Lạm phát dự đoán 2023

Lạm phát dự đoán 2023
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ ngành, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học trong nước, cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế.

Báo cáo tại hội nghị, dự báo tình hình cuối năm 2022 và năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý 4 và năm 2023; xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng. Mục tiêu phấn đấu của chúng ta là tăng trưởng kinh tế năm 2022 vượt 7,5%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2022 tăng dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng…

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng về các chính sách kinh tế, xã hội đối với Việt Nam trong thời gian tới. Đáng chú ý, ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) và một số đại diện khác khuyến nghị điều hành chính sách tiền tệ cần hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng. Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng thẳng thắn đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ.

Ông Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay cần vốn, nhưng cái cần hơn, cấp thiết hơn là hấp thụ vốn, nên chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp tốt. Tín dụng bất động sản phải ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng công nghiệp. Cùng với đó, phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ, chứ không phải đẩy gánh nặng vốn trong trung và dài hạn cho chính sách tiền tệ.

Lạm phát dự đoán 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

GS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu ý kiến, cần thực hiện đúng chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt nhưng không phải thắt chặt, cần bổ sung các công cụ để kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Phải kiên định giữ tỷ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường.

Cùng quan điểm, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tin chắc tăng trưởng năm nay của Việt Nam có thể trên 6,5%, thậm chí 7%; lạm phát có thể kiểm soát được. Theo ông, chắc chắn là ngày 21/9 này Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, do đó Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá. TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, lạm phát thế giới còn có thể cao, lãi suất thế giới có thể tăng thời gian tới, vì vậy Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cảnh báo những khó khăn tiềm ẩn và đề nghị chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp để ứng phó. Ông đề nghị Thủ tướng lập Tổ phân tích các nguyên nhân về giải ngân đầu tư công chậm và với đầu tư nhân, vì ở các địa phương, hiện có quá nhiều dự án bị ách tắc. “Cần có Tổ phân loại nguyên nhân, có chỉ đạo sau đó tháo gỡ ách tắc đó cho dòng vốn đầu tư cả nhà nước và tư nhân. Một nguồn lực rất lớn nhưng chúng ta không sử dụng một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Đình Cung đề nghị. Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, nếu đầu tư công bơm tiền chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính. Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục bơm tiền cho nền kinh tế. Không chỉ nên lo tăng trưởng mà đối với nền kinh tế Việt Nam cần chú ý đến yếu tố nợ xấu, bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào nợ xấu. “Có thể không bơm tiền chưa chắc đã giảm nợ xấu. Nếu bơm tiền ra đúng đối tượng, những doanh nghiệp tốt, dự án tốt thì vẫn xử lý giúp cho ngành ngân hàng trong điều kiện hiện nay”, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình địa chính trị thế giới một tháng qua nhiều thay đổi, biến động nhanh, phức tạp. Xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Các yếu tố này ảnh hưởng trước mắt và lâu dài tới kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn, chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động. Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường vốn, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thúc đẩy tăng trưởng.

Lạm phát dự đoán 2023
Các đại biểu dự hội nghị.

Thủ tướng cho rằng, tình hình còn rất khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Trong bối cảnh hiện nay, việc điều hành vừa phải bám sát thực tiễn, trên nền tảng các vấn đề kỹ thuật mang tính kinh tế, vừa phải ổn định chính trị - xã hội, với nghệ thuật điều hành linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, phải nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô. Tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Có phương án, kịch bản điều hành cụ thể, thường xuyên cập nhật để bảo đảm đáp ứng kịp thời sự biến động nhanh, phức tạp của tình hình quốc tế, trong nước và yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Kiểm soát giá, không để mất giá đồng tiền Việt Nam.

Đưa ra 5 nguyên tắc, 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam xác định rõ: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là một mục tiêu ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian còn lại năm 2022 và những năm tiếp theo.

5 nguyên tắc: Phải giữ vững sự ổn định trong sự bất định; giữ vững thế chủ động trong sự bị động; giữ được kiên định và nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính đương nhiên của kinh tế thị trường; xây dựng phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong hội nhập sâu rộng.