Sống tử tế làm sao để không thành anh hùng bàn phím

Bài văn số 1

Trên các diễn đàn mạng xã hội, một bộ phận không hề nhỏ của giới trẻ đang thi nhau bày tỏ cảm xúc về câu chuyện đề xuất thay đổi tiếng Việt của một nhà nghiên cứu nọ.

Sẽ chẳng có gì để bàn luận thêm nếu những phản biện của những người trẻ được phát ngôn một cách có chừng mực và có lý lẽ.

"Vấn nạn "anh hùng bàn phím" càng lúc càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Kiến thức còn nông, thiếu suy nghĩ, thiếu sự thấu tình đạt lý nhưng lại thừa sự nông nổi để thi nhau phát biểu những nhận định hoàn toàn cực đoan".

Trần Xuân Tiến

Thế nhưng, thay vì đưa ra những lập luận nhằm thuyết phục về tính bất khả thi của đề xuất nghiên cứu kia, người ta chỉ cảm thấy vô cùng choáng váng vì đầy rẫy những phát ngôn tiêu cực mang tính mạt sát, chửi rủa cá nhân nhà nghiên cứu.

Thậm chí, rộng hơn là chửi rủa nghề nghiệp liên quan đến nghiên cứu khoa học, chửi rủa cả nền giáo dục.

Câu chuyện đề xuất cải cách tiếng Việt không phải là vấn đề mới đối với các nhà nghiên cứu ngôn ngữ.

Bản thân đề xuất cải cách kia cũng không phải là hoàn toàn không có cơ sở nhưng tính khả thi, tính thực tiễn thì còn cần phải xem xét từ nhiều góc độ, vì ngôn ngữ ảnh hưởng đến hầu khắp các lĩnh vực từ văn hóa đến kinh tế, từ chính trị đến lịch sử…

Ấy vậy mà những "anh hùng bàn phím" bất chấp tính lịch sử của vấn đề, không cần tìm hiểu xem vấn đề đúng ở chỗ nào, sai ở chỗ nào, cứ thế mà phát biểu như thể bản thân là người trong cuộc am hiểu rất tường tận, rất chi tiết.

Đáng lo là các bài báo mang thông tin đa chiều với ý kiến của các nhà ngôn ngữ học lại không được giới trẻ quan tâm đúng mức. Các em chỉ thi nhau chia sẻ những đường link mang tính chất câu khách của các trang mạng, đưa tin một chiều có chủ ý.

Sau khi chê bai chán chê nhà nghiên cứu nọ, giờ đây, các bạn trẻ lại đang đóng vai công lý, đóng vai đạo đức để ra sức phẫn nộ về câu chuyện bảo mẫu hành hạ trẻ em tại quận 12 vừa được báo Tuổi Trẻ đưa ra ánh sáng.

Lại sẽ chẳng có gì để nói nếu các phát biểu chứa nhiều bức xúc kia không chỉa mũi vào tất cả các bảo mẫu. "Bảo mẫu giờ toàn ác vậy, không có ai hiền". "Giáo dục giờ toàn thế thôi, điểm thấp thì mới thi vào sư phạm".

Không khó để gặp những nhận định mang tính quy chụp, đầy chủ quan như thế khi đọc các bình luận của giới trẻ trên mạng xã hội. Việc lấy từng cá nhân, từng cá thể, từng bộ phận để từ đó kết luận nhận xét về cái toàn bộ, cái chung cuộc là hoàn toàn không có căn cứ.

Ở một chừng mực nhất định, nó cho thấy phần nào bức tranh về nền giáo dục. Vai trò của cả gia đình lẫn nhà trường ra sao trong câu chuyện dễ dàng phát ngôn của giới trẻ?

Chế tài nào cho những phát ngôn trên mạng cần được đưa vào luật? Nhưng sâu xa hơn, làm thế nào để giáo dục cho giới trẻ về ý thức phát ngôn nói chung, ý thức phát ngôn trên mạng xã hội nói riêng?

Tình trạng giới trẻ thường xuyên phát biểu lung tung theo hướng tiêu cực vô căn cứ về các vấn đề trong xã hội cho thấy phần nào niềm tin của giới trẻ đối với hoàn cảnh sống hiện tại. Các bạn dễ dàng quy chụp một hành động sai trái của một cá nhân cho tất cả các trường hợp tương tự.

Báo chí đưa tin một trường hợp cảnh sát giao thông nhận hối lộ, lập tức nhiêu bạn lao vào phẫn nộ toàn bộ lực lượng thi hành công vụ. Truyền thông đưa ra ánh sáng một nơi sản xuất thực phẩm kém chất lượng, các em lập tức lao vào bức xúc tất cả các doanh nghiệp công ty.

Hay đơn giản hơn, một ngôi sao nghệ sỹ bất kỳ có hành động, phát ngôn gì đó lạ tai lạ mắt, lập tức có bạn bình phẩm từ xuất thân cho đến nhân cách của người đó! Vì đâu mà xã hội ngày nay lại đem đến cho các bạn những ánh nhìn thành kiến với tất cả đến vậy?

Ở một góc nhìn KHác, chính vì thái độ dễ dàng bức xúc, dễ dàng phát biểu những lời lẽ vô căn cứ, tự suy diễn mà đôi lúc giới trẻ trở thành những con rối cho những trò dắt mũi của truyền thông, của mạng xã hội.

Hẳn chúng ta chưa quên câu chuyện Hương mắt lồi từng xôn xao dư luận. Hay hàng tá các câu chuyện tương tự.

Chỉ cần một ai đó đưa lên mạng xã hội thông tin thất thiệt thì không ít bạn trẻ như những con thiêu thân lao vào thông tin không kiểm chứng để… chửi bới, chia sẻ với tốc độ chóng mặt một cách…nông nổi.

Vì nông (cạn, không sâu) mà nên… nỗi?

Bài văn số 2

Ngày nay, có rất nhiều những “anh hùng” xuất hiện không chỉ bằng những hoạt động hay cống hiến lớn lao cho xã hội, đất nước mà những người "anh hùng" còn xuất hiện cả trong hành động nhỏ của mình giữa cuộc sống. Nhưng điểm chung là họ đều hành động không phải vì cái danh “anh hùng” được mọi người bình bầu mà nó chỉ đơn giản là xuất phát từ tấm lòng, từ quan niệm sống và cách nhìn nhận về vấn đề đó, khiến họ không thể ngồi im hay khoanh tay đứng nhìn.

Trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay, có rất nhiều những nhà hảo tâm đã làm cơm trưa, phục vụ miễn phí cho các y bác sĩ trong bệnh viện, cổ vũ để các bác sĩ có thêm động lực, giúp phần nào để đất nước đẩy lùi khó khăn và vượt qua dịch bệnh. Hay nhà hảo tâm giúp cho người nghèo đảm bảo những bữa cơm trưa trong những ngày cả nước thực hiện "Cách ly toàn dân". Họ làm việc này xuất phát từ cái tâm, không màng lợi ích. Và đó chính là “hành động nhỏ” tạo nên những “anh hùng” đời thường.

 Hiện tượng anh hùng bàn phím: Cư dân mạng đặt ra nhiều cụm từ dùng để chỉ đến những người sử dụng máy tính, internet để làm, hoặc nói bất cứ thứ gì mình thích: nói xấu, bới móc, thích gây chú ý, chê trách người này và đả kích người kia,…  và "anh hùng bàn phím" là cái tên đang được đề cập nhiều nhất.

Bài văn số 3

Sự ra đời của mạng xã hội đã đưa đến nhiều tiện ích như giúp con người nắm bắt, cập nhật thông tin nhanh hơn, kết nối với nhau dễ dàng và rộng khắp hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng tiêu cực như sống ảo,… và đặc biệt là sản sinh ra những "anh hùng bàn phím". Từ thực tế hiện nay, chúng ta có thể khẳng định hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội đã trở thành một vấn đề nóng đáng được quan tâm.

"Anh hùng bàn phím" là cụm từ để chỉ những người bày tỏ quan điểm, cảm xúc của mình một cách tự do, thoải mái và thậm chí quá đà qua việc ngồi trước màn hình máy vi tính. Bằng cách này, họ sẵn sàng và nhiệt tình tranh luận, bàn luận về bất cứ một vấn đề nào đó với thái độ không cần biết phải – trái, đúng – sai.

Thực tế hiện nay cho thấy, thế hệ "anh hùng bàn phím" đang gia tăng về số lượng. Dưới màn hình máy tính, đề tài mà họ bàn luận vô cùng phong phú, đa dạng, đó có thể là những nhận xét về nhan sắc, ngoại hình hay tài năng; đó có thể là những công kích, sự soi mói đời sống riêng tư của người khác với thái độ miệt thị, giễu cợt. Thế hệ "anh hùng bàn phím" sẵn sàng đưa ra những đánh giá, bình luận một cách cảm tính mà dù không hiểu rõ sự tình. Thậm chí là sử dụng những lời lẽ khiếm nhã, tiêu cực để công kích, khiêu khích.

Những bình luận mà "anh hùng bàn phím" tạo nên trên mạng xã hội ảo lại gây ra những hậu quả thực, nỗi đau thực cho con người. Trước hết, họ đã làm tổn thương người khác, khiến nạn nhân cảm thấy tự ti, xấu hổ, mặc cảm về bản thân mình. Và rõ ràng, những "anh hùng bàn phím" đã vô tình vi phạm những giá trị đạo đức: không biết đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với những khiếm khuyết, sai lầm của người khác; đồng thời xâm phạm quá sâu vào đời sống riêng tư của họ. Thời gian gần đây, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc không ít ca sĩ, diễn viên tìm đến cái chết để trốn tránh những áp lực từ dư luận. Thậm chí, không ít bạn trẻ đang trong độ tuổi 18, đôi mươi cũng đã tìm đến cái chết chỉ vì những lời nói công kích và làn sóng tẩy chay của những anh hùng bàn phím. Như vậy, thế hệ anh hùng bàn phím đã vô hình tạo ra những áp lực ám ảnh, thậm chí siết chặt lấy tâm trí của những nạn nhân, khiến họ chán nản, bế tắc, khủng hoảng về tinh thần. Đồng thời, hiện tượng này còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền an ninh và trật tự xã hội. Không ít những vụ ẩu đả, xô xát, chém giết xuất phát từ những tranh cãi, bình luận trên mạng xã hội.

Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhưng đồng thời cũng không thể nhắc đến hậu quả có thực mà nó gây ra. Hiện tượng "anh hùng bàn phím" là sản phẩm của việc lạm dụng mạng xã hội và lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tự cho bản thân mình quyền phán xét, đánh giá, xúc phạm người khác.

Để ngăn chặn hiện tượng này, chúng ta cần ý thức rõ tác hại của việc phát ngôn, đánh giá theo cảm tính, bừa bãi. Đồng thời, có những biện pháp quản lí thời gian hiệu quả hơn, biết sử dụng mạng xã hội một cách hợp lí, không nên lạm dụng nó như một công cụ, phương tiện để thể hiện quan điểm cá nhân; không ùa theo, chạy theo "hiệu ứng đám đông" của những bình luận khiếm nhã.

Như vậy, hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội đã trở thành một vấn đề đáng báo động, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người. Là học sinh, chúng ta cần nhận thức rõ về tác hại của hiện tượng này, đồng thời tránh xa và có những biện pháp ngăn chặn.

Bài văn số 4

Với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, giờ đây mạng xã hội đang dần chiếm lĩnh các kênh thông tin, giải trí, giao lưu. Và có lẽ cụm từ “anh hùng bàn phím” đối với chúng ta đã không còn xa lạ. Vậy anh hùng bàn phím là gì? Đó là một danh xưng để gọi những con người vô danh, chuyên sử dụng mạng xã hội để đi bình phẩm, phán xét người khác và bày tỏ quan điểm, cảm xúc của mình một cách tự do, thoải mái và thậm chí quá đà qua việc ngồi trước màn hình máy vi tính. Bằng cách này, họ sẵn sàng và nhiệt tình bàn luận về bất cứ một vấn đề nào đó với thái độ không cần biết phải – trái, đúng – sai. Dưới bàn phím máy tính, đề tài mà những “anh hùng” này bàn luận là rất phong phú, ví dụ như nhan sắc, tài năng, thậm chí còn là nhân phẩm và đời tư của người khác. Mạng xã hội và những lời bình phẩm của các anh hùng bàn phím là ảo, nhưng lại gây ra nỗi đau thực cho con người, khiến nạn nhân trở nên mặc cảm,tự ti, khủng hoảng. Ta vẫn thường thấy trên mặt báo hàng ngày tin tức về người nổi tiếng vướng phải sự công kích của mạng xã hội mà không dám nhìn mặt ai, hoặc thậm chí còn tự tự. Không chỉ vậy, hiện tượng anh hùng bàn phím còn gây ra thói xấu cho xã hội, đó là bệnh vô cảm, sự a dua, và gây mất trật tự anh ninh xã hội. Chính vì vậy, hiện tượng này đã trở thành một vấn đề đáng báo động. Bản thân là một học sinh, cũng sống trong thời kì công nghệ hiện đại phát triển, mỗi bạn nên thấy mình cần nhận ra được tác hại của hiện tượng anh hùng bàn phím để tránh xa và sử dụng mạng xã hội một cách hợp lí.

Bài văn số 5

Nếu truy cập mạng xã hội chỉ dừng lại ở việc giao tiếp, đọc tin tức có lẽ không đáng lo ngại nhưng thực tế cho thấy ngày càng nhiều người trẻ đã nghiện các trang mạng này. Không chỉ giới hạn vài giờ, họ dành hầu như cả ngày cho chúng và nỗ lực để trang cá nhân của mình nổi tiếng, thu hút nhiều người theo dõi.

Theo nhiều ý kiến, sự bùng nổ “anh hùng bàn phím” là do thời thế. Lướt mạng xã hội dễ dàng gặp hàng nghìn hội nhóm có mục đích tốt đẹp, thân thiện, nhưng cũng có tương đương số hội nhóm được lập để bôi nhọ, bài xích người khác.

Để cư dân mạng thường xuyên ghé “nhà” mình, không ít người sẵn sàng bỏ thời gian tham gia bất cứ sự kiện nóng nào xảy ra trong xã hội, từ văn hóa giải trí, trật tự xã hội đến chính trị. Dù kiến thức có hạn, thông tin chưa đầy đủ nhưng để “tỏ ra nguy hiểm”, nhiều người bỏ thời gian săn lùng, thậm chí suy diễn để làm sao cập nhật được thông tin mới nhất, độc quyền trên trang của mình.

Họ sẵn sàng “ném đá” thẳng tay mà không cần biết hậu quả; phê phán, bất bình một cách cảm tính dù chưa hiểu rõ nội tình; chuyên soi mói bắt lỗi người khác; chuyên tung ra những bình luận kinh khủng, gây tổn thương cho người khác; vào nhà người khác chửi, “chém” chuyện không liên quan mình; ném đá nhà tài trợ thay vì cảm ơn họ đã mang đến những điều tốt đẹp miễn phí.

Nghiện Facebook cộng với sự tò mò, không ít thanh niên gặp rắc rối ngoài đời thật. Tối ngày 3 tháng 8 vừa rồi, hàng trăm thanh niên đã tụ tập ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), gây rối loạn trật tự chỉ để chờ xem 2 cô gái thách nhau trên Facebook đến đây giải quyết mâu thuẫn. Công an đã đưa 2 cô gái cùng 14 người khác về đồn và xử phạt mỗi đối tượng 750.000 đồng về hành vi gây mất trật tự công cộng.

Vừa qua, Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ hai người để điều tra hành vi lập trang Tránh chốt CSGT Hải Phòng trên Facebook và đăng nhiều bài viết, bình luận xúc phạm, lăng mạ công an. Trước đó, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45 – Bộ Công an) bắt 2 thành viên của “Tập đoàn thánh bóc” trên mạng xã hội. “Tập đoàn” này đã liên tục đăng các bài viết và hình ảnh xuyên tạc, bôi nhọ các doanh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng, dẫn đến việc họ bị xã hội hiểu nhầm, lên án.

Đặc biệt, không chỉ làm hại mình, những “ông tám”, “bà tám” trên Facebook còn tiếp tay làm hại người khác. Vụ nữ sinh uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi bạn trai tung clip nhạy cảm lên mạng xảy ra vào tháng 6 năm nay vẫn khiến dư luận bàng hoàng. Trước khi tự tử, cô gái đã lên Facebook của mình mong mọi người đừng bàn tán về vụ việc. Tuy nhiên, chẳng những không nhận được sự cảm thông, cô bé lại tiếp tục trở thành chủ đề nóng để cộng đồng mạng chỉ trích, phê phán nặng lời.

Hầu hết chúng ta lang thang trên mạng xã hội không mục đích, thường là khi cảm thấy nhàm chán. Để tránh điều đó, hãy hỏi bản thân: "Mình có lý do nào cụ thể, tích cực để online hay không?", nếu không tìm được lý do, hãy đóng cửa sổ đăng nhập lại và làm điều gì đó để nâng cao tinh thần: rủ bạn đi chơi, tám chuyện, đọc một cuốn sách hay…

Trước khi đăng tải ảnh hay cập nhật trạng thái, hãy suy nghĩ về mục đích của mình, cố gắng diễn đạt qua câu chữ với bạn bè về cảm xúc của bạn, kể lại câu chuyện đằng sau bức ảnh, bạn có thể tạo cho mình một kỷ niệm lâu bền. Việc chỉ đăng ảnh thôi có mặt trái của nó: Bạn sẽ ngừng suy nghĩ về những trải nghiệm và bắt đầu ngồi chờ phản hồi của mọi người.

Hai ngày cuối tuần không đủ để thay đổi thói quen của bạn. Bạn vẫn sẽ rất háo hức, vui sướng khi trở lại với thế giới ảo. Tuy nhiên, tạm lánh một thời gian ngắn sẽ nhắc bạn rằng cuộc sống thực đẹp như thế nào dù không có những dòng cập nhật trạng thái. Bên cạnh đó, nghỉ ngơi sẽ mang đến cho bạn những nguồn cảm hứng mới: "Khi những điều xao lãng biến mất, ý tưởng sẽ đến"!

Bạn có thấy các trang mạng xã hội hiện nay quá phiền phức vả bản thân có thấy mình là "anh hùng bàn phím không? "