Tình trạng vi phạm an toàn giao thông của học sinh

2022-04-05 20:26:13

Cách đây chưa lâu, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ngăn chặn kịp thời nhóm thanh niên 20 thanh niên nam nữ chạy xe máy tốc độ cao, lạng lách đánh võng trên tỉnh lộ 25, thuộc địa phận thị xã Hương Thủy, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, trong quá trình tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng Công an xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy phát hiện nhóm 20 đối tượng có độ tuổi từ 15 đến 17 tụ tập và điều khiển xe máy chạy trên tuyến tỉnh lộ 25 thuộc địa phận thôn Cư Chánh 1 (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế), trong đó có một số đối tượng điều khiển xe máy chạy với tốc độ cao, nẹt pô và lạng lách đánh võng. Lực lượng công an đã yêu cầu các đối tượng dừng phương tiện để kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm, tạm giữ 16 phương tiện. Hầu hết những đối tượng vi phạm này đang là học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tình trạng vi phạm an toàn giao thông của học sinh
Lực lượng CSGT triển ra quân xử lý "quái xế" trong độ tuổi học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT.

Trong năm 2021, chỉ riêng Phòng CSGT đã phát hiện xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ đối với 10 sinh viên; 12 học sinh vi phạm với các lỗi chủ yếu như: Chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe,… Tuy nhiên, thực tế tình trạng vi phạm TTATGT của học sinh, sinh viên còn lớn hơn nhiều so với con số thống kê được.

Hai năm qua, xét về số liệu thống kê tình trạng học sinh sinh viên vi phạm TTATGT có xu hướng giảm. Nhưng điều này chủ yếu do tình trạng dịch bệnh Covid- 19 kéo dài. Nhiều quãng thời gian áp dụng quy định hạn chế đi lại nên lưu lượng người tham gia giao thông nói chung giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về TTATGT vẫn có nhiều diễn biến phức tạp và nguy cơ gia tăng trong thời gian tới.

Tình trạng vi phạm an toàn giao thông của học sinh
Lực lượng Công an làm việc với thanh thiếu niên vi phạm TTATGT.

Để góp phần hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT, thời gian qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và Phòng CSGT nói riêng đã nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, phối hợp nhà trường, gia đình, chính quyền và các ban ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, giáo dục các em trong độ tuổi thanh thiếu niên; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm đối với học sinh, sinh viên. Đối với những trường hợp cá biệt vi phạm nhiều lần, vi phạm có tính chất nghiêm trọng như lạng lách, đánh võng, tụ tập điều khiển phương tiện gây mất trật tự công cộng, nẹt pô, có dấu hiệu đua xe máy trái phép,… thì lực lượng CSGT có biện pháp theo dõi, quản lý, giáo dục, răn đe cá biệt.

Riêng Phòng CSGT, trong năm 2021, Phòng CSGT đã phối hợp với Đại học Huế, các Trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, Tiểu học, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức 28 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa với gần 2.000 người tham dự. Trong quá trình tổ chức tuyên truyền, Phòng CSGT còn phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn; tuyên truyền các mô hình hay, hiệu quả, góp phần đảm bảo TTATGT liên quan đến trường học, sinh viên, học sinh; Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về TTATGT và những hệ lụy. Ngoài ra, lực lượng CSGT các cấp còn thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội như zalo, you tobe, facebook...

Tình trạng vi phạm an toàn giao thông của học sinh
Xử lý nghiêm thanh thiếu niên vi phạm TTATGT, gây rối trật tự công cộng.

Thời gian tới, Để nghiêm túc thực hiện qui định về Luật an toàn giao thông đường bộ, cùng với sự vào cuộc của lực lượng Công an, mà trực tiếp là lực lượng CSGT thì chính quyền, các cơ quan, ban ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, nhà trường và các bậc phụ huynh cần phối hợp tốt và phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác quản lý, giáo dục học sinh sinh viên để hạn chế tình trạng vi phạm TTATGT. Về phía các đơn vị trường học, lực lượng Công an, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể cần tăng cường hơn nữa quy chế phối hợp trong công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên để có những đề xuất với UBND tỉnh, từ đó có chỉ đạo, điều hành nhằm hạn chế, kéo giảm đến mức tối đa số học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, bởi đây là công việc không chỉ thuộc một ngành, một cấp nào mà toàn xã hội, cộng đồng phải chung tay góp sức, Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng phòng CSGT Công an Thừa Thiên Huế cho hay.

Hà Tâm

18:35, 04/05/2016

BHG- Thời gian gần đây, tuy các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành và nhà trường đã có nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), nhưng trên thực tế, tình trạng học sinh, sinh viên và thanh niên vi phạm trật tự ATGT vẫn phổ biến.

Tình trạng vi phạm an toàn giao thông của học sinh
Hiện tượng học sinh đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến.

Dạo quanh một số trường học trên địa bàn thành phố mới thấy nhiều sự bất cập trong việc chấp hành các quy định đảm bảo trật tự ATGT. Có mặt tại trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hà Giang) vào những giờ học: Xe máy, xe đạp điện được xếp kín vỉa hè khu vực trường học, những chiếc xe này là của học sinh đang theo học trong trường, hầu hết các phương tiện không có gương chiếu hậu, không mang theo mũ bảo hiểm (MBH), thậm chí, chúng còn được tháo biển kiểm soát, có những chiếc xe ô-tô không biết của ai đỗ chình ình ngay cổng trường hàng buổi, mặc dù cách đó 10m là vị trí đỗ xe, gây mất mỹ quan và phản cảm đối với mọi người... Nhà trường không cho phép học sinh đi xe máy đến trường học thì học sinh lách quy định gửi xe ở những nhà dân, hàng quán khu vực lân cận.

Lộn xộn nhất là khi tiếng trống tan trường vang lên, học sinh ùa ra khu vực cổng trường; túm năm, tụm ba, người ngang, người dọc... gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông và chính các em. Cổng trường lại sát ngay mặt đường, giờ cao điểm rất nhiều phương tiện qua lại, các em vẫn vô tư thản nhiên dàn hàng ba, hàng bốn. Cách đó không xa là ngã tư, nút giao thông có tín hiệu đèn xanh đỏ, hầu hết các em đều vi phạm, không chỉ những em sử dụng xe máy mà cả xe đạp điện, thậm chí cả xe đạp và đi bộ, học sinh không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, ngang nhiên vượt đèn đỏ, không sử dụng MBH, xe máy chở 3, 4, lạng lách, đánh võng... Tại khu vực một số trường Tiểu học, mặc dù tấm băng zôn treo trên cổng ghi rất rõ “Trẻ em phải đội MBH khi đi xe máy, xe đạp điện” nhưng theo quan sát và ghi nhận của chúng tôi, các bậc phụ huynh khi đưa đón con em đều không mang theo MBH cho các cháu. Được biết, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền cho học sinh về đội MBH khi đi xe máy, xe đạp điện; loa phát thanh của nhà trường cũng phát những nội dung về đảm bảo trật tự ATGT cho phụ huynh và học sinh vào mỗi giờ đưa đón học sinh, nhưng xem ra vẫn chưa hiệu quả!

Tình trạng diễn ra khá phổ biến, nhưng số lượng xử lý thực tế lại khiêm tốn, chủ yếu vẫn là thông báo, nhắc nhở, giáo dục. Điều này, đã tạo cho các em tính chủ quan khi tham gia và chấp hành các quy định về trật tự ATGT. Trao đổi với chúng tôi, cô Lương Anh Thiết, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong cho biết, nhà trường rất kiên quyết trong lĩnh vực này: Ngoài việc phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý, vào đầu những năm học, nhà trường còn tổ chức cho các học sinh và các bậc phụ huynh ký cam kết với 8 điều khoản cụ thể, những cam kết này được lưu tại Ban giám hiệu. Bản cam kết được học sinh, phụ huynh, ban đại diện phụ huynh lớp, lớp trưởng, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường cùng ký tên, đóng dấu để thực hiện. Theo ghi nhận, hầu hết những điều khoản đã được ký tên đó học sinh đều vi phạm như: Phụ huynh không giao xe máy cho học sinh điều khiển khi học sinh chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe; học sinh không đi xe máy đến trường học; học sinh phải đội MBH và cài quai đúng quy định khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông; phải chấp hành tín hiệu đèn giao thông; để xe đúng nơi quy định...

Tại buổi giao ban Khối nội chính quý I. 2015, khi đề cập về lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, hầu hết các đại biểu tham dự đều khẳng định: Tình trạng trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp và phổ biến. Ngày 25.3, đồng chí Triệu Tài Vinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ cũng đã có Thư ngỏ về chấp hành Luật giao thông, trong đó ghi rõ: ...“việc xây dựng văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông là vô cùng cần thiết, không chỉ trách nhiệm của các cơ quan chức năng  mà phải chính từ bản thân của mỗi người, đặc biệt là sự gương mẫu đi đầu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và không chỉ phải xây dựng cho mình thái độ ứng xử văn hoá khi tham gia giao thông mà còn tích cực, trách nhiệm hơn trong việc tuyên truyền, vận động người thân, con em trong gia đình tham gia xây dựng văn hoá giao thông...”.

Theo ông Trịnh Minh Tân, tổ 18 phường Minh Khai thì việc học sinh vi phạm trật tự ATGT trách nhiệm chính vẫn là từ gia đình, từ chính các bậc phụ huynh trong việc nhắc nhở, giáo dục con em mình. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng là vô cùng cần thiết, bởi thực tế khi có các lực lượng tuần tra kiểm soát thì các em nghiêm chỉnh chấp hành. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả các hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, tổ dân phố... đều có trách nhiệm chung trong lĩnh vực này.

“Văn hoá giao thông” là chấp hành Luật giao thông, điều này ai cũng hiểu, ai cũng biết và rất dễ thực hiện, nhưng đó lại là điều mong mỏi của các lực lượng chức năng, của các cơ quan, ban, ngành, của những người đầy trách nhiệm vì sự an toàn chung cho mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông hiệu quả, cần làm chuyển biến nhận thức của mỗi người trong việc chấp hành nghiêm Luật giao thông. Muốn vậy, việc giáo dục, tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông cho đối tượng học sinh là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình trật tự ATGT đang có diễn biến phức tạp như hiện nay.

N.L