Hướng dẫn 04 về đề án vị trí việc làm năm 2024

Ngày 10/01/2024, Sở Nội vụ ban hành Văn bản số 91/SNV-XDCQ&TCBM về việc hướng dẫn xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Nội dung Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tỉnh như sau:

1. Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính

1.1. Về thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm và thẩm quyền phê duyệt cơ cấu ngạch công chức: thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

1.2. Về biên chế công chức theo vị trí việc làm: Các cơ quan, đơn vị căn cứ số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền giao để xây dựng đề án vị trí việc làm theo quy định, đảm bảo biên chế công chức theo vị trí việc làm không tăng thêm so với số lượng biên chế công chức được giao. Lưu ý: Không lấy biên chế cắt giảm để áp vào vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị.

1.3. Về việc đánh mã số vị trí việc làm, đề nghị đánh số theo thứ tự như sau:

- Hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ thì Bộ Nội vụ đang rà soát, phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện danh mục vị trí việc làm gửi Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị cho ý kiến. Sau khi có ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đối với danh mục vị trí việc làm của cả hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ sẽ có hướng dẫn cụ thể.

- Tuy nhiên để thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý và thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đề nghị các đơn vị nghiên cứu đánh mã số vị trí việc làm theo nội dung sau: Tên đơn vị - Tên nhóm vị trí việc làm - Tên vị trí - Số thứ tự của vị trí. Đánh riêng số thứ tự từng nhóm từ vị trị trí đầu tiên đến vị trí cuối cùng của từng nhóm theo số thứ tự của các vị trí tại danh mục vị trí việc làm (có 04 nhóm).

Ví dụ về vị trí việc làm của Sở Nội vụ: vị trí việc làm của Giám đốc Sở: SNV-LĐQL-GĐ-01; vị trí việc làm của Phó Giám đốc Sở: SNV-LĐQL-PGĐ-02; vị trí việc làm của Trưởng phòng: SNV-LĐQL-TP-03; vị trí việc làm của Chuyên viên chính về tổ chức bộ máy: SNV-NVCN-CVC-01; vị trí việc làm của Chuyên viên chính về cải cách hành chính: SNV-NVCN-CVC-02; vị trí việc làm của Thanh tra viên: SNV-NVCMDC-TTV-01; vị trí việc làm của Kế toán viên: SNV-NVCMDC-KTV-02…

1.4. Về ngày bắt đầu vị trí việc làm: Đề nghị nêu trong các Bản mô tả là “Theo lộ trình sau khi được UBND tỉnh phê duyệt”.

1.5. Về ngạch của các chức danh lãnh đạo, quản lý: Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 13/2022/TT-BNV ngày 31/12/2022 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức quy định “Khi xác định cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính thì không tính công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho các vị trí lãnh đạo, quản lý khi “cử công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý tham dự các kỳ thi nâng ngạch đề nghị căn cứ vào đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền đối với từng kỳ thi nâng ngạch công chức” tại Văn bản số 2196/SNV-CCVC ngày 21/5/2023 của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ đề nghị các đơn vị tạm thời vẫn để tiêu chuẩn chức danh của các vị trí tại nhóm lãnh đạo, quản lý và không cộng vào cơ cấu ngạch của 02 nhóm vị trí chuyên ngành và dùng chung.

Ví dụ: Vị trí Giám đốc Sở: Đáp ứng theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm, tối thiểu là Chuyên viên chính trở lên; vị trí Trưởng phòng thuộc Sở: Đáp ứng theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm, tối thiểu là Chuyên viên trở lên; vị trí Chánh Thanh tra Sở: Đáp ứng theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm, tối thiểu là Thanh tra viên trở lên.

1.6. Về vị trí việc làm công chức cấp xã: Đề nghị các địa phương tổng hợp vào Đề án vị trí việc làm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.7. Việc xác định cơ cấu ngạch công chức triển khai xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại Văn bản số 64/BNV-CCVC ngày 05 tháng 01 năm 2024 về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

1.8. Về các nội dung liên quan đến thể thức: Vì các nội dung liên quan đến vị trí việc làm rất nhiều nên để thuận tiện cho việc phê duyệt thì đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập chú ý đến việc canh lề văn bản, thể thức, canh chữ trong khung, tên gọi BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC, địa điểm làm việc… trước khi trình. Đồng thời, đối với các bản mô tả thì đề nghị đưa vào thành một file chung của từng nhóm và dự thảo theo thể thức ban hành của UBND tỉnh đã phê duyệt để tránh chỉnh sửa gây xáo trộn file.

2. Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập

2.1. Về cơ cấu chức viên chức theo chức danh nghề nghiệp thực hiện theo Văn bản số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ, cụ thể:

  1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2)

- Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%;

- Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%;

- Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.

  1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4)

- Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%;

- Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%;

- Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.

Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp nêu trên không bao gồm công chức lãnh đạo, quản lý và viên chức quản lý; trường hợp chưa đủ số lượng theo tỷ lệ ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì số còn thiếu được cộng vào hạng thấp hơn liền kề và có thể lớn hơn tỷ lệ theo quy định.

2.2. Các nội dung khác thực hiện theo Công văn số 3455/SNV-XDCQ&TCBM ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Sở Nội vụ khẩn trương xây dựng đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Lưu ý: Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Kon Tum căn cứ vào danh mục các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để xác định vùng (vùng I, II, III) để áp dụng định mức theo Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT; đối với các trường hợp đặc biệt cần định mức số lượng học sinh/ lớp phù hợp với thực tế thì đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định (qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, có Phụ lục thống kê đề xuất, vùng kèm theo).

Thống kê, đề xuất các xã theo vùng (theo phụ lục đính kèm) nêu trên về Sở Nội vụ; Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 12 tháng 01 năm 2024 để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất trước khi trình phê duyệt vị trí việc làm theo quy định.

3. Về thời gian gửi Đề án về Sở Nội vụ

Thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 58/UBND-NC, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng hoàn chỉnh, đảm bảo yêu cầu và gửi về Sở Nội vụ thẩm định chậm nhất ngày 31/01/2024. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng đề án không đảm bảo và gửi về Sở Nội vụ không đúng thời gian theo yêu cầu thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình xây dựng, các đơn vị gặp vướng mắc đề nghị tổng hợp, đề xuất các nội dung phù hợp với quy định và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị gửi về Sở Nội vụ để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện

Xây dựng đề án vị trí việc làm để làm gì?

Xây dựng đề án vị trí việc làm là cơ hội giúp đơn vị sự nghiệp công lập rà soát lại tổ chức bộ máy, đội ngũ viên chức và xác định từng vị trí trong tổ chức gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Vị trí công việc là gì?

Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tại sao cần xác định vị trí việc làm trong cơ quan đơn vị tổ chức nhà nước?

Qua xác định vị trí việc làm, sẽ giúp cơ quan, đơn vị phát hiện những chồng chéo về nhiệm vụ của các vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức; phục vụ hiệu quả sắp xếp lại đội ngũ công chức.