Cao văn lầu có người thầy đàn tên là gì

Bạc Liêu vùng đất hoang sơ và huyền thoại, với thiên nhiên giàu có, con người phóng khoáng. Bạc Liêu màu mỡ bởi sự bồi đắp tự nhiên của phù sa Sông Hậu; còn sự giàu có về văn hóa của Bạc Liêu chính nhờ sự "hợp lưu" của ba dòng chảy văn hóa từ các cộng đồng Kinh, Khme, Hoa. Chính vì điều kiện địa lý tự nhiên, văn hóa-xã hội đặc thù như vậy nên Bạc Liêu có sức hút đặc biệt đối với cả nước.

Nhắc đến Bạc Liêu, người ta thường liên tưởng tới danh xưng "công tử Bạc Liêu" nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu nói về một biểu tượng văn hóa của vùng đất này, phải kể đến nhạc sỹ Cao Văn Lầu với bản "Dạ cổ hoài lang".

Nhạc sỹ Cao Văn Lầu hay còn gọi là Sáu Lầu (1892-1976), quê tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sáp nhập với làng Thuận Lễ trở thành xã Thuận Mỹ, huyệnVàm Cỏ, tỉnhLong An.

Do gia cảnh khốn khó, cả gia đình Cao Văn Lầu đã phải rời quê phiêu dạt đến các vùng Xà Phiên (tỉnhHậu Giang), Họng Chàng Bè, Thạnh Hòa (Bạc Liêu) sinh sống.

Tại Thạnh Hòa, cậu bé Lầu đã từng phải vào chùa Vĩnh Phước An đi tu để bớt gánh nặng cho gia đình. Kể từ đó chú bé Lầu, vừa kinh kệ, vừa được nhà sư dạy chữ Nho.

Năm 1903, phong trào Quốc ngữ nổi lên, ông được cha đến xin cho về nhà theo học Quốc ngữ và học đến lớp nhì năm thứ 2 (khoảng trình độ lớp 4 ngày nay) thì phải nghỉ học lo sinh kế gia đình.

Năm 1908, Cao Văn Lầu làm quen với âm nhạc với việc đến xin thọ giáo nhạc sư Lê Tài Khí (tục danh là Nhạc Khị, hay Hai Khị). Thày Hai Khị tuy chân tật, mắt mù nhưng lại rất tinh thông âm luật và có những ngón đàn khá điêu luyện.

Học trò Lầu nhờ sáng dạ và siêng năng nên sớm lĩnh hội được sở học của thầy và chỉ một thời gian ngắn đã sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ: đàn kìm, cò, trống lễ và sớm trở thành nhạc sỹ chính trong ban nhạc của thầy.

Năm 1912, Cao Văn Lầu bắt đầu đi hát với vài gánh hát nhỏ, một năm sau thì ông lập gia đình với cô Trần Thị Tấn, một cô gái nết na ở điền Tư Ô (Chung Bá Khánh). Thời gian này ông cũng bắt đầu sáng tác một số bản nhạc trong đó có bản Bá Điểu.

Năm1917, ông sáng tác thêm một khúc gồm 22 câu, theo một chủ đề của thầy Nhạc Khị đề xướng là "Chinh phụ vọng chinh phu". Bản nhạc này do góp ý của một người đồng môn đã rút xuống còn 20 câu và được trình diễn tại nhà thày Hai Khị vào tiết trung thu năm 1918.

Nhạc sư sau khi nghe sáng tác của học trò đã hết sức khen ngợi, nhân thể nhờ nhà sư Nguyệt Chiếu, người có mặt tại buổi lễ đặt tên cho bản nhạc. Sư Nguyệt Chiếu là người am tường về cổ nhạc nương theo tích cũ đặt là "Dạ cổ hoài lang" (tức nghe tiếng trống đêm nhớ chồng).

Bản nhạc này sau đó nhanh chóng loan truyền và làm nên danh tiếng của nhạc sỹ Cao Văn Lầu và ngay khi ra đời đã sớm chinh phục người nghe bởi nhiều nguyên do.

Thứ nhất, bản Dạ cổ hoài lang ra đời là sự kết tinh về tri thức cổ nhạc và tâm hồn mẫn cảm, tài hoa của nhạc sỹ Cao Văn Lầu.

Thứ hai bản nhạc làm xúc động người nghe bởi nó được "chắt ra" từ chính cuộc tình duyên éo le của nhạc sỹ. Nguyên do năm 1913, ông lấy vợ nhưng qua ba năm chung sống mà vẫn chưa có con. Gia đình đã buộc Sáu Lầu từ bỏ người vợ này nhằm tìm duyên mới, hy vọng có mụn con nối dõi.

Sáu Lầu tuy phải miễn cưỡng vâng lời cha mẹ nhưng lòng thì không hề có ý phụ rẫy người vợ hiền. Tình nghĩa phu thê sâu nặng, nhạc sỹ vẫn thường lén tìm gặp người vợ cũ hiện nương náu tại một mái chùa. Từ tình cảnh bi thiết đó Sáu Lầu đã đem tâm trạng ấy phổ vào bản Dạ cổ hoài lang.

Tuy nhiên ngoài những lý do cá nhân trên, còn có những lý do mang tính xã hội khác. Dân Bạc Liêu thuở ban đầu hình thành từ những cộng đồng di dân. Những di dân người Hoa gốc Triều Châu chạy trốn triều Mãn Thanh; những cư dân người Kinh xiêu tán khắp Nam Kỳ lục tỉnh tụ lại; cộng đồng người Khme đông đảo sống rải rác trên những miền kênh rạch.

Mỗi cộng đồng di dân đến Bạc Liêu đều mang theo dấu ấn về văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, có một "hằng số văn hóa" chung giữa họ đó là tinh thần hướng thiện, trượng nghĩa, yêu cái đẹp và trên hết và một nỗi niềm đau đáu về quê hương xứ sở. Mảnh đất mà vì sinh kế họ đã phải dứt áo ra đi.

Bản Dạ cổ hoài lang ra đời cũng với nhiều bản vọng cổ khác đã nói hộ họ những nỗi niềm tâm sự buồn thương, cay đắng, chuyện đạo nghĩa, lòng nhân... Mỗi bản vọng cổ được ca lên là mỗi người nghe tìm thấy một phần số phận mình trong đó, họ cảm thấy được gửi gắm tâm sự, được chia sẻ.

Điều đó lý giải vì sao Dạ cổ hoài lang ngay khi ra đời đã đi vào đời sống người dân một cách tự nhiên và có sức cuốn hút mạnh mẽ đến vậy.

Có một điểm đáng chú ý là bản Dạ cổ hoài lang ban đầu từ một sáng tác của cá nhân Cao Văn Lầu sau khi được các gánh hát khắp Nam Kỳ lục tỉnh sử dụng đã dần trở nên có nhiều dị bản.

Từ chỗ là một bản nhạc với âm luật cổ nhạc đã biến đổi thành nhiều dị bản đồng thời với hoạt động biểu diễn của các nghệ sỹ, đi vào dân gian hóa, thành một thứ di sản mang tính cộng đồng.

Nhiều gánh hát Nam Bộ và giới cải lương đã tôn xưng Dạ cổ hoài lang là bài ca chính thống,"bài ca vua" trên sân khấu cải lương Nam Bộ. Nhiều soạn giả, nhạc sỹ lấy cảm hứng từ bản nhạc này để sáng tác như: Viễn Châu (tân cổ giao duyên), Vũ Đức Sao Biển (Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang)...

Trong một cuộc hội thảo bàn về Dạ cổ hoài lang, GS-TS.Trần Văn Khê viết: "Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được nhưDạ cổ hoài langbiến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể".

Dạ cổ hoài lang qua hoạt động trình diễnđã đi vào đời sống sân khấu, có vị trí, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống âm nhạc dân tộc. Chỉ riêng hào quang đó đã khiến Dạ cổ hoài langtrở thành một thứ di sản mang tính biểu tượng, niềm tự hào của văn hóa Bạc Liêu. Nó cũng giống như hát Quan Họ Bắc Ninh, ca Huế, hát xẩm Ninh Bình, hát Xoan Phú Thọ…là thứ tài sản tinh thần vô giá mà mỗi địa phương đang gắng sức bảo tồn.

Lễ kỷ niệm 53 năm kết nghĩa Bạc Liêu- Ninh Bình cũng vào dịp Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư. Ngành văn hóa tỉnh nhà tự hào với những điệu xẩm từ những truyền nhân của nghệ nhân Hà Thị Cầu, chúng ta càng trận trọng khi được nghe và hiểu về bản"Dạ cổ hoài lang" của nhạc sỹ tài hoa Cao Văn Lầu. Bởi vì với những người bạn không có mối dây liên kết nào bền chặt cho bằng sự hiểu biết và trân trọng các giá trị văn hóa của nhau.