Cơ sở giam giữ phạm nhân là gì

Một số bất cập về quản lý giam giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ và giải pháp khắc phục

Tạp chí CSND - Trại tạm giam, Nhà tạm giữ là cơ quan có chức năng quản lý tạm giữ, tạm giam và giáo dục, cải tạo phạm nhân. Hoạt động của Trại tạm giam, Nhà tạm giữ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, bổ trợ cho hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra theo tố tụng hình sự; thực hiện tốt công tác này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Về phương diện chính trị, xã hội, công tác này thể hiện rõ quyền lực của Nhà nước trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; đề cao vấn đề dân chủ, nhân quyền trong quá trình phát triển đất nước và xu thế hội nhập quốc tế.

Theo Điều 86, Bộ luật Tố tụng hình sự, tạm giữ có thê được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Theo Điều 88, Bộ luật Tố tụng hình sự, tạm giam là biện pháp ngăn chặn được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định có mức hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc gây cản trở cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Công tác quản lý tạm giữ, tạm giam trong Trại tạm giam, Nhà tạm giữ là hoạt động của lực lượng Cảnh sát quản lý Trại tạm giam, Nhà tạm giữ tổ chức tiếp nhận, thực hiện giam giữ và tiến hành các biện pháp quản lý người có quyết định giam giữ, thi hành án theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và đảm bảo thi hành các bản án phạt tù hoặc tử hình; ngoài ra còn giáo dục, cải tạo đối với phạm nhân ở Trại tạm giam, Nhà tạm giữ. Nhiệm vụ của công tác này được thể hiện ở việc quản lý giam giữ chặt chẽ, phát hiện và thu thập thông tin phục vụ yêu cầu điều tra và xử lý tội phạm, đồng thời thực hiện chế độ chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân. Nguyên tắc quản lý giam giữ phải đúng luật, tôn trọng, phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân. Nội dung quản lý giam giữ được thể hiện ngay từ khâu tiếp nhận, phân loại, quản lý, dẫn giải, tổ chức giáo dục, lao động và thực hiện chế độ chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân; tuy vậy, phạm nhân ở Trại tạm giam, Nhà tạm giữ chủ yếu là phục vụ công tác giam giữ, số ít có thể được lao động sản xuất nhưng đơn giản và trong phạm vi hẹp.
Hiện nay lực lượng CAND trên toàn quốc đang quản lý 70 Trại tạm giam, 683 Nhà tạm giữ; với tổng quy mô giam giữ được Bộ phê duyệt là 97.395 chỗ giam giữ, trong đó hệ thống Trại tạm giam có 56.760 chỗ giam giữ, hệ thống Nhà tạm giữ có 40.635 chỗ giam giữ. Tính đến cuối năm 2014, các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ còn giam giữ 56.211 đối tượng, trong đó: Tạm giữ:
1.010 đối tượng (Trại tạm giam: 178; Nhà tạm giữ: 832); tạm giam: 47.827 đối tượng (Trại tạm giam: 29.463; Nhà tạm giữ: 18.364); phạm nhân 7.384 đối tượng (Trại tạm giam: 6.037; Nhà tạm giữ: 1.347). Quá trình quản lý giam giữ và giáo dục, cải tạo phạm nhân cho thấy: Lưu lượng giam giữ hàng năm thường có tăng, giảm khác nhau, nhưng có nhiều thời điểm sức chứa trên bị quá tải, trong đó có nhiều đối tượng phạm tội rất nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, số người bị tạm giam, tạm giữ, phạm nhân ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước; giam giữ là người nước ngoài, đối tượng bị bắt trong trường họp truy nã trong nước và quốc tế với số lượng không phải là ít; việc thường xuyên quản lý nhiều đối tượng đã bị kết án tử hình (có trại, có thời điểm phải quản lý tới 39 tử tù, có tử tù giam tới hơn 07 năm mới thi hành).
Quá trình quản lý giam giữ và giáo dục, cải tạo phạm nhân ấy cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế và bất cập, như: (1) Giam chung các đối tượng trong cùng một vụ án, đối tượng tạm giữ với đối tượng tạm giam, phạm nhân với đối tượng tạm giam, người có quốc tịch nước ngoài với người Việt Nam, người chưa thành niên với người thành niên; phạm nhân được trích xuất có mức án trên 15 năm, tù chung thân với những phạm nhân có mức án dưới 15 năm tù. Tiếp nhận can phạm nhân không đủ thủ tục và thông tin theo quy định (vi phạm Luật Thi hành án hình sự, Nghị định số 89/1998/NĐ-CP). (2) Công tác phân loại quản chế, xếp loại thi đua nhiều khi còn mang tính hình thức, chưa phù hợp, chưa phục vụ tốt cho việc quản lý, giam giữ và giáo dục; việc đánh giá, phân loại, xét kỷ luật, xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù của phạm nhân thực hiện còn nhiều điểm chưa đúng quy định (vi phạm Thông tư số 37/2011 và Thông tư số 40/2011/TT-BCA). (3) Chưa thực hiện việc ghi số tiền lưu ký theo mẫu, chưa đảm bảo cho can phạm nhân được hưởng chế độ nghe đài, đọc báo, thăm gặp, điện thoại với người thân, viết đơn đề nghị, sinh đẻ, thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi ở cùng, xóa mù chữ, học tập, lao động, giáo dục chung và riêng; sử dụng phạm nhân lao động tất cả các ngày trong tuần, ngày lễ, tết nhưng không nghỉ bù hoặc bồi dưỡng... (vi phạm Thông tư số 01/2012/TT-BCA, Thông tư số 08/2011/TT-BCA, Thông tư số 46/2011/TT-BCA). Việc bán hàng căng tin của một số Trại tạm giam chưa đảm bảo các dụng cụ cần thiết để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (vi phạm Quy định số 851/QĐ ngày 10/4/2012 của Tổng cục VIII-BCA). (4) Công tác giáo dục can phạm nhân mới chủ yếu chỉ thực hiện được ở việc phổ biến quy chế, giáo dục chung, chưa thực hiện được việc giáo dục riêng, giáo dục cá biệt; việc tổ chức dạy nghề để tái hoà nhập cộng đồng, xoá mù chữ cho phạm nhân còn hạn chế, có trại chưa tổ chức thực hiện (vi phạm Luật THA hình sự; TT liên tịch số 02/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BGD&ĐT ngày 06/2/2012 và Hướng dẫn số 9191/C81-C84 ngày 21/10/2011 của Tổng cục VIII-BCA). (5) Công tác quản lý can phạm nhân còn xảy ra nhiều trường hợp vi phạm nội quy, thông cung, trốn, tự sát. Công tác quản lý can phạm nhân khi đi khám và điều trị tại các Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn do phải nằm điều trị cùng với người bệnh không phải là can phạm nhân; việc tiếp nhận, sử dụng thuốc chữa bệnh do gia đình gửi tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn về chất lượng, nguồn gốc thuốc và trách nhiệm liên đới khi xảy ra hậu quả xấu. Việc quá hạn tạm giam, tạm giữ diễn ra khá phổ biến, trong đó có trách nhiệm của cả Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án và của Trại tạm giam, Nhà tạm giữ (vi phạm Nghị định số 89/1998/NĐ-CP). (6) Công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý vật cấm ở các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ chủ yếu bằng biện pháp thủ công và kinh nghiệm, chưa có sự hỗ trợ tích cực của thiết bị nghiệp vụ nên hiệu quả còn hạn chế; vẫn còn nhiều đối tượng cất giấu được đồ vật cấm đưa vào trong buồng giam. Việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm còn chưa thực hiện đúng quy định; chưa triệt để làm rõ nguyên nhân, nguồn gốc, thủ đoạn... để rút kinh nghiệm chung. Bên cạnh đó, thậm chí có căng tin của một số Trại tạm giam còn bán cả vật cấm cho phạm nhân (vi phạm Thông tư số 46/2011/TT-BCA; Thông tư số 58/2011/TT-BCA). (7) Chưa coi trọng việc xây dựng và diễn tập phương án bảo vệ thường xuyên; chưa thực hiện đúng quy định về mỗi đội phạm nhân phải có ít nhất 02 Cảnh sát bảo vệ, nhiều trại chỉ bố trí có 01 quản giáo (vi phạm Thông tư số 68/2011/TT-BCA). (8) Công tác xây dựng, sử dụng CVTBM ở một số Trại tạm giam, chưa có kế hoạch tổng thể, nhiều trường hợp vi phạm quy trình, thậm trí còn lạm dụng việc tuyển chọn là phạm nhân nơi khác về có mức án cao (trên 5 năm đến cả 20 năm) với dụng ý cá nhân, chất lượng nguồn tin thấp (dưới 20%); lỗi vi phạm nội quy của can phạm nhân, trong đó có phạm nhân là CTVBM chiếm tới gần 60%. (9) Mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác quản lý giam giữ và giáo dục, cải tạo phạm nhân nhiều Trại tạm giam, Nhà tạm giữ còn xem nhẹ; nhiều khi còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên và chưa có cơ chế thống nhất; chưa có sự trao đổi thông tin kịp thời. (10) Hệ thống các văn bản pháp luật và các quy phạm pháp luật quy định về những vấn đề có liên quan đến việc quản lý giam giữ và giáo dục, cải tạo phạm nhân nhiều điểm bị chồng chéo, không còn phù họp với thực tiễn hoặc tuy có phù hợp nhưng tính thực tiễn không cao, nhất là về những vấn đề có liên quan đến chế độ, chính sách và quy định quản lý. (11) Đội ngũ cán bộ, chiến sỹ nhiều điểm thiếu và yếu, nhất là việc biên chế thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ít được nâng cao, phân công cán bộ trái ngành, trái nghề không phát huy được hiệu quả như mong muốn không phải là ít; tình trạng như mất vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ khi canh gác, giúp sức cho can phạm nhân mua bán, vận chuyển và sử dụng vật cấm, vi phạm quy trình công tác trong thực thi công vụ vẫn diễn ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ và còn nhiều điểm, nhiều hạng mục còn thiếu và bất cập; công tác y tế chưa được triển khai đầy đủ.
Trong thời gian tới, tình hình an ninh, trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, số lượng can phạm nhân dự báo sẽ gia tăng; trong khi đó cơ sở hạ tầng của hệ thống các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ còn chưa đáp ứng được so với yêu cầu đặt ra; công tác quản lý giam giữ và giáo dục, cải tạo phạm nhân liên quan trực tiếp đến quyền, địa vị pháp lý của công dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vấn đề dân chủ, nhân quyền ngày càng được đề cao... Do vậy, để tăng cường và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý, giam giữ và giáo dục, cải tạo phạm nhân, cần thiết phải có giải pháp khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế nêu trên, cụ thể cần phải: 
Một là: Đề nghị Chính phủ: (1) Bổ sung thẩm quyền đối với Giám thị Trại tạm giam được trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam khi đã hết thời hạn, đã có thông báo (bằng văn bản) của Trại tạm giam mà các cơ quan có chức năng có thẩm quyền tuy đã biết nhưng không có quyết định bổ sung (điểm d, khoản 1, Điều 7, Nghị định số 89/NĐ-CP). (2) Bổ sung thẩm quyền đối với Giám thị Trại tạm giam được từ chối thực hiện việc giam, giữ hoặc trả tự do đối với người bị giam, giữ nếu có căn cứ pháp luật cho rằng quyết định giam, giữ, trả tự do đó là trái pháp luật và chịu trách nhiệm độc lập trước pháp luật và cấp trên về việc từ chối đó, đồng thời báo cáo ngay lên cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan có thẩm quyền ra các quyết định đó biết bằng văn bản để tiếp tục phối hợp xử lý (điểm g, khoản 1, Điều 7 Nghị định số 89/1998/NĐ-CP). (3) Sửa đổi, bổ sung quy định trong một số trường hợp đặc biệt hoặc không còn cách nào khác buộc phải giam chung người chưa thành niên với người thành niên, người nước ngoài với người Việt Nam, người bị tạm giữ với người bị tạm giam... nhưng Giám thị Trại tạm giam phải báo cáo bằng văn bản và được sự đồng ý của Thủ trưởng cấp trên trực tiếp trước khi thi hành; đồng thời cũng cần quy định rõ hơn là đối với trường hợp người nước ngoài nào thì được giam chung và trường hợp nào không được giam chung (Điều 5; khoản 1, Điều 15, Nghị định sổ 89/1998/NĐ-CP). (4) Sửa đổi quy định về hạn mức chi kinh phí phục vụ việc mai táng phí đối với người bị tạm giữ, tạm giam chết cho phù hợp với thị trường và thời giá hiện tại ở từng khu vực (Điều 25 Nghị định sổ 89/1998/NĐ-CP). (5) Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền đối với Giám thị Trại tạm giam được quyết định về địa điểm, cách thức giải quyết cho người bị TGTG viết đơn khiếu nại, tố cáo trong một số trường hợp đặc biệt hoặc không còn cách nào khác, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, đảm bảo cả ba yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ và pháp luật (Điều 31 Nghị định sổ 89/1998/NĐ-CP). (6) Bổ sung quy định về việc Giám thị Trại tạm giam có quyền được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong các buồng giam, giữ khi đã có đủ các điều kiện hợp pháp theo quy định của pháp luật và của Ngành, phục vụ công tác bảo vệ trại, phòng chống thông cung, trốn, tự sát hoặc phục vụ Cơ quan điều tra khi có yêu cầu điều tra vụ án (Điều 5, Nghị định số 89/1998/NĐ-CP). (7) Bổ sung quy định về chế độ, chính sách ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam là người có quốc tịch nước ngoài và việc cho người bị tạm giữ, tạm giam mang quốc tịch nước ngoài đó được quyền tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo. (8) Bổ sung quy định về việc tiến hành khám người, bố trí riêng nơi giam giữ đối với người đã chuyển giới tính hoặc đang có dấu hiệu chuyển giới chưa rõ.
Đề nghị Bộ Công an: (1) Ban hành Thông tư quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc, quy trình công tác của Cảnh sát quản giáo phụ trách người bị tạm giam, tạm giữ tại các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ. (2) Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/TT-BCA-C41 ngày 01/4/2013 quy định về điều kiện và quy trình xây dựng, sử dụng CTVBM, tiếp cận đối tượng tại các buồng giam, giữ phục vụ công tác nghiệp vụ. (3) Bổ sung Thông tư số 46/TT-BCA về nội dung “Cha mẹ đẻ, con đẻ cũng được gặp phạm nhân trong thời gian không quá 24 giờ” như vợ hoặc chồng. Đồng thời cũng cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thăm gặp này tránh sự lạm dụng dẫn đến vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, hoặc phát sinh các hành vi tiêu cực không đáng có. (4) Bổ sung quy định tại Thông tư số 08/2001/TT-BCA về việc cho phép thân nhân của can phạm nhân được chăm sóc can phạm nhân trong trường hợp đặc biệt, mắc bệnh hiểm nghèo hiện đang điều trị tại các cơ sở chữa bệnh mà không có khả năng tự phục vụ được, nhưng phải thực sự đảm bảo được việc kiểm soát và không ảnh hưởng đến công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; việc quyết định đó giao cho Giám thị Trại tạm giam chủ trì phối hợp cơ quan thụ lý án quyết định (nhằm khắc phục tình trạng CBCS phải làm thay nội dung phục vụ này).
Hai là: Nâng cao nhận thức về công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và giáo dục, cải tạo phạm nhân cho cán bộ, chiến sĩ tại các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, cần phải: (1) Tăng cường công tác nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống lý luận về quản lý TGTG và GDCT phạm nhân; coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, hội thảo khoa học và tổ chức nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học trong các trường CAND, các đơn vị chuyên trách được phân công đảm nhận về nhiệm vụ khoa học hoặc chỉ đạo, quản lý nhà nước về hoạt động TGTG và GDCT phạm nhân trong phạm vi toàn quốc, để kịp thời ứng dụng trong hoạt động thực tiễn đã và đang đặt ra đối với công tác này trong thời gian tới. (2) Tăng cường nguồn lực và cơ sở vật chất đầu tư cho nghiên cứu về công tác quản lý TGTG và GDCT phạm nhân; nâng cao vai trò trách nhiệm đối với công tác nghiên cứu khoa học, kịp thời bổ sung những cán bộ có tâm huyết về nghề nghiệp, có trình độ lý luận và chuyên môn nhất định, có kinh nghiệm, trải nghiệm chuyên sâu về thực tế trong lĩnh vực này. Coi trọng công tác tham mưu đề xuất và chủ động việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, trang cấp phương tiện kỹ thuật và kinh phí hoạt động cho công tác quản lý TGTG và GDCT phạm nhân. (3) Tăng cường tham mưu đề xuất mở các hội nghị, hội thảo cấp bộ và chủ động cử những cán bộ có chức năng, nhiệm vụ tham gia các hội nghị quốc tế nhằm trao đổi về lý luận và kinh nghiệm thực tế, cũng như tiếp thu được những kinh nghiệm hay, việc làm tốt, để kịp thời bổ sung cho phần lý luận và vận dụng, áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh điều kiện ở nước ta nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.
Ba là: Nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế trên các mặt công tác như: Khắc phục và chấm dứt tình trạng giam giữ không đúng đối tượng và giam giữ không theo khu vực đối với những đối tượng cần phải giam giữ riêng; chấn chỉnh và khắc phục kịp thời tình trạng tiếp nhận hồ sơ can phạm nhân thiếu thủ tục hoặc thông tin có trong hồ sơ; coi trọng việc phân loại quản chế, xếp loại thi đua, kỷ luật đối với phạm nhân, cần phải thực hiện đúng việc ghi sổ sách lưu ký, không bán mặt hàng cấm cho can phạm nhân; đảm bảo chế độ học tập, học nghề, xoá mù chữ; đảm bảo việc can phạm nhân phải được nghe đài, đọc báo... cần tăng cường công tác giáo dục riêng; đối với mỗi vụ việc phạm nhân vi phạm kỷ luật xảy ra cần làm rõ nguyên nhân, nguồn gốc, trách nhiệm...từ đó có phương hướng, biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Cần chủ động xây dựng và thường xuyên luyện tập thành thạo các phương án bảo vệ Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; phương án phòng chống các tình huống đột xuất có thể xảy ra trong Trại tạm giam, Nhà tạm giữ cũng như trong quá trình dẫn giải can phạm nhân; kế hoạch và lệnh tổng kiểm tra, kiểm soát định kỳ; tăng cường tiến hành công tác tuần tra, canh gác bảo vệ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn âm mưu, hành động chống, phá, trốn và vi phạm nội quy, quy chế của can phạm nhân, cần tiến hành thường xuyên việc xây dựng kế hoạch và khai thác triệt để can phạm nhân để thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác phòng chống trốn, thông cung, tự sát, mở rộng án. Cần chấn chỉnh và thường xuyên thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản tại các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ. Tiến hành rà soát đánh giá lại mạng lưới CTVBM hiện có tại các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; từ đó thanh loại ngay những nhân viên CTVBM hoạt động không hiệu quả; đồng thời tiến hành lựa chọn, xây dựng, sử dụng đối tượng làm CTVBM có điều kiện, khả năng tiếp cận và đảm bảo các yêu cầu nghiệp vụ, pháp luật theo quy định để bổ sung, thay thế...
Bốn là: cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật cho cán bộ chiến sỹ. Tăng cường biên chế cán bộ, chiến sỹ cho các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ đảm bảo đủ số lượng phục vụ yêu cầu công tác; cần quy định định biên cụ thể về số lượng cán bộ chiến sỹ/số lượng người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ để tạo thuận lợi cho việc kiện toàn; việc phân công cán bộ phải đúng chuyên ngành được đào tạo. Xây dựng, trang cấp bổ sung về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, y tế đảm bảo phục vụ công tác quản lý giam giữ và giáo dục, cải tạo phạm nhân.
Năm là: cần tăng cường mối quan hệ phối hợp trong quản lý tạm giữ, tạm giam và giáo dục, cải tạo phạm nhân (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án, Thi hành án, đơn vị trong và ngoài ngành). Tạo mọi điều kiện có thể trong phạm vi cho phép và quy định của pháp luật, của Ngành giúp các cơ quan, đơn vị, cá nhân này trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thẩm vấn, thăm nuôi đúng quy định của pháp luật, góp phần phòng, chống oan sai, vi phạm dân chủ, nhân quyền, cần chủ động và tăng cường mối quan hệ với địa phương sở tại nơi các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ đóng quân trong việc phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc; phòng chống cháy nổ; bảo vệ môi trường; phòng chống can phạm nhân trốn, phá trại, cần rà soát, đánh giá và bổ sung những quy chế phối hợp đã ban hành sao cho sát thực, hiệu quả; nội dung của quy chế theo hướng: Phối hợp trao đổi thông tin; kiểm tra, giám sát các nội dung theo quy định của pháp luật; trách nhiệm của mỗi bên khi không thực hiện đúng các quy định pháp luật, cũng như các nội quy, quy chế đã cam kết.
 Trần Quốc Tỏ
TS, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên

Theo Csnd.vn