Núi Két cao bao nhiêu mét?

Du lịch Châu Đốc những du khách hành hương đến viếng chùa Bà Núi Sam, trên con đường đi Dốc Bà Đắc, Thới Sơn, Tịnh Biên, sẽ được tận mắt nhìn thấy cái mõm đá hình mỏ Két thật oai nghiêm bên vách núi đá dựng đứng. Đấy chính là núi Ông Két – ngọn núi linh thiêng ở An Giang.

Núi Két có tên chữ là Anh Vũ Sơn, người hành hương thì gọi là núi Ông Két; là một ngọn núi nhỏ trong “Thất Sơn” (Bảy Núi), thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Núi Ông Két có hình khối tròn, cao 225 mét, dài và rộng hơn 1.100 mét. Núi Ông Két nằm ở phía đông thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 70 km về hướng tây theo Quốc lộ 91 rồi rẽ qua tỉnh lộ 948. Núi Ông Két được bao bọc bởi những ngọn núi khác như núi Dài, núi Đất, núi Trà Sư, núi Bà Đắc.

Ở độ cao khoảng 100 mét tính từ chân núi, bên vách phía tây gần trên đỉnh có một tảng đá khổng lồ nằm nhô ra, theo sự mường tượng của nhiều người, nó có hình dạng như đầu một con chim két (tức chim anh vũ).

Núi Ông Két – biểu tượng linh thiêng ở Châu Đốc, An Giang.

Đường lên đỉnh núi Ông Két dài khoảng 600 mét, được xây bậc thang và đều có hành lang an toàn. Đi dần lên núi Ông Két có các địa điểm đáng để tham quan như: Sân Tiên, Giếng Tiên, điện Chư Thần, điện Phật Thầy, điện Phật Mẫu, điện Ngọc Hoàng, điện Huỳnh Long, điện Ba Cô, điện U Minh, điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi và tiêu biểu nhất là “mỏ ông Két” cùng với nhiều truyền thuyết dân gian.

Những tảng đá sắp xếp thành hình đầu chim anh vũ.

Điện Chư Thần trên đỉnh núi Ông Két

Tuy nhiên, ở gần chân núi Ông Két có ba di tích rất được nhiều người đến thăm viếng và chiêm bái hơn cả, đó là Đình Thới Sơn, Chùa Thới Sơn, Chùa Phước Điền, vì các nơi thờ này đều gắn liền với thời lưu dân đi mở đất và với giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Chùa Phước Điền cùng là một điểm đến của du khách khi du lịch núi Ông Két

Bên cạnh các nguồn lợi từ du lịch, hành hương, cây trái…núi Ông Két còn có các nguồn lợi khác từ tài nguyên, như quặng kim loại molipden, đá granit sáng màu mịn hạt, đá quý (thạch anh ám khói, thạch anh tím) được tìm thấy trong các mạch pecmatic và nhiều mội nước khoáng.

Theo sử sách, thì Đoàn Minh Huyên (tức Phật Thầy Tây An, Giáo chủ giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương) và những đệ tử của mình đã đến chân núi Ông Két vào năm 1851, để khai hoang, biến những vùng đầm lầy, rừng rậm trở thành những vùng đất rộng lớn, màu mỡ… Hai làng là Hưng Thới và Xuân Sơn (sau này hợp thành xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã hình thành trên vùng đất hoang vu ấy. Đoàn Minh Huyên và 2 đệ tử của ông là Tăng Chủ (tức Bùi Thiền Sư) và Đình Tây, đều là người có công lớn.

Sự tích nghiệt thú “Năm Chèo”

Ông Đình Tây tên thật Bùi Văn Tây là một trong nhiều đệ tử giỏi của Đoàn Minh Huyên. Hằng năm, chùa Phước Điền thu hút đông đảo người dân khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến cúng viếng. Tương truyền cho rằng, vùng “Thất Sơn” xưa kia khét tiếng hùm beo, thú dữ và câu chuyện ly kỳ về ông Đình Tây thuần phục cá sấu hoang 5 chân, mũi đỏ (còn gọi là ông Năm Chèo) đã được truyền miệng khắp vùng.

Bà Hồ Thị Cưng, cháu ngoại đời thứ tư của ông Đình Tây đang trông coi hương khói và những hiện vật bắt cá sấu 5 chân còn lưu giữ lại. Chỉ về lưỡi câu to và 2 chiếc lao bén ngót, bà Cưng kể:  Ông Đình Tây hồi đó là đạo sĩ đệ tử thứ 3 của cụ Đoàn Minh Huyên. Trong một lần tới vùng đất Láng Linh bốc thuốc trị bệnh, bỗng dưng trong căn nhà lá lụp xụp có tiếng rên la của một phụ nữ đang chuyển dạ.

Ông Đình Tây nhìn quanh vùng hoang vu, chẳng có ngôi nhà thứ 2. Thấy người phụ nữ đau đớn chuẩn bị sanh mà không có chồng ở nhà. Trước hoàn cảnh đáng thương ấy, ông đã xắn tay áo vào nhà giúp người phụ nữ kia sinh nở an toàn. Cũng ngay hôm đó, vừa về đến nhà thấy vợ mình sinh mẹ tròn con vuông, người chồng lập tức đến ôm vợ con mừng rơi nước mắt. Sau đó, người vợ nói với giọng yếu ớt: “Nhờ ông Đình Tây mà mẹ con em mới sinh được an toàn như vậy.

     Bạn tìm hiểu thêm về du lịch Châu Đốc tại đây nhé!

Lối vào chùa Thới Sơn dưới chân núi Ông Két

Ông Đình Tây thường kể lại với con cháu rằng: ngày trước vùng Láng Linh đồng hoang vu, thú rừng, cá tôm nhiều vô kể. Nhà vợ chồng của người nông dân kia rất nghèo. Hôm đó, người chồng để vợ ở nhà một mình để đi săn mong kiếm được thú rừng, cá tôm về bán để lo tiền cho vợ sinh nở.

Nào ngờ, ngay ngày ông Đình Tây đi hành thiện thì người vợ lâm bồn. Lúc về nhà, người chồng đã bắt được chiếc rọng với đầy đủ cá, tôm. Thế nhưng, thật kỳ lạ là hôm ấy trong chiếc rọng có một con cá sấu to bằng cườm tay, đặc biệt có đến 5 cái chân, mũi đỏ chót. Để đền ơn ông Đình Tây, người nông dân ấy đã biếu ông con cá sấu 5 chân làm quà kỷ niệm. Nhìn con cá sấu có hình thù kỳ quái, ông Đình Tây vô cùng thích thú, liền mang về nuôi.

Khi mang con cá sấu về, ông Đình Tây mới trình với Đức Phật Thầy. Lúc đầu tưởng là con cá sấu bình thường, nào ngờ khi giở nắp rọng ra, Đức Phật Thầy lắc đầu, khoát tay bảo ông Đình Tây không nên nuôi con “nghiệt thú” ấy, sau này sẽ làm điều hại dân.

Không nghe lời răn của sư phụ, ông Đình Tây lén lút đem con cá sấu 5 chân thả ở một góc hồ sen trước sân đình. Hằng ngày khi trời sụp tối, ông Đình Tây sẽ mang chuối, trái cây ra cho con cá sấu ăn. Mặc dù, con cá sấu “ăn chay”, nhưng vẫn lớn nhanh như thổi. Thấy con cá sấu càng lớn, càng hung hăng, ông Đình Tây mới dùng dây xích trói một chân, không cho nó thoát ra khỏi hồ.

Ao nuôi sấu 5 chân (ông 5 chèo) của ông Đình Tây

Đêm tháng 8 trời trở chướng, mưa to, giông giật, sấm chớp, con sấu đã sổng dây. Sáng ra, ông Đình Tây mới phát hiện con sấu mất. Khi kiểm tra sợi dây trói thì ông Đình Tây thấy còn dính lại một chân con sấu. Lần theo đường mòn sau đình, biết chắc là con sấu đã đi xuống nhà dân, sau đó ông mới bẩm với Đức Phật Thầy. Được sư phụ trao cho món bảo bối gồm: 2 cây lao, 1 cây mun cổ phụng, 1 lưỡi câu và 1 sợi dây, ông Đình Tây cùng đồ đệ của mình lên đường đi bắt “nghiệt thú”.

Nhiều người cho rằng, con cá sấu mà ông Đình Tây nuôi lớn bằng chiếc xuồng, mỗi lần ai chèo ghe ngang trên đồng lũ đều bị con sấu nhấn chìm. Ngoài ra, khi đói, con sấu còn lên bờ đuổi bắt gà, heo, thậm chí còn rượt cả người, gây ra biết bao nỗi kinh hoàng cho người dân. Nhưng điều lạ là mỗi lần nghe tin ông Đình Tây cùng đệ tử xuống tận nơi truy tìm thì con cá sấu trốn mất. Ông Lê Văn Nhưng, người trông coi hương khói ở Phước Điền Tự nói: “Con sấu ấy rất tinh khôn. Ông Đình Tây dẫn nhiều môn đệ đến vây bắt mà vẫn không dính. Sau đó, nó trốn đi mất tăm. Từ đó về sau không nghe mọi người than phiền con sấu này nữa.”.

Sau khi ông Đình Tây qua đời,  những món bảo bối được gìn giữ trong khung kính rất cẩn trọng. Hằng năm, đến ngày giỗ ông Đình Tây nơi đây thu hút rất đông du khách thập phương đến cúng viếng.

Dụng cụ của ông Đình Tây vẫn còn lưu giữ để bắt nghiệt thú 5 chân

Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có những trải nghiệm thú vị khi đến tham quan địa chỉ linh thiêng của đất An Giang là Núi Ông Két và nghe người dân nơi đây thuật lại sự tích “ông Năm Chèo” độc đáo.

Chủ đề