Tiếng Tiều là gì

TIẾNG TIỀU.

Về già nghĩ lại sao hồi trẻ mình dốt tiếng tàu quá mà lại không chịu học tiếng tàu, bây giờ có muốn học cũng không còn sức để mà học nữa. Nghĩ lại, cũng không biết cuộc đời của mình và của các bạn cùng thời với mình tới thời điểm này đáng để vứt đi chưa. Mình tự vứt mình đi thì dễ, chứ con cháu mình sẽ ra sao, mình có đang tâm vứt luôn cả cuộc đời chúng nó hay không?

Cũng cứ trách sao mình ngày đó không chịu hiểu tiếng tàu để biết chị, thương chị nhiều hơn sao phải để đến lúc về già thấy chị héo hon nghèo khổ rồi mình lại cứ mãi băn khoăn.

Anh lúc trước là bạn học chung với bọn tôi thời trung học. Những năm gian khó ấy, anh may mắn còn trụ lại được ở Sài Gòn và được cho đi học đại học lại sau ngày giải phóng hai hay ba năm gì đó. Nói chung con đường học vấn của anh lúc ấy trôi chảy hơn nhiều đứa bọn chúng tôi.

Nhưng về già lúc anh mới về hưu non, một lần uống cà phê chung, tôi thấy anh đang cầm tờ báo đọc tin các cán bộ trẻ măng mới được cất nhắc đề bạt lên chức vụ cao vời vợi so với số tuổi và tài năng của họ, rồi anh chép miệng than thở: Ai cũng thương yêu con mình cả. Mình mà không thương không lo cho con mình lỡ người khác thấy sẽ xấu mồm bảo: Chắc thằng đó không phải con của ổng, nó là con riêng của bả nên ổng chẳng thèm thương thì mắc cở đến chết.

Anh thở dài: Mà nhiều đứa con cũng tội nghiệp, nhiều khi được cha thương yêu quá đùm bọc quá mà lo lắng chạy vạy cho con bằng được một chỗ ngon lành ấm áp, chắc người cha sợ mình bất tử chết đi thì con cái lại bơ vơ nên lo cho con càng gấp gáp kể cả không thèm quan tâm tới chuyện người đời chê trách Ái chà! Thì những đứa con ấy lại bị người khác dèm pha chửi bới: Thằng nhỏ đó có ra cái gì đâu, chẳng qua nó dựa hơi cha nó, thằng nhỏ đó là thứ bốn C, đồ chỉ giỏi trò con vua thì lại làm vua con bác sải chùa lại quét lá đa

Rồi người ta tìm cách thêm thắt xấu xa: Thằng nhỏ đó hồi hết lớp mười hai thi rớt đại học được cha nó chạy chọt đưa qua nước ngoài mua bằng mua cấp, thằng nhỏ đó ra nước ngoài học ít xỉn ăn chơi nhiều, thằng nhỏ đó đi học ở cái trường không có tên không có tuổi, thằng đó mới về nước một năm được thăng lên ba chức

Anh thẩn thờ: Mình cũng không biết có đúng vậy không mà người ta thì cứ nói vậy? Mình chỉ biết con mình cả ba đứa đang quét lá đa.

Rồi anh tiếp: Người ta thương con mà còn lo được cho con, tôi cũng rất thương con mà chẳng lo được cho nó cái gì. Như đứa con gái út đây này, tôi cũng ráng tằng tiện cho nó học hết đại học, rồi cũng chịu khó gặp gỡ bạn bè xin cho nó một chân đi dạy trong nhà nước, nhưng mà cuối cùng chẳng có trường học nhà nước nào chịu nhận con mình vào. Lý do: Nhận nó vào họ cũng chẳng được lợi lộc gì. Thú thật tiền tôi cũng không còn để mà chạy việc cho nó, nghe nói chạy một chân giáo viên gần nhà bây giờ cũng mất cả mấy cây vàng, thôi nó không đi dạy được thì về nhà dạy kèm trẻ con trong xóm kiếm tiền đi chợ cho mẹ nó cũng được. Thế đấy, một năm lên ba chức vụ người ta còn lo cho con người ta được, mình xin cho con mình chức giáo què tập sự cũng chẳng xong! Thế người ta thương con người ta hay mình thương con mình nhiều hơn?

Hiểu anh lắm nhưng tôi chỉ biết thở dài theo vì chẳng biết làm sao mà giúp anh. Tôi bây giờ giúp tôi còn chưa nổi nữa là. Nhớ ngày xưa hồi tôi mới về lại được Sài Gòn thì anh còn đang còn đi học đại học năm thứ ba gì đó, đang đi học lại đua đòi muốn lập gia đình. Tôi ngăn cản anh đừng nên lấy vợ khi biết rõ chị có gốc tàu. Tôi có lần răn đe anh: Ông lấy người tàu làm vợ thì mai mốt cái bằng đại học của ông cũng đi tong, ông cũng chẳng vào được đảng đoàn gì hết đâu, con cái ông cũng đừng hòng mà tiến bộ!

Tới giờ đã sáu mươi tuổi rồi, tôi ưa ngồi buồn tự hỏi mình cái chữ tiến bộ mà ngày xưa tôi ưa xài để dạy đời người khác có ý nghĩa đích xác là cái con mẹ gì? Ôi chao! Chính tôi tới giờ cũng không biết nữa, nhưng hồi đó cứ ưa xài.

Giống như mấy chữ phản ánh, nâng quan điểm, lập trường càng về già tôi càng ít dám xài, bởi mỗi lần xài chúng lại phải tự hỏi mình: Có phải chăng hiện tại của mày đang phản ánh thứ quá khứ không đầu không đuôi, không lập trường gì ráo trọi của chính mày? Có phải chăng nâng quan điểm lên mà nói thì đời mày đã chẳng ra cái chi chi, đời mày đáng vứt đi từ lâu lắm rồi?

Thế mà lúc trẻ tôi cứ ưa thích dạy đời người khác bằng mấy cái từ mà cho tới già tôi không hề hiểu hết ý nghĩa đầy đủ của chúng.

Hồi đó anh thương yêu chị thật lòng. Còn tôi trong lòng hồi đó không ưa thích chị chút xíu nào và cũng lại không thích chuyện anh lấy chị Có lẽ tôi thấy trước đời anh sẽ không ra làm sao nếu anh kết hôn với một bà người tàu trong thời buổi Trung Việt đang hết sức gay go. Sau này có lần ngồi ăn cơm chung tôi hỏi chị: Chị là người Tiều, chị có thích quay về nước tàu hay Đài Loan như nhiều người khác ở Chợ Lớn đang làm hay không? Chị cười: Chó đâu cũng chó, chó ở đây quen rồi với lại quá đang thương a nứng mà.

Cũng chắc một phần do cách ăn nói bổ bã, cách dùng từ bằng tiếng Tiều hơi lạ của chị mà theo người Việt chúng tôi là không được tế nhị lịch sự cho lắm cho nên hồi đó tôi không thích chị

Về già nghĩ lại, tôi thấy tôi ngày ấy chắc do còn trẻ quá, chắc do chưa được học nhiều và trải nghiệm nhiều về ngôn ngữ của những người đang sống chung quanh cho nên có những câu nói của chị hay của những người trong gia đình chị làm cho mình đôi lần cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Nghĩ lại, tôi lại thấy tôi càng hiểu chị và càng trách tôi khi biết cũng do cái gốc gác lai tàu và cái kiểu nói lai tàu mà suốt mấy chục năm chung sống với anh, chị cứ bị anh mắng mỏ hoài. Mà chắc chị cũng có lúc buồn khi nghĩ ngợi vẩn vơ có khi nào vì nguồn gốc tàu lai và cái ngôn ngữ Tiều buồn cười của chị mà đời anh cũng đã chẳng được cái chi chi, đời anh đã bị vứt đi.

Hồi đó dù không thích chị nhưng rồi tôi và đám bạn thời trung học còn sót lại ở Sài Gòn cũng phải cùng nhau phụ giúp anh cho xong cái đám cưới nghèo tại một khu ổ chuột quận năm năm ấy. Đám cưới của người tàu, người Tiều nhưng chỉ có bánh kẹo và một ít trái cây. Phía đàng trai, chỉ có mẹ anh đang buôn gánh bán bưng ngoài trung vào được để lo cho con, cha và anh lớn của anh lúc ấy đang vào mùa nên không thể vào Sài Gòn.

Mẹ anh rất áy náy và tỏ vẻ xấu hổ khi thấy ông sui gia người Tiều cứ cười cười nháy nháy hấp háy con mắt đổ ghèn, nhe hàm răng sún nắm lấy tay bà sui và thân mật bảo: A nái, a nái vào đây đi mà! Quen biết không hà!

Trong tiếng Tiều a nái có nghĩa là bà, là phu nhân nhưng người miền trung nghe ai gọi mình là nái thì sẽ buồn giận lắm. Tôi còn nhớ cái khuôn mặt sượng trân của mẹ anh và anh thì đỏ mặt tía tai khi nghe ông già vợ nói chữ a nái. Bọn tôi thì cứ bấm bụng nín cười, có khi lại nghĩ: Ông Tiều này chắc muốn vừa làm đám cưới cho con gái mình vừa muốn làm đám cưới cho mình luôn một thể!

Đám em gái em trai của chị thì gọi bọn con trai chúng tôi, đám bạn đời thời đi học của anh bằng một từ khó nghe là bạn của a nứng Có thằng xấu miệng nói sau lưng: Chú rễ của mình chắc dâm dê ra mặt hay sao mà mấy đứa nhỏ cứ nói như thế cà? Chưa gì đã thấy mặt đặt tên là a nứng.

Sau này hỏi ra mới biết trong tiếng Tiều chữ a nứng là để chỉ anh rễ, anh nuôi hay là thứ anh nối ruột ngoài đường.

Hỏi tại sao từ hồi đám cưới của anh thì nguyên đám người Việt là mẹ của anh và bọn bạn học chúng tôi còn có thể giữ được một chút xíu cảm tình dành cho chị và gia đình chị khi bị người ta gọi mình là Nái với Nứng. Cũng may mấy người Tiều trong đám cưới của anh hồi xưa chưa kết hợp hai chữ đó lại để mà phát âm kép một lần. Tôi cũng như mấy người Việt hồi đó biết tiếng Tiều chủ yếu qua mấy chữ đại từ xưng hô hia là anh và chế là chị, ai có ngờ tiếng Tiều còn có thêm mấy chữ quái quỉ kia đâu.

Tiếng Tiều bây giờ ở miền nam còn ít người chịu học lắm và ngay cả người gốc Tiều cũng ít chịu nói tiếng Tiều ở miền nam. Bây giờ người Tiều ưa nói tiếng Quảng Đông để buôn bán cho dễ, ưa nói tiếng Phúc Kiến khi đi khám bệnh hay xin cho con đi học ở Singapore hay Mã Lai Có mấy đợt di dân lớn từ tàu qua miền nam, qua Lào hay qua Campuchia đều xảy ra trong thời Pháp thuộc với ba thứ dân chủ yếu là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu cũng có dân Khách hay dân Hải Nam nhưng ít hơn. Nhưng rồi người Quảng Đông được lợi thế nhất khi mà các thứ dân khác đều dần dần thích dùng tiếng Quảng thay vì tiếng địa phương của riêng họ. Cuối cùng, thứ tiếng tàu được nhiều người tàu ly hương chọn nói nhiều nhất ở mấy nước phía nam như Việt, Miên, Thái là tiếng Quảng Đông. Ngoài tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến cũng còn được người tàu nói nhiều ở Mã Lai, Brunei, Indonesia và Singapore.

Tiếng Tiều hồi tôi đi công tác bên Campuchia mấy năm trước thấy chỉ còn một số người nói, bên Thái cũng chỉ còn một ít người nói tiếng Tiều vậy nhưng xem cho kỹ thì bên miền nam nước mình lại càng ít người dùng hơn.

Phân vân tự hỏi có phải chăng có nhiều từ thông dụng trong tiếng Tiều khi phát âm ra thì đối với người Việt mình nghe không hay ho lắm, thậm chí nghe hơi tục cho nên tiếng Tiều ngày càng ít được nói ở Việt nam.

Tới hồi đám cưới của anh chị tôi mới biết người Tiều ưa xài chữ chó để dịch chữ làm trong tiếng Việt mình, như chị hay giải thích nguyên nhân tại sao chị không vượt biên như nhiều người tàu khác: Chó đâu cũng chó, chó ở đây quen rồi với lại quá đang thương a nứng mà.

Còn ông cha người Tiều của chị. Hỏi thăm bà sui và nghe mẹ anh nói bà đang buôn gánh bán bưng ở một chợ nhỏ ngoài Đà Nẵng, cha vợ anh vỗ đùi mà la to: À! A nái-chó-kênh-chị! Chắc chỉ có đám người Tiều trong nhà chị mới hiểu ý ông nói thực thà không khích bác là: À! Bà chị đang làm kinh tế ha

Nghe nái-chó-kênh-chị ngượng quá nhưng mẹ anh cũng phải lịch sự hỏi ngược lại: Xin lỗi anh sui đang làm gì ở Sài Gòn? Ông già vợ cười giả lả: Quá nghỉ làm rồi, thất nghiệp rồi! Hồi trước ngày giải phóng quá làm ngân hàng, quá chó ngừng-háng-nghẹt-bú.

Tới lúc này thì cả bọn con trai chúng tôi không kìm nổi ôm bụng cười ngất, trong khi mẹ anh thì lần nữa ngượng chết trân trên ghế.

Ông sui có vẻ rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi ôm bụng cười, mặt ông hết cười liền và lật đật giải thích: Bộ quá mắc cười lắm hả mấy đứa, tiếng Tiều ngừng-háng-nghẹt-bú là nghiệp vụ ngân hàng trong tiếng Việt đó mà mấy đứa! Tụi bây cười cái gì mà cười?

Còn mấy đứa em gái của chị thì nhỏ to sau lưng: Mấy bạn của a nứng dzui quá hen, cười quài. Về già nghĩ lại sao ngày đó dễ cười hoài quá vậy. Vì mình dốt tiếng Tiều mà cười người ta chứ đâu phải vì giỏi tiếng Tiều mà cười.

Sau đám cưới gặp lại, anh thở phào như trút một gánh nặng: Bữa đó mà ông già vợ hỏi thăm cha tôi, anh tôi ở ngoài trung đang làm gì rồi ổng nổi hứng mà dịch ra tiếng Tiều thì chắc hôm đó tôi mất vợ, vì mẹ tôi chắc không thể nào chịu đựng nổi mấy câu tiếng Tiều của ông sui. Tôi hỏi: Sao vậy?

Anh đáp: Anh tôi làm rẫy trên núi, tiếng Tiều gọi làm rẫy là chó hứng, cha tôi làm ruộng gọi là chó sáng. Cả nhà tôi đang sống ở vùng quê, vùng nông thôn. Chữ nông thôn tiếng Phổ thông gọi là nủng xuân tiếng Quảng gọi là nùng xín còn tiếng Tiều nông thôn gọi là trời ơi, tôi khó nói quá!

Hôm đó ông già tôi mà nổi hứng dịch ra tiếng Tiều cha tôi là chó sáng, anh tôi là chó hứng và nguyên nhà tôi đang sống ở vùng nông thôn bằng tiếng Tiều thì chắc mẹ tôi đã bỏ đám cưới về quê ngay rồi.

Anh ghé tai tôi thầm thì nói nhỏ: Nông thôn tiếng Tiều gọi là Nghe anh nói chữ nông thôn bằng tiếng Tiều tục tĩu đó, tôi giật mình: Ừ, may thật! Hôm đó mà ông già vợ anh dịch chữ nông thôn ra tiếng Tiều thì bác gái bỏ về quê là cái chắc!

Cũng may, hôm đám cưới mẹ anh dự từ đầu đến cuối cho hết cái đám cưới kiêm đám hỏi chỉ thuần túy có bánh, kẹo và trái cây rồi mới quày quả về miền trung tiếp tục làm chó kênh chị.

Một đám cưới nghèo giữa người Tiều và người Việt lắm tiếng cười Nhưng sao trong tiếng cười vang vang của bọn trai trẻ chúng tôi hôm ấy cũng hàm chứa một tương lai không sáng sủa cho một cặp vợ chồng tàu Việt trót yêu nhau trong khoảng thời gian quá ư là khó khăn phức tạp cho cả Sài Gòn.

Anh ra trường và làm việc trong một nhà máy quốc doanh, không lên không xuống cho tới lúc về hưu non. Chị mắn đẻ nhưng phải phá thai luôn vì nghèo. Ba đứa con họ cố gắng giữ lại được sinh khá cách xa nhau. Hai đứa con trai đầu cũng hết phổ thông nhưng không học đại học, tôi không biết vì nghèo hay vì lý lịch. Nhưng tôi vui vì thấy đời sống của chúng ngày càng ổn định, chúng lấy vợ sớm và tách ra riêng mở tiệm làm nghề thợ sửa máy, chúng cố bám lấy Sài Gòn mà sống chứ không bắt chước ông nội và bác cả về nông thôn miền trung làm chó sáng và chó hứng.

Chỉ có đứa con gái út là lên được đại học, chắc tới thời nó lý lịch cũng hết là vấn đề rồi. Học hết sư phạm nhưng không kiếm được việc làm cho đúng nghề. Bởi a nứng về hưu mà nghèo, chẳng ai thèm giúp a nứng nữa. A nứng tìm việc mãi cho con gái không được rồi cuối cùng phải cho con gái về nhà dạy kèm cho mấy đứa nhỏ trong xóm.

Một hôm tò mò tôi hỏi anh: Cháu út ở nhà dạy kèm môn gì vậy? Anh cười buồn: Tiếng Tiều. Mà tiếng Tiều bây giờ ở Sài Gòn ít ai thèm học quá, nên cháu cũng rất chật vật. Thôi cho nó ở nhà dạy kèm tiếng Tiều vài năm mà không khá chắc phải cho nó chó-kênh-chị luôn như hai thằng anh ruột nó.

Sài Gòn ngày 17 tháng 10 năm 2015.

Share this:

  • Twitter
  • Facebook

Thích bài này:

Thích Đang tải...

Có liên quan

Bình luận về bài viết này

Posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.