thần thoại, ông không chỉ sở hữu tài năng chữa bệnh mà còn biết cách hồi sinh người chết. 

Theo một phiên bản, Zeus giết chết Asclepius bằng một cú sét vì cho rằng ông phá vỡ trật tự tự nhiên của thế giới bằng cách hồi sinh người chết. Trong khi một phiên bản khác nói rằng Asclepius bị Zeus trừng phạt vì lấy tiền của những người mà ông hồi sinh. Sau đó, Zeus đã đưa ông lên trời làm chòm sao Ophiuchus (Xà Phu). 

Người Hy Lạp coi rắn là linh thiêng và sử dụng chúng trong các nghi lễ chữa bệnh để tôn vinh Asclepius. Nọc rắn được dùng để làm thuốc chữa bệnh và sự lột da của chúng được coi là biểu tượng của sự tái sinh và đổi mới. 

Nguồn: Live Science

Ngày 10/9, một bức hình có logo lạ của Bộ Y tế với hình ảnh con rắn ngậm phong bì lan truyền trên mạng xã hội. Đây là logo sai và lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã mời Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) điều tra làm rõ. Bộ Y tế sẽ có thông tin khi có kết luận chính thức.

Hình ảnh con rắn trong logo chính thức của Bộ Y tế chỉ có con rắn quấn quanh cây gậy và đầu con rắn quay sang hướng ngược lại. 

Giống như mỗi đất nước đều có hình ảnh riêng, mỗi ngành nghề cũng có một biểu tượng của riêng mình. Biểu tượng ngành Y đó là hình ảnh một con rắn quấn mình quanh một cây gậy. Tuy nhiên, ít người biết rằng, đằng sau biểu tượng này là một truyền thuyết đặc biệt.

Biểu tượng con rắn trong y học

Hình ảnh logo chính thức của Bộ Y tế.

Truyền thuyết về "ông tổ" ngành y dược

Theo truyền thuyết Hy Lạp, trong thời kỳ loài người còn sống chung với thần linh, ở xứ Thessalie có vị vua Asklepios Esculape, vừa là một minh quân, vừa là một thầy thuốc rất giỏi.

Ông được coi là ông tổ của ngành y dược. Ông đã sớm truyền ngôi lại cho con để có thời gian nghiên cứu y học và luôn tận tâm trong việc chữa bệnh cho mọi người, đặc biệt là dân nghèo. 

Biểu tượng con rắn trong y học

Thần Esculape được coi là ông tổ của ngành y dược.

Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn thì gặp một con rắn. Ông đã đưa cây gậy để gạt con rắn nhưng nó lại bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape đã cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn.

Nhưng khi chuẩn bị bước tiếp, Esculape chợt để ý thấy một con rắn khác bò tới cứu, miệng ngậm một loại thảo dược và giúp con rắn đã chết sống lại. Từ đó, Esculape để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người.

Thần Zeus, chúa tể của các vị thần Hy Lạp cổ đại, sợ Esculape quá tinh thông y học sẽ giúp cho loài người trở thành bất tử nên sai anh em nhà Cyclopes tạo mũi tên sấm sét để trừng phạt.

Nhờ thần Apollon kêu xin, thần Zeus đã tha tội và cho Esculape tham dự vào hàng tinh tú trong chòm sao Nhân mã (Sagittaire). Từ đó, Esculape được xem như thần bổn mệnh của các thầy thuốc.

Thần Esculape lấy vợ là Lampetie và sinh được 2 con gái là Hygie và Panacée, 3 con trai là Thelesphore, Machaon và Podalire. Tất cả 5 người con của ông đều tạo dựng được danh tiếng không kém cha.  

Cũng theo truyền thuyết, Hygie đã nuôi rắn thần để chữa bệnh và về sau trở thành nữ thần biểu tượng cho việc giữ gìn sức khỏe con người, do đó môn vệ sinh học được đặt tên là Hygène. Cô con gái thứ hai - Panacée - là nữ thần có khả năng chữa mọi bệnh tật, do đó thuốc chữa bệnh được gọi là Panacée.

Hai người con trai đều tham gia cuộc chiến thành Troy và đã được Homère ca ngợi trong tập trường ca Iliad. Machaon có tài chữa mọi vết thương cho các chiến binh, còn Podalire là một thầy thuốc ngoại khoa tài năng.

Trong nhiều thế kỷ, có thể vào thời kỳ Pindare, đầu thế kỷ thứ 5 TCN, Esculape mới được tôn thờ như một vị thần linh của y học Hy Lạp.

Cũng có lẽ từ thời điểm này, những đền thờ đầu tiên được xây dựng để ghi ơn ông, đồng thời còn được dùng làm nơi khám chữa bệnh. Chữ Esculape về sau đã trở thành danh từ chung để chỉ những người hành nghề y dược.

Biểu tượng con rắn trong y học

Biểu tượng của WHO.

Để tưởng nhớ Esculape, hậu thế đã dựng bức tượng của ông, tay cầm chiếc gậy làm bằng cây nguyệt quế và một con rắn quấn xung quanh. Con rắn này có tên là Elaphe longissima, một loài rắn lành có màu sắc đẹp, sống phổ biến ở châu Âu.

Dựa vào truyền thuyết trên, ngành y đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape. Con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.

Về sau này, Tổ chức Y tế Thế giới quyết định lấy hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy là hình ảnh đại diện trong Y học.

Rắn cũng xuất hiện trong biểu tượng của ngành dược. Tuy nhiên, thay vì quấn quanh cây gậy, con rắn sẽ quấn quanh một vật được gọi là chén Hygeia. Nguồn gốc của biểu tượng này có liên quan đến con gái của Esculape là nữ thần Hygie.

Biểu tượng con rắn trong y học

Biểu tượng ngành dược.

Cụ thể, chiếc chén này được cho là vật dùng để đựng thuốc của nữ thần Hygie. Sau đó, chén Hygeia đã được sử dụng như một biểu tượng cho những nhà chế thuốc.

Năm 1796, chén Hygeia được xem như chính thức liên quan đến ngành dược khi Hiệp hội Dược học Paris đã phát hành đồng đúc mang biểu tượng này.

Từ đó, chiếc chén được coi như tiêu biểu cho chén nước thuốc, và con rắn là tượng trưng cho việc có thể cứu chữa được. Hội Dược sĩ Hoa Kỳ đã chính thức công nhận chén Hygeia là biểu tượng cho nghề dược từ năm 1964.