Sống trong đời sống cần có một tấm lòng là gì

Nghị luận xã hội Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

  • I. Dàn ý Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
    • Dàn ý Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 1
    • Dàn ý Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 2
  • II. Văn mẫu Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
    • Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 1
    • Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 2
    • Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 3
    • Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 4
    • Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 5

Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

I. Dàn ý Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Dàn ý Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tấm lòng: tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết.

b. Phân tích

Cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh, giúp đỡ nhau làm cuộc sống của con người ngày càng tốt lên, xã hội phát triển hơn.

Một con người có tâm thiện, luôn giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng và sẵn sàng giúp đỡ lại khi mình rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Nếu xã hội ai cũng có tấm lòng nhân hậu thì xã hội sẽ được lan tỏa nhiều điều tốt đẹp.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người có tấm lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người để minh họa cho bài làm của mình.

Lưu ý: dẫn chứng xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Dàn ý Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận

- Xã hội ngày càng phát triển, con người càng bị cuốn theo công việc và rất nhiều điều khác khiến họ quên mất đi cuộc sống vui vẻ với những người xung quanh.

- "Sống trong đời cần có một tấm lòng" chưa bao giờ cần tiết như thế trong xã hội hiện nay.

2. Thân bài

a. Giải thích

- "Tấm lòng" ở đây là tình cảm thương yêu, quý mến, là sự chia sẻ, đồng cảm, là những điều tốt đẹp mà chúng ta dành cho nhau.

→ Câu nói đề cao đến vấn đề cho đi mà không cần nhận lại, lòng tốt chỉ đáng trân quý khi ta biết cho đi mà không hề toan tính hay vụ lợi điều gì.

b. Phân tích

- "Tấm lòng" trong cuộc sống là sự sẻ chia, cho đi yêu thương mà không hề tính toán vụ lợi.

- "Lá lành đùm lá rách" là truyền thống quý báu mà ông cha ta để lại và hiện nay có rất nhiều hành động ý nghĩa theo đuổi lối sống này.

- Phê phán những lối sống vô cảm, không quan tâm đến những người xung quanh.

c. Bài học nhận thức và hành động

- "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" là giá trị sống tốt đẹp mà chúng ta cần theo đuổi.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của nhận định.

II. Văn mẫu Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 1

Cuộc sống của con người rất ngắn ngủi, chúng ta ai cũng chỉ có một vòng tuần hoàn của riêng mình. Chính vì thế, chúng ta hãy sử dụng quãng thời gian đó và “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Hãy yêu thương và chia sẻ, ta sẽ nhận về niềm vui và hạnh phúc. Mỗi chúng ta hãy biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh, vì như thế chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương, sự tôn trọng của mọi người, cuộc sống này sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn. Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Ngoài ra, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Nhưng chắc hẳn chúng ta ai cũng biết, trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ, mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… những người này sẽ không có được tình yêu thương, sự quan tâm và giúp đỡ của người khác. Mỗi con người chỉ được sống một lần duy nhất trên đời, chúng ta hãy sống trọn vẹn yêu thương, hết mình với con đường mình đã chọn để sau này không có gì phải hối tiếc.

Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 2

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” Đúng vậy, con người được coi là động vật cao cấp nhất vì chúng ta có tình cảm. Chính vì vậy, chúng ta cần sống với nhau bằng tinh thần tương thân tương ái. Tinh thần tương thân tương ái là tình yêu thương giữa con người với con người. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết. Người có tinh thần tương thân tương ái là những người luôn sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Họ cũng là những người luôn yêu thương mọi người, sẵn sàng cho đi mà không mong nhận lại, không ích kỉ nhỏ nhen, tính toán thiệt hơn với người khác; sống chan hòa với mọi người xung quanh, luôn mang những điều tích cực đến cho mọi người và lan tỏa được những thông điệp, hành động tốt đẹp ra xã hội. Tinh thần tương thân tương ái có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xã hội loàn người vì cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh, giúp đỡ nhau làm cuộc sống của con người ngày càng tốt lên, xã hội phát triển hơn, những thông điệp tốt đẹp sẽ được lan tỏa đến mọi người. Ngoài ra, khi chúng ta sống yêu thương, ta sẽ thấy cuộc đời ý nghĩa hơn, mọi người sẽ yêu quý, tôn trọng chúng ta nhiều hơn. Một xã hội được xây dựng trên cơ sở của lòng nhân ái là một xã hội mơ ước, đáng sống, sẽ đẩy xa được sự ích kỉ, lạnh lùng, vô cảm. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người sống ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng, bàng quan với thế giới xung quanh, chỉ biết đến bản thân mình. Lại có những người sống chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi,… Những người này cần xem xét lại bản thân mình nếu muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều tình yêu thương hơn. Mỗi người mang một sứ mạng riêng nhưng sứ mạng chung của chúng ta chính là sống với nhau bằng tinh thần tương thân tương ái.

Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 3

Thời gian trôi qua sẽ không lấy lại được. Mỗi con người cũng chỉ được sống một lần duy nhất trong đời, chúng ta hãy sống một cuộc đời thật trọn vẹn với tình yêu thương, sự sẻ chia với người khác. Để khuyến khích con người có những nghĩa cử cao đẹp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Vậy tấm lòng ở đây là gì? Tấm lòng được nhắc đến trong câu hát là lòng nhân hậu, tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết. Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong xã hội hiện nay có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta sống tử tế, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn, điều này làm lan tỏa thông điệp “cho và nhận” trong xã hội ngày càng được lan tỏa hơn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lạnh lùng, vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại. Lại có những người giúp đỡ người khác hòng tư lợi cá nhân, trục lợi cho bản thân mình,… đây là những hành động tiêu cực mà chúng ta không nên học theo. Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với tấm lòng, sự tử tế, cho đi và yêu thương để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 4

Giữa chiều đông lạnh giá của Hà Nội, tôi chợt ấm lòng khi nghe thấy lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, có lẽ lời bài hát vang lên từ một quán cà phê nào quanh đây nghe mênh mang mà sâu lắng. Người nghệ sĩ thiên tài thế kỉ XX muốn gửi gắm điều gì từ lời hát sâu sắc đó? Phải chăng là tình yêu thương giữa con người với con người?

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng - câu hát ngắn gọn mà lắng nhiều dư âm. Có lê tấm lòng mà Trịnh Công Sơn muốn nói tới ở đây chính là tấm lòng yêu thương, là sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ người khác với tất cả sự chân thành. Thực chất câu hát muốn khuyên con người sống trong đời sống cần có một trái tim biết sẻ chia, thương yêu, có một tấm lòng luôn rộng mở đế giúp đỡ người khác một cách chân thành, tự nguyện và nồng nhiệt. Và khi đó, chính mỗi con người cũng sẽ nhận được yêu thương, nhận được vạn tấm lòng từ người khác. Chân thành, tự nguyện trao yêu thương ta sẽ nhận được yêu thương.

Có bao giờ bạn tự hỏi cuộc sống con người sẽ như thế nào khi không có tình yêu thương? Từ xa xưa cho đến bây giờ cuộc sống của con người chưa lúc nào ngừng yêu thương, nhưng giả sử có một ngày con người không quan tâm, sẻ chia, đồng cảm với nhau trái đất sẽ không còn tiếng cười, không còn ấm áp. Nơi nơi ngập tràn băng giá, lạnh lẽo. Nhà văn Nga M. Go-rơ-ki đã từng nói: Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương. Thiếu vắng tình yêu thương chúng ta biết tựa vào ai những khi vấp ngã, thiếu vắng tình yêu thương chúng ta biết san sẻ cùng ai những niềm vui. Khi không có tình yêu thương con người chẳng khác chi vật vô tri vô giác, con người sống thờ ơ, vô trách nhiệm, đầy lý trí, sống bon chen, chà đạp lên nhau, lúc đó cuộc sống của con người sẽ trở nên cô đơn, trống vắng. Cho nên sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

Tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia là tình cảm cao đẹp trong cuộc sống của con người. Đó là tình cảm thiêng liêng, xuất phát từ trái tim chân thành, tự nguyện của mỗi cá nhân con người. Tình cảm thiêng liêng, cao đẹp này sẽ giúp cho cuộc sống của con người trở nên ấm cúng, hạnh phúc hơn. Chỉ một lời hỏi thăm của bạn bè lúc ta có chuyện buồn cũng giúp ta có niềm tin trong cuộc sống. Chỉ cái mỉm cười đầy hạnh phúc của cha mẹ dành cho nhau, ta cũng thấy gia đình mình tràn ngập tình yêu thương. Khi chúng ta dành tấm lòng quan tâm, sẻ chia cho mỗi người, lúc đó chúng ta đã tạo nên sự đồng cảm, gần gũi. Dễ hiểu vì sao mà ta lại rơi nước mắt trước những nạn nhân xấu số của trận sóng thần ở In-đô-nê-xi-a, của trận động đất ở Tứ Xuyên - Trung Quốc. Khoảng cách giữa những con người khác dân tộc, khác màu da, khác tôn giáo được kéo gần, thậm chí là sự gần gũi, gắn bó chính bởi tình yêu, sự quan tâm, cảm thông cho nhau. Dùng tấm lòng để hiểu tấm lòng ta sẽ có được nhiều điều quý giá mà tiền bạc cũng không mua nổi. Sự quan tâm, yêu thương, vị tha của con người là ngọn đuốc sáng thức tỉnh con người. Người tù khổ sai Giăng Van-giăng chỉ một đêm gặp gỡ với giám mục Mi-ri-en đã được cảm hoá đế đi theo ánh sáng của thiên lương đến cuối cuộc đời. Khi chết đi, ông còn gửi lại triết lý sống cao đẹp: Trên đời này chỉ có một thứ đó là tình thương. Ai đã đọc Chiếc lá cuối cùng của o Hen-ri chắc hẳn không quên được hình ảnh chiếc lá thường xuân vẫn kiên cường, tươi xanh sau trận bão tuyết. Chiếc lá mong manh mà dũng cảm, đã đánh thức Giôn-xi niềm khao khát sống. Chiếc lá mãi mãi xanh tươi ấy được vẽ nên bởi tình yêu thương mãnh liệt của bác Bơ-men. Người hoạ sĩ già bất chấp mạng sống để vẽ được chiếc lá trong đêm bão tuyết. Chiếc lá ấy là một kiệt tác - kiệt tác của tình yêu thương.

Từ xa xưa cha ông ta đã từng nhắc nhở: Lá lành đùm lá rách, Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. Tình yêu thương giữa con người với con người là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Truyền thông này đến ngày nay vẫn được phát huy. Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng có nhiều chương trình nhân đạo đem lại lợi ích, niềm vui cho bao người: Chương trình Thắp sáng ước mơ, Trái tim cho em, Tết vì người nghèo. Tôi đã bao lần rơi lệ khi xem những cuộc đoàn tụ gia đình sau bao năm chia li trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia li. Tôi tự hỏi, điều gì thôi thúc những thành viên biên tập chương trình ấy lặn lội bao khó khăn, vất vả đế đi tìm người thân cho những gia đình có con em bị thất lạc. Chính tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia mới thôi thúc họ làm nên những cuộc trở về xúc động, hàn gắn những vết thương chiến tranh, nối bao nhịp cầu hạnh phúc.

Thực tế trong cuộc sống hiện nay có nhiều người sống thờ ơ, vô trách nhiệm. Một phần vì quỹ thời gian của mọi người quá eo hẹp vì vậy không có điều kiện để quan tâm, sẻ chia tới những người xung quanh. Một số khác vì chạy theo vòng xoáy của đồng tiền, của lợi danh sẵn sàng chà đạp lên mọi người xung quanh để đạt được tham vọng. Một số ít trong giới trẻ có điều kiện sống khá giả không hiểu được giá trị cuộc sống, không chịu tìm hiểu và quan tâm tới những người xung quanh, sông thờ 0, chỉ biết đòi hỏi hưởng thụ. Cho nên, cuộc sống hiện đại đang nảy sinh những căn bệnh của thời hiện đại: bệnh vô cảm, bệnh tự kỷ... Dù chỉ là một số ít nhưng những người này cũng tạo nên một khoảng lạnh giá của cuộc sống.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Bạn hãy trao yêu thương bạn sẽ nhận được nhiều yêu thương. Tình yêu thương, sự quan tâm tới mọi người được biểu hiện ở những điều nhỏ nhất, bình dị nhất. Chi một lời hỏi thăm ông bà, cha mẹ bạn đã thể hiện được sự quan tâm của mình. Dắt một cụ già qua đường, chia sẻ đồng tiền mua quà sáng ít ỏi của mình cho em bé ăn xin, bạn cũng đã thể hiện được tình yêu thương của mình. Bạn hãy sống bằng tình yêu thương bắt đầu từ ánh mắt, lời nói và hành động. Một câu chuyện kể rằng có một cậu bé vì giận mẹ đã chạy thẳng vào rừng, nơi rừng sâu cậu hét lên: Ta ghét người và bỗng từ rừng sâu lại vọng lại: Ta ghét người. Sợ quá, cậu chạy về òa vào lòng mẹ và kể. Thế rồi, mẹ cậu bé dắt tay cậu trở lại rừng sâu và bảo cậu: Con hãy nói: Ta yêu người. Lạ thay khi cậu vừa thốt lên thì từ rừng sâu vọng lại: Ta yêu người. Cuộc sống là một định luật: Trao yêu thương sẽ nhận được yêu thương. Bạn hãy yêu thương, hãy quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ người khác, bạn sẽ nhận lại những điều ấy.

Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 5

Còn nhớ Trịnh Công Sơn đã có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi...” và cũng chính ông đã ngụ ý rằng, chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi ấy thôi, mà con người vượt rất xa những loài vật khác. Nếu mà cũng nhìn đời bằng con mắt ấy, cũng sống theo tôn chỉ ấy, thì xin được trả lời rằng: Người với người sống với trong Tình và Nghĩa. Lời bình luận của ai đó làm người ta giật mình... cái dụng ý hiển nhiên của tác giả bỗng chốc bị lật ngược, bị thay bằng một cách hiểu mới hoàn toàn khác. Quả thật, có lẽ hầu hết ai đọc bài thơ đều thấy khâm phục tác giả, bài thơ ý nhị, giàu ẩn ý nếu không nói là giàu ẩn ý một cách xót xa. Người sống với nhau như thế nào? Người sống với nhau như thế nào? Người sống với nhau như thế nào?

Lướt qua blog của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn thấy blast là "Sống trên đời cần có một tấm lòng... để làm gì em biết không?... Để gió cuốn đi". Còn nhớ, cách đây mấy hôm, cũng dạo qua blog của một người bạn, lại là "Sống trên đời cần có một tấm lòng...". Và đọc được nhiều nơi nữa, nhiều người bạn của tôi cũng nhắc đến câu hát vốn rất thi vị đó. Tôi chợt nghĩ, dạo này con người ta sống có tình lắm, ai ai cũng nhắc nhở bản thân mình, nhắn gửi những người xung quanh là sống cần có tấm lòng. Cho dù tấm lòng đó, chưa cần biết để làm gì, có thể là để cho gió cuốn đi.

Tôi vốn cũng hay nghe nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng thú thật là nhiều khi không hiểu hết những ngôn từ của ông viết ra. Có lúc, tôi đọc những bài cảm nhận của người khác, nghe láng máng những người bạn giải thích cho tôi, tôi mới vỡ lẽ ra một điều rằng, à, té ra nó là như vậy. Nhiều lúc, tôi lại nghĩ, không hiểu có khi lại hay, nếu mọi thứ mà rõ ràng thì còn gì là lãng mạn nữa. Và tôi cũng đâm ra khoái những gì không hiểu, những gì mù mờ, như sương, như gió... chẳng hạn.

nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn nhắc nhở bản thân là hãy sống có một tấm lòng, tấm lòng của ông, dành cho cái đẹp dành cho tình yêu, dành cho cuộc sống, dành cho tình bạn. Tôi chưa từng tiếp xúc với ông, có thể là chẳng hiểu chút gì về ông, nhưng đọc những bài viết, hồi ức có liên quan đến ông, tôi nghĩ ông là người tốt, và là người có tấm lòng lắm. Nhưng có thể cho tôi một chút nghi ngờ, cho dù đó là điều không muốn. Nhưng như một triết gia nói là "bạn có thể nghi ngờ mọi điều, nhưng bạn không được phép nghi ngờ rằng, bạn đang nghi ngờ". Như vậy, tôi có nghi ngờ thì cũng là lẽ thường của tự nhiên...

Tôi nói thế, nhưng không nghĩ là có chút hỗn nào với một bậc trưởng bối, với một nhạc sĩ nổi tiếng nhất nhì trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Tài năng và tấm lòng của ông đã được ông thể hiện qua những bản tình ca ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống và tình người, đã đi vào lòng người bao thế hệ người Việt Nam. Hầu hết những người bạn khi nhắc lại ông đều kính trọng, cảm phục và không một chút lăn tăn lợn cợn. Tôi cũng rất kính phục ông. Về phương diện là một con người, tôi tin, ông là người có tấm lòng...

Tôi biết từ sâu thẳm của con người luôn là hướng thiện và có tấm lòng rộng mở. Có thể vì một lý do nào đó làm cho họ ma quỷ dẫn lối đưa đường, chìm sâu vào những ham muốn tầm thường. Họ tự đánh mất mình từ bao giờ mà không hay.

Tối nay coi bộ phim Người Nhện 3, câu kết của bộ phim, làm cho tôi ấm lòng. Hãy nhớ là lúc bạn khó khăn, lúc bạn đau khổ, thì bạn vẫn luôn luôn có những lựa chọn. Và trong mọi cách lựa chọn, bạn vẫn luôn luôn chọn được con đường mà bạn trở lại là chính mình. Có khi lựa chọn đó trả giá bằng cả mạng sống như anh chàng Harry đã nhiều lần lầm lỗi.

Bạn tôi và tôi nữa, thốt lên, là mình cần sống có tấm lòng. Tấm lòng đó, có thể không cho ai cả, cho gió cuốn đi mà thôi. Tôi hiểu những người bạn của tôi cũng muốn có tấm lòng thật.

Nhưng, đó là lời nói, chỉ là lời nói, và nó sẽ rất đơn giản. Cần có tấm lòng, chứng tỏ tôi là người lãng mạn, và là người có lòng đích thực. Tôi có thể cho người khác biết là tôi luôn có một tấm lòng, để dành cho người xung quanh, để cho gió cuốn đi, có thể mang hương vị tới cho mọi người. Tôi vẫn tin những ai muốn có tấm lòng, là xuất phát từ sự chân thật của họ.

Nhưng cũng chính một vài trong số những người đã thốt lên là, sống trong đời cần có một tấm lòng mà tôi đã chứng kiến, lại có những suy nghĩ mà tôi nghĩ là thực dụng và thiếu tình người nhất. Đó là những người sống quanh tôi, có thể là những người bạn thân có thể là những người thoáng qua, nhưng chứng kiến những suy nghĩ và việc làm của họ, tôi bỗng thấy sự "cần có một tấm lòng" của họ sáo rỗng biết chừng nào.

nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ơi, ông ra đi đã để lại cho người Việt Nam biết bao bài hát hay, lay động lòng người, biết bao lời hát lãng mạn, đánh thức lòng nhân trong mỗi người. Nhưng ông có biết không, lời hát của ông, có thể là những lời nói sáo rỗng nhất của một số người, có thể nó là một thứ trang sức đầy tính lãng mạn, cao sang. Ở nơi chín suối, ông chẳng bao giờ muốn điều đó, nhưng sự thực vẫn là vậy.

Ngày nay, có người lấy lời hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để đánh bóng mình. Có thật xuất phát từ tâm họ hay không, không ai biết cả. Nhưng nếu là người có tấm lòng đích thực, thì không cần lúc nào cũng phải thốt lên là "cần có một tấm lòng...".

Có những tấm lòng rất thầm lặng mà tôi được biết. Đó là tấm lòng của một chị nhà báo trăn trở với bao số phận, những hoàn cảnh éo le, rồi chị ấy nhận đỡ đầu hai đứa trẻ trong số những đứa trẻ bất hạnh mà chị ấy gặp. Đó là tấm lòng của một gia đình nuôi những người điên... Và có rất nhiều tấm lòng thầm lặng khác nữa trong xã hội chúng ta. Tuyệt nhiên, tôi chẳng thấy những tấm lòng thầm lặng đó thốt lên, "tôi cần có một tấm lòng...". Bởi vì tấm lòng thật thì nó xuất phát từ con tim.

Và chợt nhìn qua một cảm nhận của một ai đó, lại thấy "sống trên đời cần có một tấm lòng...". Sáng mai, có thể tôi lại đổi status và blast của tôi là "Sống trên đời, cần có một tấm lòng...".

Suy nghĩ về lời bài hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mẫu 6

Trong câu hát của mình, Trịnh Công Sơn đã nhắc nhở mọi người: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. “Tấm lòng” mà người nhạc sĩ nhắc đến ở đây có thể được hiểu là những tình cảm tốt đẹp, đáng trân trọng có trong mỗi con người. Đó là sự chia sẻ, sự đồng cảm hay chính là tình yêu thương của con người.

Rất dễ để nhận thấy biểu hiện của tình yêu thương của con người trong cuộc sống. Vậy một người sống trong đời sống cần có một tấm lòng thì có biểu hiện như nào? Một người có lòng yêu thương sẽ biết đồng cảm, san sẻ những gì mình có với mọi người. Những điều mình có không chỉ nhất thiết là những gì thuộc về vật chất mà còn là những giá trị tinh thần. Thể hiện sự chia sẻ bằng ánh mắt động viên, nét mặt đồng cảm, biểu lộ sự quan tâm bằng một lời hỏi thăm, một câu khích lệ nhất là những khi những người quanh ta gặp khó khăn, hoạn nạn. Dù chỉ là những biểu hiện nhỏ nhoi thôi nhưng lại rất thiết thực của người có “một tấm lòng” trong cuộc đời.

Người có tình yêu thương dạt dào với cuộc đời không chỉ dành sự quan tâm cho đồng loại mà với muôn loài, con người ấy cũng bộc lộ những tình cảm cao quý đó. Họ trân trọng sự sống của mọi sinh linh, vui khi thấy một nụ hoa hé mở, khó chịu khi ai đó làm dập nát cỏ cây hay khi chứng kiến hình ảnh một chú chim nhỏ sắp lìa đời thì trái tim cũng run rẩy theo những hơi thở thoi thóp cuối cùng ấy. Như vậy, nếu là con người sống mà có “một tấm lòng” với cuộc đời, con người ấy hẳn sẽ dành những tình yêu thương cho mọi sự sống trên đời.

Thông qua câu hát sống trong đời sống cần có một tấm lòng, có lẽ Trịnh Công Sơn muốn nhấn mạnh với mọi người về sự hiện diện quan trong trọng của tình yêu thương trong vô vàn những tình cảm cao đẹp của con người trong cuộc đời. Khi con người sống có “một tấm lòng”, họ sẽ cho và nhận biết bao nhiêu giá trị tốt đẹp. Một người biết dành tình yêu thương cho những người xung quanh. Nhất là khi họ biểu hiện tình cảm ấy bằng thái độ, bằng những hành động cụ thể như sự giúp đỡ, lời động viên. Những lúc như vậy, họ trở thành chỗ dựa và tiếp thêm động lực cho người khác vượt lên trên những hoàn cảnh khó khăn và thách thức trong cuộc sống.

Có thể thấy, sống trong đời sống cần có một tấm lòng mang lại rất nhiều ý nghĩa lớn lao. Cuộc sống mà con người vốn có rất nhiều những gam màu sáng tối khác nhau. Sẽ có những lúc ta vui vẻ, yêu đời, gặp những điều may mắn và thành công. Thế nhưng, có ai dám chắc chắn một điều rằng đường đời của mỗi người lúc nào cũng trải đầy những thảm nhung để tiến tới đích đến hạnh phúc dễ dàng. Một điều không thể phủ nhận rằng sẽ có lắm khi con người gặp phải trở ngại, thách thức, trên đường đến thành công và hạnh phúc ít nhiều xuất hiện sỏi đá, thác ghềnh và hầm chông. Chính những lúc này, khi họ được đón nhận tình yêu thương, sự quan tâm và giúp đỡ từ ta, nếu không được hỗ trợ về vật chất, ít ra họ cũng sẽ có một điểm tựa và vượt qua những thách thức nói trên.

Trong cuộc sống có rất nhiều những câu chuyện về tấm lòng nhân ái mà con người dành cho nhau, thể hiện sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Vào tháng 12 năm 2017, có một câu chuyện ở Thanh Hóa về tình yêu thương khiến cộng đồng cảm thấy ấm lòng dù đó là những ngày của tiết trời mùa đông lạnh giá. Câu chuyện kể về hai vợ chồng anh chị Nguyễn Thị Phương và Huỳnh Quốc Tín đã vượt nghìn cây số từ thành phố Hồ Chí Minh đến tận vùng núi cao heo hút ở Mường Lát để giúp đỡ cho bé Pàng.

Pàng là một cô bé 6 tuổi sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chân thì bị liệt. Gia đình anh Tín biết đến bé khi vô tình xem được một đoạn clip trên mạng xã hội với hình ảnh rất tội nghiệp: trong tiết trời lạnh giá của vùng núi cao, em không mặc quần áo và ngồi bên vệ đường, đôi chân bị liệt và sự lạnh lẽo của núi rừng như muốn làm đóng băng cơ thể em khiến em không thể di chuyển được. Bằng trái tim nhân ái, anh Tín chị Phương chị Phương đã xin phép đưa Pàng về thành phố Hồ Chí Minh chữa chân cho đến khi em có thể đi lại bình thường.

Có thể thấy, chính tình người trong câu chuyện sống trong đời sống cần có một tấm lòng đã giúp cho Pàng giờ đây có thể dạn dĩ bước đi trên đôi chân của mình sau sáu năm chỉ có thể ngồi bệt xuống đất. Dù chỉ là những người xa lạ, nhưng tình cảm và hành động giúp đỡ người khác như anh Tín chị Phương đã mở ra một con đường tươi lai tươi sáng hơn cho em bé vùng cao, giúp em có cơ hội được bước đi vào đời như bao nhiêu em nhỏ khác. Chẳng phải đó là minh chứng rõ ràng cho người sống có “một tấm lòng” và dùng tấm lòng của mình để mang lại hạnh phúc cho người khác hay sao?

Câu hát của Trịnh Công Sơn cùng với những dẫn chứng trong cuộc sống có lẽ đã minh chứng được ý nghĩa của lòng nhân ái đối với cuộc đời là như thế nào để từ đó giúp mọi người có thái độ và những việc làm cụ thể mà thể hiện tình cảm cao đẹp ấy. Sống có “tấm lòng” thực sự là một lối sống đẹp và là điều cần có ở mỗi người. Từ việc nhận thức được giá trị cao quý của tấm lòng yêu thương con người, thế nên mỗi người nên học cách yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh bằng những hành động nhỏ nhất.

Sự chia sẻ ấy không chỉ đơn thuần về vật chất mà còn là sự sẻ chia về tinh thần. Những hành động không cần quá lớn lao vĩ đại mà “tấm lòng” ấy thể hiện ở cả những sự chia sẻ nhỏ nhất. Một nụ cười, một ánh mắt, một cái ôm đôi khi cũng đã đủ nói lên biết bao điều. Hãy bắt đầu từ những người xung quanh. Bạn đã bao giờ thử chia sẻ công việc nhà với mẹ, ngồi tâm sự cùng với bố? Hay giúp đỡ bạn bè trong hoạt động cũng như học tập?

Những điều lớn lao đều xuất phát từ những điều nhỏ bé. Đồng thời cũng phải biết lên án những lối sống ích kỷ, nhỏ nhen, biết phê phán sự thờ ơ, vô tâm trong xã hội để có thể góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp. “Tấm lòng” với cuộc đời cần phải có những quan trọng là cách bạn trải lòng mình ra với cuộc đời.

Thật sự, những ca từ trong câu hát của Trịnh Công Sơn đã giúp mỗi người có thể hiểu được thật sâu về ý nghĩa của những “tấm lòng” trong cuộc đời. Những biết một xã hội thì luôn có sự tồn tại song song giữa những điều tốt đẹp cùng với những điều tiêu cực. Việc loại bỏ những lối sống tiêu cực cũng là một điều rất khó khăn nhưng nếu chúng ta sống biết nhân rộng yêu thương thì biết đâu chính tình yêu thương ấy sẽ có thể cảm hóa được những điều chưa đẹp còn tồn tại. Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, thế nên hãy làm cho nó trở nên có ý nghĩa, trở nên tươi đẹp hơn trong sắc hồng của tình yêu thương.

----------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu bổ ích nhé. Ngoài ra để giúp bạn đọc có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn có thể tham khảo thêm một số bài soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé