Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là gì

1. Căn cứ pháp lý

Điều 337 Chương XXII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước như sau:

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

2. Dấu hiệu pháp lý của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước

2.1. Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là sự an toàn của những tin tức mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

Đối tượng tác động của tội phạm này là bí mật Nhà nước bao gồm: những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, anh ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà Nhà nước Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Điều 337 Bộ luật Hình sự quy định 02 loại tội phạm riêng biệt. Đó là tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước và tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước.

* Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước

Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước được biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói, chữ viết hoặc cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp bí mật Nhà nước.v.v…

Làm lộ bí mật bằng lời nói là trường hợp nói hoặc kể cho người khác nghe những tin tức thuộc bí mật Nhà nước mà mình biết.

Làm lộ bí mật bằng chữ viết là trường hợp viết ra những tin tức thuộc bí mật Nhà nước mà mình biết để người khác đọc.

Cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp là trường hợp, người có trách nhiệm quản lý, cất giữ, bảo quản các tin tức bí mật Nhà nước, đã để người khác xem, nghe, đọc, sao chụp hoặc để người khác  chiếm đoạt các tin tức đó.

Để cho người khác nghe được tin tức bí mật Nhà nước trong trường hợp này là để người khác nghe băng ghi âm chứ không phải kể cho người khác nghe.

* Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước.

Ngay trong tên gọi của điều luật đã cho thấy hành vi khách quan của tội này gồm 03 hành vi là chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật, tài liệu bí mật nhà nước.

Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi dùng các thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý tài liệu bí mật Nhà nước để lấy các tài liệu đó hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài liệu bí mật Nhà nước để lấy các tài liệu đó.

Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi dùng tiền hoặc tài sản để mua tài liệu bí mật Nhà nước để cất giữ, để bán lại cho người khác hoặc bán tài liệu bí mật Nhà nước mà mình quản lý, cất giữ cho người khác để lấy tiền hoặc tài sản.

Tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước là làm cho tài liệu bí mật Nhà nước không còn giá trị sử dụng được nữa.

Hành vi tiêu huỷ được thể hiện bằng nhiều cách như: đốt cháy, xét nát, nghiền nát, đập phá, dùng các hoá chất để huỷ hoại.v.v… hành vi tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước cũng giống như hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản, nhưng đối với tài liệu bí mật Nhà nước nhà làm luật không dùng thuật ngữ huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng mà dùng thuật ngữ “tiêu huỷ” là phù hợp hơn.

Hậu quả của cả hai tội phạm trên đều là những thiệt hại phi vật chất, ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách, kế hoạch của cơ quan, Nhà nước. Trong một số trường hợp hậu quả của nó có thể là vật chất. Tuy nhiên, hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của cả hai tội phạm trên, tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi khách quan xảy ra.

Ngoài quy định về hành vi khách quan của tội phạm, Điều 337 Bộ luật Hình sự quy định thêm rằng, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này trong trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 – Tội gián điệp.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.

Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ ràng hậu quả nghiêm trọng khi bí mật nhà nước bị tiết lộ hoặc tài liệu bí mật Nhà nước và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Điều luật không quy định về động cơ, mục đích của hành vi làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước. Tuy nhiên, cần phải xác định động cơ, múc đích phạm tội không nhằm để người nước ngoài sử dụng chống lại Nhà nước Việt Nam. Nếu động cơ, mục đích của người thực hiện tội phạm là để cung cấp thông tin cho nước ngoài nhằm chống phá nhà nước Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm về tội gián điệp – Điều 110. Tội gián điệp. Đây cũng là đặc điểm để phân biệt tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước với tội gián điệp.

3. Hình phạt đối với người phạm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước

Điều 337 Bộ luật Hình sự quy định 04 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

- Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

- Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự

Luật Hoàng Anh