Đánh giá chính sách tiền tệ việt nam 2023 năm 2024

Mặc dù năm 2023 tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt trên 5%, không đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, điều quan trọng là chúng ta kiểm soát được lạm phát ở mức thấp và tạo được niềm tin vào đồng nội tệ. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng vốn được cải thiện tốt hơn... Đó là thành công rất lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Đánh giá chính sách tiền tệ việt nam 2023 năm 2024
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023

Chính sách tiền tệ góp phần hoàn thành nhiều mục tiêu

Chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, bối cảnh thế giới không thuận lợi, khó khăn nội tại trong nền kinh tế kéo dài nhiều năm và tác động của biến đổi khí hậu là ba yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến đất nước ta. Nhưng Việt Nam trong năm 2023 vẫn giữ được ổn định vĩ mô, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế và quan trọng hơn là kiểm soát được lạm phát. Đây là những yếu tố quan trọng để chúng ta tạo lập niềm tin vào đồng nội tệ, từ đó không bị những cú sốc giống tỷ giá như các đồng tiền khác sau khi Mỹ liên tục tăng lãi suất đồng đô la Mỹ.

“Chính niềm tin của người dân và công chúng đối với đồng nội tệ đã giúp tỷ giá biến động trong tầm kiểm soát, do đó đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, ông Ngân nói.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng nhìn nhận, trong bối cảnh thế giới lạm phát rất cao thì Việt Nam tương tự không phải gánh chịu tình trạng đó. Điều này đã thể hiện công tác điều hành chính sách tiền tệ rất hiệu quả.

Về chính sách tiền tệ, trong bối cảnh thế giới liên tục phải tăng lãi suất điều hành, Việt Nam là nước dẫn đầu, tiên phong trong việc giảm các lãi suất điều hành. Kết quả là chúng ta vẫn giữ được lạm phát chỉ ở mức từ 3-3,5%. “Chúng ta không phải dùng chính sách quá thắt chặt tiền tệ nhưng vẫn kiềm chế được lạm phát thì đấy là một thành công rất lớn”, ông Cường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định, thành quả đó cho thấy trong thời gian vừa qua, chúng ta đã triển khai, điều hành chính sách tiền tệ đúng với mục tiêu, đảm bảo được một chính sách tiền tệ đa mục tiêu trong bối cảnh thế giới đầy khó khăn, biến động. Quan trọng hơn là vừa ổn định vĩ mô nhưng vẫn đảm bảo được tăng trưởng ở mức chấp nhận được, gấp khoảng hai lần so với bình quân chung của thế giới. Đấy là nỗ lực chung của điều hành chính sách tiền tệ.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, mặc dù mức tăng trưởng tín dụng không đạt kế hoạch đề ra nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đã được cải thiện tốt hơn, thể hiện ở khía cạnh quan trọng là vốn tăng ít nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng khi tín dụng tăng khoảng 10% và kinh tế tăng trưởng trên 5%, có nghĩa là hai dòng vốn tín dụng tạo ra một dòng tăng trưởng. Trong khi những giai đoạn trước đây, phải ba, thậm chí bốn đồng vốn mới có thể tạo được một đồng tăng trưởng.

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, theo dự báo của Chính phủ, năm 2023 Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng khoảng 5%. Con số này so với mục tiêu 6,5% tuy chưa đạt nhưng vẫn là khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam vẫn là “ngôi sao dẫn đầu” về tăng trưởng kinh tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp, cần chính sách tài khóa đồng hành

Một thành công khác trong năm 2023 là sau đại dịch, trên thế giới xuất hiện làn sóng nợ rất mạnh cả về nợ công và khu vực doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về tài chính trên thế giới bị phá sản do làn sóng nợ, nhiều quốc gia có tỷ lệ nợ công tăng rất cao… nhưng chúng ta đã kiểm soát làn sóng này khá tốt khi nợ công của nước ta giảm.

Đánh giá chính sách tiền tệ việt nam 2023 năm 2024
Ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Tuy nhiên, nợ doanh nghiệp là yếu tố đe dọa rất lớn đến an toàn tài chính. Cuối năm 2022, tình trạng nợ của doanh nghiệp rất đáng báo động, một số tập đoàn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ nợ trái phiếu… Thế nhưng, nhờ các chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ nên nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của nhiều tập đoàn đã được giải quyết. Đến giai đoạn hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu hồi phục trở lại. Điều đó cho thấy chúng ta đã có một chính sách điều hành cương quyết, cứng rắn nhưng lại linh hoạt để thích nghi, giúp doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, đặc biệt tạo được niềm tin với thị trường và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2021-2025, thời gian tới chúng ta phải có những chính sách vừa giải quyết những vấn đề trước mắt và đạt được những mục tiêu lâu dài. Những giải pháp trước mắt là chúng ta phải nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thông qua chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất. Còn chính sách tiền tệ cần được điều hành theo hướng linh hoạt, chặt chẽ, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát...

Về vấn đề này, ông Ngân phân tích: “Chúng ta cần tiếp tục kiên trì định hướng, không thể hạ chuẩn tín dụng vì đó là nguyên tắc để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, an ninh tiền tệ quốc gia. Cần lưu ý rằng nếu không hạ chuẩn tín dụng thì chúng ta phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp hoặc nghiên cứu áp dụng bảo hiểm tín dụng trong giai đoạn mới. Có như vậy mới có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới đầy biến động, để tăng tốc, tăng các nguồn vốn tín dụng hơn, đồng thời phát triển thị trường tài chính ổn định hơn, bền vững hơn. Chỉ có như vậy, với “hai mũi tên” hỗ trợ doanh nghiệp từ thị trường tiền tệ và thị trường tài chính, doanh nghiệp mới giải quyết được bài toán về nguồn vốn”.