Thành ngữ lời ăn tiếng nói có nghĩa là gì năm 2024

Quan niệm trong cách nói, cách viết của Bác Hồ là viết cho dân, vì dân nên những gì Bác viết và nói đều gần gũi, dễ hiểu. Người viết/nói để tuyên truyền đường lối, nhiệm vụ cách mạng, đồng thời thể hiện sự hòa đồng, rút ngắn khoảng cách đến mức thấp nhất giữa một vị Chủ tịch Nước với người dân thường. Đấy cũng là điều kiện của đối thoại văn hóa hiện đại là bình đẳng, dân chủ. Phải tính tới một yếu tố nữa là thời đó (những năm nửa cuối thế kỷ XX từ 1945 đến 1969) trình độ dân trí chưa cao nên phải nói như thế nào đó để dân tiếp thu một cách cao nhất nội dung vấn đề. Xét về chủ thể phát ngôn, xuất phát từ quan niệm quý trọng nhân dân và mình là người phục vụ nhân dân nên trong cách sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là trong các văn bản chính luận, ngôn ngữ Hồ Chí Minh rất giản dị, trong sáng. Đó là một thứ ngôn ngữ sống động mang hơi thở của đời sống nhân dân lao động nên xa lạ với ngôn ngữ quan phương hành chính mệnh lệnh. Góp phần tạo nên đặc sắc này có một nguyên nhân là tác giả của nó rất có ý thức dùng lời ăn tiếng nói của nhân dân. Ngôn ngữ Hồ Chí Minh đậm đặc chất khẩu ngữ là có những lý do ấy.

Khẩu ngữ Bác dùng là lời ăn tiếng nói hàng ngày của dân: “Nói cây súng trường mà bắn máy bay phản lực thì thiên ạ ít người tin lắm. Thế mà ta bắn được. Thế mới giỏi, thế mới cừ chứ!

... Mỹ thua thì nó xấu hổ lắm. Nó tức mình lắm. Bởi vì nó đã thua ở Trung Quốc, thua ở Triều Tiên, bây giờ mà thua ở Việt Nam nữa, nó mất mặt, xấu hổ. Vì thế cho đến phút cuối cùng nó cắn, nó cố cắn rồi nó thua nữa” (Tập 12, tr 60). “Tổng Giôn luôn mồm ba hoa rằng mục đích của Mỹ là "hoà bình", rằng Mỹ là kẻ "bảo vệ Hiệp định Giơnevơ", v.v.. Thật là láo toét!” (Tập 11, tr 288). “Sau này dù có đến bảy triệu binh sĩ Mỹ thì hố sâu và đồng lầy Việt Nam cũng thừa chỗ để "hoan nghênh chúng".

Nhân dân ta cóc sợ” (Tập 11, tr 411) [1].

Các chữ “cừ”, “cóc sợ”, “láo toét” thuộc dạng khẩu ngữ mang màu sắc thông tục dân giã thường chỉ xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hàng ngày nhưng được Bác dùng không chỉ tạo ra sự gần gũi giữa người viết và người đọc, còn tạo ra sự thú vị trong tiếp nhận: nội dung nói mang tính chất quốc tế (phong cách cao) nhưng được diễn tả bằng ngôn ngữ bình dân (phong cách thấp). Trong một bài viết có nội dung trang trọng tầm quốc tế thế mà Bác vẫn dùng khẩu ngữ “cù nhằng” rất tự nhiên: “Nhiều bạn đọc hỏi: Hiện nay ở Giơnevơ đại biểu 17 nước đang họp bàn giải trừ quân bị. Vì sao đại biểu Mỹ cứ một mực cù nhằng, không chịu bàn bạc một cách thiết thực?” (Tập 10, tr 541).

Như vậy các động từ “cừ”, “cắn”; các tính từ “cừ”, “mất mặt”, “cù nhằng”; các trợ từ “lắm”, “mới”; các tiếng mắng mỉa, thề: “láo toét”, “cóc sợ” tươi nguyên sống động của ngôn ngữ nông dân.

Trong Nói chuyện với đoàn cán bộ tỉnh uỷ Thanh Hoá, Người nói:

“Trong Tỉnh uỷ có bao nhiêu uỷ viên gái? Tại sao không có đồng chí gái nào đi đây cả? Gái làm nhiều nhưng đi gặp Trung ương lại không có ai là gái! Điều đó chứng tỏ các đồng chí còn trọng trai khinh gái. Cần tích cực sửa chữa” (Tập 12, tr 419). Người không dùng từ Hán Việt “nữ”’ “phụ nữ” mà dùng từ “gái” dân giã. Người không dùng “trọng nam khinh nữ” mà dùng “trọng trai khinh gái” đã thuần Việt. Ngôn ngữ của Người là ngôn ngữ của dân, mộc mạc. Về thăm đồng bào Thái Bình, ngôn từ của một vị Chủ tịch Nước là ngôn từ của một lão nông:

“Phải giữ gìn sức khoẻ cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt. Ví dụ: khi phụ nữ có kinh thì hợp tác xã chớ phân công cho họ đi làm ở chỗ ruộng sâu nước rét” (Tập 12, tr 194). Người không dùng từ “đến tháng” hay nói theo cách nói của “chị em” là “bị” (ẩn ngữ), mà dùng đúng với phong cách khẩu ngữ để tạo ra sự gần gũi, không có khoảng cách giữa cấp trên, cấp dưới... Trong câu nói sau thì đúng chỉ có ở những đồng bào tiểu thương buôn bán nhỏ: “Các đồng bào có vốn thì nên cùng nhau tổ chức những công nghệ nhỏ. Như thế thì đã khỏi ngồi ăn cụt vốn mà lại giúp được một số đồng bào lao động tản cư” (Tập 5, tr 50).

Rất nhiều những khẩu ngữ: “hả dạ”, “chè chén”, “chén chú chén anh”, “một vốc phân là một cân thóc”, “cắn xé”, “lép bép”, “cúp đuôi”, “chuồn”, “ăn đói”, “miếng vườn”, “lấy trộm”, “mất trộm”, “xúi quẩy”... có mặt trong những bài nói chuyện của Người. Thậm chí tên bài báo cũng đậm chất khẩu ngữ: “Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười”, “Lại chuyện chó Mỹ”, “Đốp! Đốp!”... Những so sánh cũng là so sánh của ngôn ngữ quần chúng: “đường trơn như mỡ” (Tập 5, tr 68); “Coi tính mạng người Đông Dương như cỏ rác” (Tập 2, tr 363); “Địch như con trâu điên…”. “Các anh là một đàn lừa..” (Tập 10, tr 507)… Lời văn tác giả nhiều khi là sự phát triển từ một thành ngữ: “Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống” (Tập 10, tr 313). “Lúc đó những người nhát gan đã nói: Ta đánh nhau với Pháp, khác nào châu chấu đấu với ông voi” (Tập 11, tr 443).

Khi nói với/về nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo củ khoai, ngôn ngữ Bác Hồ cũng dân giã như hạt gạo, củ khoai vậy: “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác…

Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối. Thậm chí làm chợ đen chợ đỏ, thụt két, buôn lậu…” (Tập 5, tr 209). Trong mấy câu trên dễ thấy được phát triển từ các thành ngữ: đồng tiền bát gạo, Mồ hôi nước mắt, Chợ đen chợ đỏ. Có trường hợp cả lời văn gần như là sự tập hợp của các thành ngữ: “… chúc các đồng chí đi đường, chân cứng, đá mềm, thuận buồm xuôi gió” (Tập 5, tr 384). Câu văn có âm hưởng của đời sống nhờ sử dụng hình ảnh và cách nói vần vè của nông dân:

“Từ bây giờ cho đến khi thóc vào bồ, ngô vào cót, luôn luôn phải lãnh đạo chặt chẽ” (Tập 9, tr 215).

Có khi là sự cố ý đưa lời của một nông dân thô mộc vào văn bản: “Khi tự tay bắt một giặc Mỹ lái máy bay nhảy dù xuống đất, một ông cụ dân quân già đã làm một câu thơ:

Bay cậy bay nhiều máy bay

Chúng tao thề đánh chúng mày tan xương” (Tập 12, tr 134).

Chính tính khẩu ngữ này đã góp phần tạo ra một đặc điểm ngôn ngữ Hồ Chí Minh có xu hướng toàn dân, phổ cập, thông thường, ai cũng hiểu, ai cũng nhớ. Đó có thể là lời nói thông thường nhưng mang tính chân lý của một bác nông dân: “Muốn lúa tốt, hoa màu tốt, cần nhiều phân. Phân thì có phân xanh, phân người, phân chuồng. Phân người, nước giải, phân chuồng là quý nhất. Muốn có nhiều phân chuồng, phải nuôi nhiều trâu, bò, lợn” (Tập 9, tr 240). “Phân bón của ta còn rất ít. Phân người, phân trâu bò, bùn đất, phân xanh, phân rác... còn nhiều nhưng chưa dùng hết. Phải cố gắng làm phân bón nhiều hơn nữa. Lúa có được phân bón mới xanh tốt” (Tập 10, tr 151). Đó có thể là lời phê bình thấm thía: “Giáo dục phải đi đôi với kỷ luật, để chấm dứt những thói xấu như vứt bậy, đái bậy trong các vườn hoa và trên các đường đi” (Tập 10, tr 269).

Có thể khẳng định cái nguồn mạch giàu có, sống động, tươi mới của ngôn ngữ quần chúng đã góp phần chủ yếu để tạo nên một phong cách ngôn ngữ độc đáo Hồ Chí Minh: “Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta, nhưng không nên vay mượn lu bù để loè thiên hạ.

…Đã tiếng Việt, lại còn ngữ pháp! Sao không gọi là "Mẹo tiếng Việt"? Cái gì tiếng ta đã có và dễ hiểu rồi thì đặt thêm ra làm gì? Mấy chú cải cách chữ Việt không khéo lại làm cho người ta khó hiểu thêm. Có tiếng ta dùng đã quen rồi, các chú lại tự ý sửa đổi. Tại sao lại viết: Quốc hội họp kỳ thứ bốn?

Các chú đi hỏi các cụ mà xem. Xưa nay nhân dân ta vẫn nói thứ tư chứ ai nói thứ bốn bao giờ!” (Tập 12, tr 552).

Ngôn từ luôn mang tính quan niệm. Một bài học cho hôm nay: phải căn cứ vào đối tượng để viết. Với trí thức phải có cách viết khác. Với nông dân phải có cách viết riêng… Vì mỗi tầng lớp đều có một tính chất đặc thù, một vốn sống và nhu cầu văn hóa riêng. Thế mà rất tiếc có cán bộ văn hóa xuống cơ sở luôn dùng những từ thật to tát, cao siêu, như là để “khoe mẽ” với người nghe vậy. Thế là chưa học bài học cách nói cách viết của Bác Hồ: dùng lời ăn tiếng nói nhân dân để viết về nhân dân phục vụ nhân dân.

N.H.A


[1] Các dẫn chứng trong bài lấy từ bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002.