Chủ nghĩa xã hội ra đời khi nào năm 2024

Chỉ trong ba tháng sau khi Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, bộ máy nhà nước chuyên chính vô sản được thiết lập và từng bước hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương; giai cấp công nhân và quần chúng lao động Nga từ thân phận nô lệ, bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ xã hội, giành chính quyền về tay mình, tổ chức cải tạo và xây dựng xã hội mới. Những lý tưởng về giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người và nhân loại đã thành hiện thực.

Sự ra đời của Nhà nước Xô viết là yếu tố trụ cột để thiết lập nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên trong lịch sử, được xây dựng trên cơ sở hệ thống các Xô viết từ Trung ương đến địa phương, liên hệ chặt chẽ với các tổ chức quần chúng lao động. Nét nổi bật của hình thức tổ chức chính quyền mới này là sự hài hòa giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp, dẫn đến sự thống nhất hành động giữa các cơ quan trong Nhà nước Xô viết.

Người dân và lực lượng khởi nghĩa diễu hành tại Saint Petersburg chào mừng thành công của Cách mạng Tháng Mười, ngày 7-11-1917. Ảnh tư liệu

Nhà nước Xô viết đã tiến hành từng bước việc xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN), xác lập quan hệ sản xuất và hệ thống kinh tế mới XHCN; đã ban hành một loạt sắc lệnh quốc hữu hóa các nhà máy, xí nghiệp của giai cấp tư sản; thành lập Hội đồng Kinh tế quốc dân tối cao; ban hành Sắc luật Quốc hữu hóa toàn bộ nền đại công nghiệp, Sắc luật Ruộng đất; thành lập Ủy ban Bần nông ở nông thôn. Những sắc lệnh, sắc luật kịp thời và kiên quyết của chính quyền Xô viết đã tạo cơ sở pháp lý và vật chất để tiến hành công nghiệp hóa, điện khí hóa, cải tạo, phát triển kinh tế nông thôn.

Đặc biệt, Nhà nước Xô viết đã thực hiện những bước đi quá độ để khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân. Sau Cách mạng Tháng Mười, trước sự chống phá của thù trong, giặc ngoài, V.I.Lênin và Nhà nước Xô viết đã thi hành chính sách kinh tế “cộng sản thời chiến”, sau đó chuyển sang Chính sách kinh tế mới (NEP) để phát triển nền sản xuất công nghiệp và dần cải tạo nông nghiệp. Thực chất của NEP là chuyển từ nền kinh tế nhà nước nắm quyền về mọi mặt, bao cấp, sang một nền kinh tế hàng hóa thị trường với nhiều thành phần kinh tế khác nhau. NEP đã khai thông con đường quá độ từ CNTB lên CNXH ở Liên Xô, tiến tới thủ tiêu các giai cấp bóc lột, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Chỉ trong 4 năm (1921-1925) thực hiện NEP, nền kinh tế phát triển nhanh, nhân dân Xô viết đã hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ chủ yếu của thời kỳ khôi phục kinh tế. Đời sống nhân dân được cải thiện, liên minh công-nông được củng cố. Những thành tựu đó đã minh chứng cho dự báo từ trước của V.I.Lênin: “Nước Nga XHCN sẽ ra đời từ trong lòng nước Nga của chính sách kinh tế mới”.

V.I.Lênin cũng trực tiếp soạn thảo “Đề cương về cách mạng văn hóa” trong tình cảnh khó khăn lớn nhất của cuộc cách mạng văn hóa ở nước Nga là rất nhiều dân tộc ít người trong đế quốc Nga trước đó có hơn 90% dân cư không biết chữ và sự chống phá quyết liệt của kẻ thù. Đảng và Nhà nước Xô viết đã thi hành mọi biện pháp nhằm nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, nhanh chóng đào tạo một đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật phục vụ công nghiệp hóa XHCN. Hội đồng Dân ủy đã ra Sắc luật “Về việc tách nhà thờ khỏi nhà nước, tách trường học khỏi nhà thờ” và Chỉ thị “Về việc thanh toán nạn mù chữ trong nhân dân Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga”. Đảng và Nhà nước Nga đã ưu tiên cho phát triển giáo dục phổ thông, bảo đảm cho tất cả người cần lao của Nga được hưởng “nền giáo dục phổ thông đầy đủ và miễn phí”; được bảo đảm quyền ngôn luận, báo chí và tụ họp cũng như tự do tôn giáo.

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã mở đầu một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn hóa các dân tộc Xô viết dưới ánh sáng Chủ nghĩa Mác và tư tưởng V.I.Lênin; trở thành tài sản chung của nhân loại tiến bộ. Đảng và Nhà nước Xô viết cũng xác lập hệ thống chính sách xã hội, bảo đảm cho người lao động, mọi người dân được thụ hưởng những thành quả chính đáng của Cách mạng Tháng Mười, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực để họ yên tâm lao động, cống hiến.

Để tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc, V.I.Lênin và Đảng Bolshevik đặt lên hàng đầu vai trò lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, sự quản lý của Nhà nước Xô viết; tập hợp, huy động mọi tiềm lực vật chất và tinh thần, động viên cao nhất tinh thần cách mạng của quần chúng công nông, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, Tổ quốc XHCN. Về đối ngoại, ngay từ khi ra đời, Nhà nước Xô viết đã xây dựng “Sắc luật hòa bình”-văn kiện đầu tiên trong lịch sử về chính sách đối ngoại, thể hiện rõ nguyên tắc dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc trong quan hệ quốc tế cũng như thái độ dứt khoát của những người cộng sản đối với việc phản đối chiến tranh, bảo vệ hòa bình.

Cách mạng Tháng Mười Nga khai sinh ra CNXH hiện thực là một quá trình logic, biện chứng giữa lý luận khoa học và thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng công nông, do chính đảng tiền phong lãnh đạo. Mặc dù mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, cùng không ít khó khăn, thách thức trên con đường xây dựng CNXH ở một số nước hiện nay, nhưng sự ra đời của CNXH hiện thực vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời từ khi nào?

Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời đầu tiên ở nước Nga Xôviết với sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời từ khi nào?

Quá trình sáng lập và phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác có thể chia làm 3 thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất từ năm 1844-1848, thời kỳ thứ hai từ cuộc cách mạng 1848-1851 đến Công xã Pari, thời kỳ thứ ba từ Công xã Pari cho đến cuối đời.

Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ khi nào?

Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường xã hội chủ nghĩa qua 90 năm ra đời và phát triển. Ngay từ khi ra đời (2/1930), Đảng ta đã xác định rõ ràng và dứt khoát con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, là con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Dân chủ xã hội chủ nghĩa xuất hiện đầu tiên ở đâu?

Dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được phôi thai từ thực tiễn đấu tranh giai cấp ở Pháp và Công xã Pari năm 1871, tuy nhiên, chỉ đến khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công với sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới (1917), nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mới chính thức được xác lập.