Tai nạn giao thông bao nhiêu thì bị khởi tố năm 2024

(LSVN) - Việc xác định tỉ lệ phần trăm thương tật có ý nghĩa quan trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định khung hình phạt đối với người có hành vi phạm tội. Vậy, theo quy định hiện hành, cách xác định tỉ lệ phần trăm thương tật trong vụ án hình sự thế nào?

Tai nạn giao thông bao nhiêu thì bị khởi tố năm 2024

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, căn cứ theo Điều 3, Thông tư 22/2019/TT-BYT, nguyên tắc xác định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (TTCT) như sau:

- Tổng tỉ lệ % TTCT của một người phải nhỏ hơn 100%;

- Mỗi bộ phận cơ thể bị tổn thương chỉ được tính tỉ lệ % TTCT một lần. Trường hợp bộ phận này bị tổn thương nhưng gây biến chứng, di chứng sang bộ phận thứ hai đã được xác định thì tính thêm tỉ lệ % TTCT do biến chứng, di chứng tổn thương ở bộ phận thứ hai;

- Nếu nhiều TTCT là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được ghi trong các Bảng tỉ lệ % TTCT thì tỉ lệ % TTCT được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó;

- Khi tính tỉ lệ % TTCT chỉ lấy đến hai chữ số hàng thập phân, ở kết quả cuối cùng thì làm tròn để có tổng tỉ lệ % TTCT là số nguyên (nếu số hàng thập phân bằng hoặc lớn hơn 0,5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị);

- Khi tính tỉ lệ % TTCT của một bộ phận cơ thể có tính chất đối xứng, hiệp đồng chức năng mà một bên bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đã được xác định, thì tính cả tỉ lệ % TTCT đối với bộ phận bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đó;

- Khi giám định, căn cứ tổn thương thực tế và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến cuộc sống, nghề nghiệp của người cần giám định, giám định viên đánh giá, xác định tỉ lệ % TTCT trong khung tỉ lệ tương ứng với Bảng tỉ lệ % TTCT;

- Đối với các bộ phận cơ thể đã bị mất chức năng, nay bị tổn thương thì tỉ lệ % TTCT được tính bằng 30% tỉ lệ % TTCT của bộ phận đó;

- Trường hợp trên cùng một người cần giám định mà vừa phải giám định pháp y lại vừa phải giám định pháp y tâm thần thì tổ chức giám định thực hiện giám định sau tổng hợp tỉ lệ % TTCT của người cần giám định theo phương pháp xác định tỉ lệ % TTCT.

Về cách xác định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể thì theo Điều 4, Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định việc xác định tỉ lệ % TTCT được tính theo phương pháp cộng như sau:

Tổng tỉ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +...+ Tn.

Trong đó:

T1: Được xác định là tỉ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất (nằm trong khung tỉ lệ các TTCT được quy định tại Thông tư này);

T2: Là tỉ lệ % của TTCT thứ hai được tính như sau: T2 = (100 - T1) x tỉ lệ % TTCT thứ 2/100;

T3: Là tỉ lệ % của TTCT thứ ba được tính như sau: T3 = (100-T1-T2) x tỉ lệ % TTCT thứ 3/100;

Tn: Là tỉ lệ % của TTCT thứ n được tính như sau: Tn - {100-T1-T2-T3-...-T(n-1)} x tỉ lệ % TTCT thứ n/100;

Tổng tỉ lệ % TTCT sau khi được làm tròn số là kết quả cuối cùng.

Gây thương tật bao nhiêu phần trăm thì bị khởi tố hình sự?

Theo Luật sư, căn cứ Điều 134, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi cố ý gây thương tích mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên thì bị khởi tố hình sự.

Các trường hợp đánh người gây thương tích dưới 11% vẫn bị khởi tố hình sự nếu:

- Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

- Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

- Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

- Có tổ chức;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

Vậy trường hợp lái xe gây tai nạn giao thông mà đã bồi thường thì có phải chịu trách nhiệm hình sự nữa không?

Gây tai nạn giao thông bị xử lý hình sự thế nào?

Trường hợp lái xe gây tại nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, người vi phạm có thể bị xử lý như sau:

- Phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm:

Người nào tham gia giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác:

  • Làm chết người.
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.

- Phạt tù từ 03 - 10 năm: Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Không có giấy phép lái xe theo quy định.
  • Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác.
  • Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.
  • Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.
  • Làm chết 02 người.
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% - 200%.
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng.

- Phạt tù từ 07 - 15 năm: Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Làm chết 03 người trở lên.
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
  • Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

- Phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm: Vi phạm quy định về tham gia giao thông mà có khả năng thực tế dẫn đến một trong các hậu quả sau nếu không được ngăn chặn kịp thời:

  • Làm chết 03 người trở lên.
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
  • Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Tai nạn giao thông bao nhiêu thì bị khởi tố năm 2024

Gây tai nạn giao thông đã bồi thường có phải đi tù? (Ảnh minh họa)

Lái xe gây tai nạn, đã bồi thường có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Liên quan đến việc miễn trách nhiệm hình sự sau khi bồi thường thiệt hại, khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự hiện hành nêu rõ:

Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Trong đó, Điều 11 Bộ luật này hướng dẫn về lỗi vô ý phạm tội là khi:

- Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

- Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Với Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người phạm tội được xác định là thực hiện hành vi với lỗi vô ý bởi họ có thể biết trước hậu quả nhưng thường cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Căn cứ Điều 9 và Điều 260 Bộ luật Hình sự, việc phân loại tội phạm đối với Tội vi phạm quy định về tham giao thông đường bộ được xác định như sau:

- Phạm tội theo khoản 4 Điều 260 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 01 năm tù được xác định là thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng.

- Phạm tội theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù được xác định là thực hiện tội phạm nghiêm trọng.

- Trường hợp phạm tội theo khoản 2 và khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất lần lượt là 10 năm tù và 15 năm tù bị coi là thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng.

Từ những phân tích trên, có thể kết luận, người gây tai nạn giao thông mà đã bồi thường có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

1 - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 hoặc khoản 4 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

2 - Phải được người bị hại hoặc người đại diện của người đó tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, nếu gây tai nạn thuộc trường hợp tại khoản 2 và khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự, dù đã bồi thường và có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự của bị hại thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên việc bồi thường thiệt hại sẽ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự hiện hành.