Các tác phẩm văn học dân gian cấp 2 năm 2024

Văn học dân gian (VHDG) là một bộ phận quan trọng cấu thành nền văn học dân tộc; có vai trò và mối quan hệ khăng khít với văn hoá dân tộc nói chung, vì vậy từ rất sớm VHDG đã được đưa vào dạy học trong nhà trường từ cấp Tiểu học đến Đại học. Tuy nhiên, việc tính toán thời lượng và lựa chọn các thể loại, văn bản để đưa vào giảng dạy trong từng cấp học phụ thuộc vào định hướng xây dựng chương trình và lựa chọn văn bản của từng nhóm biên soạn – điều vẫn được nhiều nhà nghiên cứu, giáo viên bàn luận, trao đổi. Việc đổi mới chương trình và SGK đang diễn ra hiện nay chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực người học, đòi hỏi các nhà biên soạn chương trình và SGK phải có nhiều thay đổi, từ quan điểm biên soạn chương trình đến các vấn đề lựa chọn văn bản cũng như tài liệu hỗ trợ dạy học khác…, trong đó, bộ phận VHDG cũng không ngoại lệ. Bài viết của chúng tôi không có tham vọng “tổng kết” hay khái quát lại toàn bộ các vấn đề vốn nhiều tranh luận trên mà chỉ dừng lại ở việc khảo sát VHDG trong chương trình và SGK hiện hành, chỉ ra những bất cập, hạn chế, qua đó nêu lên một vài suy nghĩ, đề xuất cho các nhà biên soạn chương trình và SGK (phần VHDG) tham khảo trong quá trình xây dựng, biên soạn chương trình SGK mới.

1. Về thời lượng và văn bản, thể loại VHDG trong chương trình PT hiện nay

VHDG trong chương trình PT hiện nay (bao gồm cả phần đọc thêm) có 2 bộ phận: VHDG Việt Nam và VHDG nước ngoài. Thời lượng, số tiết và văn bản, thể loại có thể tổng hợp qua bảng sau:

Văn học dân gian trong CT THCSVăn học dân gian trong CT THPTSố tiếtSố lượng văn bảnSố lượng Thể loạiSố tiếtSố lượng văn bảnThể loại252371595Đọc thêm88222Nước ngoài31222

Qua bảng tổng hợp trên có thể thấy, VHDG ở THCS được dạy ở 3 lớp: 6, 7, 8, trong đó chủ yếu tập trung ở lớp 6, với 7 thể loại (truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, tục ngữ, chèo). Còn ở THPT chỉ được dạy ở lớp 10, với 5 thể loại là truyện thơ, truyền thuyết, cổ tích, sử thi, ca dao. Ca dao, cổ tích và truyền thuyết, truyện cười được lặp lại (ở mức độ nâng cao hơn); sử thi và truyện thơ là yếu tố mới, (thể loại tục ngữ và ngụ ngôn không còn). Chương trình này khi áp dụng thực hiện vào thực tiễn đã cho thấy một số điểm mạnh và hạn chế nhất định. Sau đây là những điểm tốt mà phần chương trình SGK mới có thể kế thừa.

2. Những ưu điểm có thể kế thừa

Thứ nhất: Thời lượng và thể loại của VHDG trong chương trình PT như vừa nêu ở trên phản ánh đúng vai trò, vị trí của VHDG trong nền văn học dân tộc. VHDG ở THCS chủ yếu được dạy từ lớp 6, lớp đầu cấp là hoàn toàn phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh. VHDG có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của học sinh giai đoạn này. Những bài học, triết lý và tinh thần nhân văn, nhân ái; những đặc điểm về văn hoá dân tộc của VHDG nói chung sẽ là những tiền đề quan trọng, góp phần hình thành nền tảng kiến thức và kỹ năng, thái độ cho học trò trong những lớp, cấp học tiết theo.

Thứ hai: Văn bản và thể loại VHDG được lựa chọn trong chương trình PT nhìn chung là phù hợp. Trừ thể loại thần thoại, các thể loại quan trọng của VHDG (7/12 thể loại) đã có mặt trong chương trình. Điều đáng nói ở đây là văn bản VHDG không chỉ dừng lại ở đơn vị tác phẩm cụ thể mà có thể thấy tinh thần, ngữ liệu văn học dân gian xuất hiện khá đậm đặc trong nội dung của chương trình, đặc biệt là ở THCS. Số tiết mà bảng thống kê trên chỉ ra chỉ có giá trị tương đối, vì trên thực tế, các ngữ liệu của phần tiếng Việt; các bài văn nghị luận (về một tư tưởng đạo lý, đạo đức…); các bài kiểm tra vẫn được các giáo viên sử dụng VHDG như là một đối tượng chính hoặc ngữ liệu để triển khai nội dung bài học. Điều này một mặt có tác dụng đối với sự tiếp nhận của học sinh, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên khi triển khai các kịch bản dạy học.

Thứ ba: Chương trình VHDG ở PT học sinh không chỉ được học VHDG của người Kinh mà còn được học VHDG của các dân tộc ít người; Chương trình VHDG ở PT không chỉ dạy VHDG của người Việt mà còn giới thiệu những tinh hoa của VHDG thế giới. Mặc dù thời lượng của bộ phận VHGD ít người và nước ngoài khá khiêm tốn song chúng đều là những tác phẩm tinh hoa, được chọn lọc. Điều này là rất cần thiết, vừa đảm bảo tính quốc tế của VHDG và xu thế hội nhập hiện nay vừa phù hợp với đặc điểm văn hoá của người Việt: Tiếp nhận những tinh hoa văn hoá nước ngoài làm giàu cho văn hoá nước nhà.

Thứ tư: Việc hai thể loại truyền thuyết dân gian và cổ tích tiếp tục được dạy ở chương trình THPT (lặp lại về mặt thể loại) là hoàn toàn hợp lý. Điều này một mặt khẳng định tầm quan trọng của hai thể loại này trong foklore nói chung, mặt khác đảm bảo ý nghĩa về cách dựng chương trình theo lối vòng tròn đồng tâm, nâng cao dần theo trình độ tiếp nhận của bậc học. (Cũng là truyền thuyết nhưng Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu Trọng Thuỷ có một kết cấu phức tạp hơn, mang các chủ đề sâu hơn, các ý nghĩa tích hợp nhiều hơn, đòi hỏi một trình độ nhận thức cao hơn để tiếp nhận. Tương tự, truyện Tấm Cám ở chương trình THPT cũng như vậy. Có thể nói, Tấm Cám là một trong những truyện có kết cấu hoàn chỉnh và phức tạp bậc nhất trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Không những thế, truyện còn mang nhiều nội dung ý nghĩa, các mạch ngầm văn hoá đặc trưng của người Việt mà phải ở trình độ, lứa tuổi THPT mới tiếp cận được.

3. Những bất cập, hạn chế của CT và việc tổ chức thực hiện dạy học VHDG ở PT

Thứ nhất: Quan điểm xây dựng chương trình theo trục nội dung khi áp dụng vào biên soạn phần VHDG đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Nếu việc lặp lại thể loại truyền thuyết và cổ tích là chấp nhận được thì thể loại truyện cười và ca dao hài hước rất đáng phải bàn lại. Hai thể loại trên không thể hiện được tính chất mở rộng, nâng cao của quan điểm này. Cũng cần nói thêm rằng, quan điểm biên soạn này ngoài những ưu điểm đã thấy, nhược điểm lớn nhất là tính “dàn hàng ngang”, cái gì cũng có một chút, dẫn đến là học sinh không được học một cái gì trọn vẹn. Đó chưa kể đến tính chất nhàm chán của sự lặp lại được không ít giáo viên phàn nàn trong quá trình dạy học.

Thứ hai, việc giảm tải điều chỉnh thời lượng, số tiết trên đơn vị bài dạy được thực hiện theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 01 tháng 9 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo một cách khá cơ học, dẫn đến những hệ luỵ, khó khăn cho giáo viên và học sinh trong việc việc tổ chức dạy học các tác phẩm văn học dân gian. Chẳng hạn, việc giảm tải đưa văn bản Truyện Con Rồng cháu Tiên; Sự tích hồ Gươm ở lớp 6, đã phá vỡ ý đồ thống nhất ban đầu của các nhà biên soạn chương trình và SGK. Không phải ngẫu nhiên các nhà làm chương trình và SGK đưa các văn bản theo thứ tự Con Rồng cháu Tiên, Sự tích bánh chưng, bánh giầy, Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh rồi mới đến Sự tích hồ Gươm. Ở đây có 2 logic, thời gian và nội dung: logic thời gian: 4 truyện đầu thuộc về thời đại Hùng Vương, truyện Sự tích hồ Gươm thuộc thời đại Hậu Lê. Logic nội dung: nhóm truyện này phản ánh các đề tài: Giải thích nguồn gốc giống nòi; giải thích tục làm bánh chưng, bánh giầy thờ cúng ông bà; phản ánh sự ý thức và mơ ước về người anh hùng chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ; Giải thích hiện tượng lũ lụt và phản ánh công cuộc trị thuỷ của người Việt buổi đầu hạ sơn xuống đồng bằng sông Hồng. Tựu trung lại có 2 nội dung lớn: Giải thích nguồn gốc giống nòi và phản ánh công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta buổi bình minh lịch sử.

Việc giảm tải văn bản duy nhất thuộc thể loại chèo ở THCS (trích đoạn Nỗi oan hại chồng) theo chúng tôi cũng không hợp lý và đã phá vỡ ý đồ biên soạn ban đầu. Tính hợp lý của việc đưa thể loại này vào chương trình lớp 7; sự thất bại ít nhiều của việc triển khai dạy học ở phổ thông là có thật, và do nhiều nguyên nhân chứ không hoàn toàn thuộc về việc đưa chèo vào dạy trong chương trình PT. (Chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở phần đề xuất). Tương tự như vậy, việc giảm tải đưa vào phần đọc thêm các văn bản Ra – ma buộc tội (Sử thi Ấn Độ), ở THPT. Rõ ràng, việc giảm tải mang tính cơ học trên đã làm mất đi tính cân đối và ý đồ lựa chọn tác phẩm, thời đại cũng như sự hài hoà của văn học dân gian Việt Nam, VHDG nước ngoài; VHDG các dân tộc ít người và VHDG người Kinh như chúng tôi đã nêu ban đầu.

Thứ ba, việc vắng bóng thể loại thần thoại và định hướng dạy văn bản Con Rồng cháu tiên; Sơn Tinh Thuỷ Tinh theo thể loại truyền thuyết cần được định hướng chuyên sâu cho giáo viên và cần có những hướng dẫn cụ thể cho học sinh để tránh tình trạng tranh luận về vấn đề giao thoa thể loại (việc này dành cho các nhà nghiên cứu hơn là dành cho giáo viên và học sinh). Trong phần Đọc hiểu văn bản Sơn Tinh, Thuỷ Tinh có 3 câu hỏi: 1. Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh có mấy đoạn? mỗi đoạn thể hiện nội dung gì? Truyện được gắn với thời đại nào trong lịch sử Việt Nam?; 2. Trong truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh nhân vật chính là ai? Các nhân vật chính được miêu tả bằng những chi tiết tưởng tượng kỳ ảo như thế nào? Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật đó?; 3. Hãy nêu ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh?(1). Như vậy có 2 câu (câu 2 và 3) thiên về nội dung thần thoại, ngay cả ghi chú cũng đưa chủ đề thần thoại lên trước: “Sơn Tinh, Thuỷ Tinh là câu chuyện tưởng tượng kỳ ảo, giải thích hiện tượng lũ lụt và thể hiện sức mạnh, ước mong của người Việt chế ngự thiên tai, đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng”(2).

Kho tàng thần thoại Việt Nam đã bị tản mác đi gần hết. Cho đến nay, chỉ còn lại những mảnh, mẩu của thần thoại đúng nghĩa mà thôi. Điều này có căn nguyên lịch sử của nó. Như chúng ta đã biết, dân tộc Việt Nam trải qua những biến cố và hoàn cảnh lịch sử đặc trưng. Quá trình hình thành thần thoại chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn rồi nhanh chóng bị lịch sử hoá trước những yêu cầu của lịch sử. Số phận của dân tộc ta từ buổi bình minh của lịch sử luôn đối mặt với giặc ngoại xâm, vì vậy yêu cầu chống ngoại xâm được đặt lên hàng đầu và xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Những truyện như Con Rồng cháu Tiên; Sơn tinh Thuỷ tinh vốn là những thần thoại nhưng đã bị lịch sử hoá để trở thành những truyền thuyết… Có lẽ khi làm chương trình, các nhà biên soạn cũng đã cân nhắc kỹ điều này. Chỉ tiếc là sách chưa có những hướng dẫn chuyên sâu cho các giáo viên về trường hợp cụ thể đã nêu.

Thứ tư, trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học tác phẩm văn học dân gian ở trường phổ thông, giáo viên và học sinh thiếu những công cụ hỗ trợ chuyên dụng. Đây cũng là bất cập phổ biến dẫn đến hiệu quả dạy học VHDG trong nhà trường chưa cao. VHDG gắn với tính sinh hoạt thực hành, do vậy điều kiện tối ưu để phát huy hiệu quả trong dạy học là sự tham gia, điền dã của chính giáo viên và học sinh. Tất nhiên, với đa số trường học và các điều kiện hiện nay, rất khó để đáp ứng yêu cầu này. Tuy vậy, vẫn có thể thay thế bằng những công cụ hỗ trợ tối thiểu như băng hình hoặc clip, tranh ảnh minh hoạ. Trao đổi với chúng tôi, nhiều giáo viên thú nhận rằng họ vẫn dạy chay và gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm các tài liệu hỗ trợ chuyên sâu cho phần VHDG. Công bằng mà nói, không phải là không có những tài liệu và công cụ hỗ trợ như vậy, chẳng hạn Phim tài liệu về Lịch sử và lễ hội Cổ Loa; Kể chuyện Sử thi Tây Nguyên của Trung tâm nghiên cứu, phát triển học liệu và thiết bị dạy học, Viện Chiến lược và chương trình Giáo dục phát hành. Tuy vậy, không hiểu sao tài liệu cực kỳ cần thiết cho việc dạy hai văn bản trong chương trình Ngữ văn 10 này lại không đến được với đông đảo giáo viên?!

4. Một số trao đổi, đề xuất

1. Kế thừa những ưu điểm của chương trình và SGK hiện hành như ở mục 2 đã trình bày. Đặc biệt là sự tính toán, hài hoà của các yếu tố: VHDG Việt Nam, VHDG nước ngoài; VHDG người Kinh, VHDG các dân tộc ít người. Cụ thể, theo chương trình giảm tải của Công văn số 5842/BGDĐT-VP thì bộ phận VHDG các dân tộc ít người chỉ còn lại 2 tiết là Chiến thằng Mtao – Mxây (trích sử thi Đăm Săn), như vậy là quá ít so với vai trò của bộ phận này. Nên đưa trích đoạn Lời tiễn dặn (Truyện thơ Tiễn dặn người yêu) trở lại hoặc lựa chọn một văn bản của dân tộc khác (Mường hoặc Tày) để đưa vào chương trình.

2. Cần đưa truyện Con Rồng cháu Tiên trở lại dạy chính thức (chứ không phải đọc thêm như hiện nay) vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, truyện này được đưa vào bài đầu tiên của lớp 6 với ý đồ rất rõ của các nhà biên soạn biên soạn chương trình và SKG theo lo gic thời gian và logic nội dung như chúng tôi đã nói ở phần trên. Thứ hai, không thể giảm tải truyện này vào phần đọc thêm vì tính chất và ý nghĩa của nó. Chúng ta biết rằng, truyện Con Rồng cháu Tiên ban đầu là một thần thoại giải thích nguồn gốc người Việt (nguồn gốc giống nòi), về sau được truyền thuyết hoá. Thế hệ trẻ ngày nay đến với truyền thuyết không đơn thuần chỉ để tìm lại bóng dáng của lịch sử. Trong việc đương nhiên là cần thiết ấy, những cứ liệu khảo cổ học, sử học hẳn là giúp họ được nhiều hơn những cứ liệu văn học dân gian. Điều quan trọng đối với họ là biết lắng nghe và cố hiểu từ văn bản truyền thuyết – bức thông điệp của hôm qua gửi cho hôm nay muốn nói điều gì, gửi gắm tâm tình thiết tha gì của tổ tiên đối với con cháu. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Tầm Vu đã xếp truyện này vào những truyện đứng đầu trong thần thoại và truyền thuyết Việt Nam. Ý nghĩa của truyện không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc giải thích nguồn gốc giống nòi mà còn gợi cho học sinh một niềm tự hào về nguồn gốc cao quý (Rồng) và đẹp đẽ (Tiên) của dân tộc mình. Vì rằng đây là cặp vợ chồng khởi thuỷ trong lịch sử nòi gống Việt, cho nên sau khi RỒNG và TIÊN kết duyên (để rồi nở ra bọc trứng), cặp biểu tượng này mang hàm nghĩa BỐ – MẸ, không phải là những ông bố, bà mẹ cụ thể nào mà là những ông bố, bà mẹ khái quát. NGƯỜI CHA là người cha chung của nòi giống, NGƯỜI MẸ là người mẹ chung của dân tộc: Bố Long và Mẹ Âu. Theo tác giả Cao Huy Đỉnh cách gọi Bố Rồng, Bố Hùng là “dấu hiệu tình cảm gắn bó của tổ tiên ta đối với các thủ lĩnh đầu tiên trong quan hệ cộng đồng bộ tộc Lạc Việt”(3). Như vậy, ý niệm về giống nòi cũng hình thành từ đó và lớn dần tên thành tình cảm dân tộc. Hình tượng “sinh ra cùng một bọc” là nguồn cội của hai tiếng đồng bào nghe rất thân thương(4). Mẹ Âu Cơ không chỉ mang nặng đẻ đau mà còn nổi bật lên như một hình tượng bởi đức tính tháo vát, đảm đang. Mẹ là một vị tiên xinh đẹp và giỏi giang. Mẹ dạy cho các con biết trăm nghề khéo: chăn nuôi, trồng trọt, biết nấu cơm, làm bánh, chăn tằm và dệt vải…. Bố Long lại biểu tượng cho tinh thần quả cảm diệt ác trừ nguy, cho tinh thần dựng xây đất nước. Bố Long, Mẹ Tiên là là sự kết hợp hoàn hảo giữa trai tài – gái sắc. Bố mẹ của muôn con, muôn người, của đất nước. Cùng sinh ra bởi Bố Long Mẹ Tiên, cùng lớn lên trong một địa vực cư trú, chính vì vậy mà người Việt vẫn hằng bảo nhau “thương người như thể thương thân, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…”

Từ câu chuyện này không chỉ dạy cho học sinh hiểu, tự hào về nguồn gốc của mình mà còn bồi đắp thêm tình cảm nhân ái, tính cộng đồng, cách biết sống vì nhau. Biểu tượng bọc trăm trứng cần được khai thác nhằm gợi lên tinh thần đoàn kết máu thịt, bởi theo truyện, tất cả các dân tộc Việt đều cùng một phôi thai. Lời của Bố Long “khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau” sẽ mãi vang vọng như nhắc nhở tất cả mọi người đừng quên cội nguồn ruột thịt. Vâng lời Bố Long là tiếp tục truyền thống tốt đẹp của người Việt: anh em trên dưới một lòng, hoà thuận, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau chia ngọt xẻ bùi và gánh vác trọng trách gìn giữ đất nước. Đó cũng là những phẩm chất quý giá không bao giờ cũ trong xã hội hiện đại. Chúng ta hoàn toàn có thể và cần phải thông qua việc dạy – học truyện “Con Rồng cháu Tiên”, đặc biệt là những biểu tượng trung tâm Rồng, Tiên, Bọc trứng để giáo dục các em lòng yêu nước, yêu dân tộc và tự hào về nòi giống TIÊN – RỒNG của mình.

3. Việc đưa thể loại Chèo vào chương trình PT là một dấu ấn mới của chương trình và SGK hiện hành. Tuy vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện dạy học thể loại này đã bộc lộ những bất cập, nếu không muốn nói là thất bại, đặc biệt là ở THCS. Tìm hiểu vấn đề này từ chính các giáo viên giảng dạy, chúng tôi được biết, việc dạy Chèo thất bại có rất nhiều nguyên nhân, song có 2 nguyên nhân chủ yếu: thứ nhất, đa số giáo viên ít am hiểu về chèo. Chính bản thân họ khi xem một vở chèo đã không thể “tiêu hoá” nổi thì làm sao có thể dạy để học sinh hiểu và yêu thích được! Thứ hai, Chèo là một sản phẩm của văn hoá làng xã Bắc Bộ, phản ánh những nét sinh hoạt văn hoá của cư dân người Việt ở miền Bắc nên khá xa lạ với học sinh lớp 6 ở miền Nam. Thứ nữa, đặc trưng của nghệ thuật Chèo là nghệ thuật ước lệ, một nghệ thuật đòi hỏi nhiều vốn tri thức, vốn sống văn hoá để tiếp thu. Do vậy, dạy Chèo ở lớp 6 theo chúng tôi là chưa phù hợp với trình độ của học sinh lứa tuổi này. Chúng tôi đề xuất, giữ lại thể loại Chèo trong chương trình mới, nhưng đưa vào lớp 10 THPH.

4. Việc dạy truyện cười và ca dao hài hước ở cả hai cấp THCS và THPT là không cần thiết. Đặc trưng lớn nhất của hai thể loại này là sự gây cười và tiếng cười (tính chất của tiếng cười có thể không giống nhau). Điều này một phần không nhỏ được tạo ra bởi người kể (nói theo dân gian là khiếu hài hước) và không gian kể. Trên thực tế, việc tổ chức dạy học hai thể loại này không đảm bảo hai yếu tố vừa kể trên cho nên thất bại là chuyện dễ hiểu. Kết quả là học sinh học truyện cười mà chẳng cười; học ca dao hài hước mà không cảm được sự hài hước… Chúng tôi đề xuất: Chỉ giữ lại phần truyện cười (cùng với ngụ ngôn) ở THCS; thay thế phần ca dao hài hước bằng các chủ đề khác (tình cảm gia đình, quê hương đất nước…).

5. Phần văn học địa phương trong chương trình THCS về chủ trương là rất tốt, song quá trình triển khai thực hiện lại thiếu tính định hướng, đôi khi hơi tuỳ tiện ở một số địa phương nhất định. Chúng tôi đề xuất, phần này dành hẳn cho Văn học dân gian địa phương. Phải có hướng dẫn cụ thể quy trình, cách thức thực hiện để cho các địa phương khai thác VHDG địa phương mình một cách tốt nhất, đảm bảo hiệu quả học tập.

*

Tóm lại, quan điểm xây dựng chương trình theo trục nội dung và việc lựa chọn các văn bản, thể loại của chương trình hiện nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cần phải được khắc phục trong chương trình mới. Quan điểm xây dựng chương trình chuyển định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực cho phép nhiều hơn những lựa chọn và thay thế. Không thể dạy tất cả các thể loại và tiểu loại của VHDG trong chương trình phổ thông, vì vậy chương trình và SGK mới cần được tính toán, cân nhắc kỹ về mặt nội dung, thể loại, văn bản để vừa có tính liên tục, kế thừa nhưng vẫn tránh việc “dàn hàng ngang”, lặp lại không cần thiết một cách, gây cảm giác nhàm chán nặng nề cho người dạy và người học.

——————————

(1), (2) Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên), Ngữ văn 6 tập 1, Nxb Giáo dục, tr.33, 34.

(3) Cao Huy Đỉnh (1976), Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình Văn học dân gian Việt Nam, Nxb KHXH, tr.17