Tội làm giả sao kê tài khoản ngân hàng

Tội làm giả sao kê tài khoản ngân hàng
Các bị cáo đã làm giả hàng chục hồ sơ sao kê tài khoản giả của các ngân hàng để bán cho khách hàng thu lợi bất chính. Ảnh: Tường Lâm

Làm giả tài liệu đưa vào hồ sơ tín dụng tiêu dùng

Ngày 7/4, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử 7 bị cáo gồm Trần Thị Thiệp (SN 1988, trú tại Hà Nam); Phạm Minh Hoàng (SN 1991, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội); Đinh Văn Hải (SN 1985, trú tại Hải Phòng); Lê Thị Thùy Trang (SN 1992, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội); Lê Hồng Sơn (SN 1975, trú tại Mê Linh, Hà Nội); Đỗ Mạnh Thắng (SN 1997, trú tại Sơn Tây, Hà Nội); Đỗ Thị Hằng (SN 1976, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) vì đã có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để đưa vào hồ sơ tín dụng tiêu dùng. 

Theo tài liệu truy tố, các bị cáo Thiệp, Hoàng, Hải, Trang là các nhân viên, cộng tác viên của một công ty tài chính được giao nhiệm vụ là nhân viên tín dụng: tiếp xúc, hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ vay vốn. Quá trình làm việc, các nhân viên này nhận thấy có một số khách hàng có nhu cầu không đủ điều kiện vay vốn, không chứng minh được thu nhập, không có hợp đồng lao động, không có sổ bảo hiểm nhân thọ... Để kiếm lời, nhóm nhân viên này cấu kết với các đối tượng bên ngoài gồm Lê Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Thắng, Đỗ Thị Hằng để làm giả các chứng từ như sao kê tài khoản, sổ bảo hiểm nhân thọ... để kiếm lời.

Nhóm nhân viên này yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin như họ tên, năm sinh, địa chỉ, số tài khoản, sao kê tài khoản có dấu đỏ và chữ ký xác nhận thật của ngân hàng, số điện thoại liên hệ...

Sau đó, các tài liệu, thông tin này được chuyển cho đối tượng bên ngoài làm giả con dấu ngân hàng, công ty bảo hiểm bằng cách sử dụng máy scan và in mẫu dấu thật bằng máy in màu và tự “chế” ra các thông tin giao dịch trong sao kê tài khoản để khách hàng đủ điều kiện vay vốn. Các sao kê tài khoản giả này được đưa vào hồ sơ vay vốn.

Các bị cáo đã thỏa thuận với khách hàng và thu từ 1 – 3 triệu đồng “phí dịch vụ” làm hồ sơ giả. Từ tháng 5/2015 đến tháng 11/2015, các bị cáo đã làm giả hàng chục hồ sơ sao kê tài khoản, sổ bảo hiểm nhân thọ giả của các ngân hàng và công ty bảo hiểm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Agribank, TienphongBank, VIB, Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi để bán cho khách hàng thu lợi bất chính.

Ngày 11/12/2015, khi Phạm Minh Hoàng mang số sao kê tài khoản giả đã được làm xong để giao cho khách hàng thì bị Cơ quan công an bắt giữ cùng với tang vật gồm Giấy chứng nhận, hợp đồng nhân thọ của Prudential, xác nhận đóng phí, giấy chứng nhận bảo hiểm và 4 sao kê tài khoản Vietcombank, 5 phiếu xác nhận thông tin tài khoản lương. Tất cả đều là tài liệu giả.

Đỗ Thị Hằng khai rằng do số lượng nhiều Hằng không nhớ cụ thể, chính xác về thời gian làm những tài liệu giả trên và số tiền đã nhận từ khách hàng cũng như số tiền đã trả cho Sơn. Hằng chỉ nhớ được số tiền mỗi bộ hồ sơ nhận của khách hàng từ 800.000 - 1.000.000 đồng; tổng số tiền nhận từ khách hàng khoảng 56 - 70 triệu đồng.

Theo cáo trạng, ngoài các hồ sơ giả đã xác minh được, các bị cáo còn khai ra các trường hợp thuê làm hồ sơ giả khác nhưng nhiều người không xác minh được nhân thân. Đối với các đối tượng liên quan này, cơ quan điều tra đã triệu tập ghi lời khai của 16 người có liên quan đến việc sử dụng tài liệu giả. Các đối tượng liên quan là khách hàng vay vốn thừa nhận có việc thuê, nhờ các bị cáo hướng dẫn và giúp làm các thủ tục hồ sơ để vay vốn ngân hàng. Với tài liệu chứng cứ thu thập được, chưa đủ căn cứ để kết luận, xử lý với số đối tượng nói trên, Cơ quan điều tra đã quyết định tách phần tài liệu này để tiếp tục xác minh, điều tra xử lý sau. 

Cấu kết với đối tượng nghiện ma túy

Với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Phạm Minh Hoàng cùng 4 bị cáo liên quan lần lượt bị tuyên phạt từ 24 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 36 tháng tù giam.

Quá trình triệt phá vụ án và khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Hồng Sơn, cơ quan công an còn thu giữ hơn 4 gram ma túy “đá”. Nguồn gốc số ma túy này được xác định là trong một lần Sơn và Thắng lên Thái Nguyên thăm bạn đã mua về để sử dụng dần. Lê Hồng Sơn và Đỗ Mạnh Thắng không chỉ bị truy tố theo cùng tội danh với 5 bị cáo trong vụ án mà còn bị xét xử thêm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Sau 1 ngày xét xử, TAND TP. Hà Nội cho rằng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm đối với xã hội vì đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức và xâm phạm đến trật tự quản lý chất ma túy của Nhà nước.

Trên cơ sở đó và sau khi cá thể hóa trách nhiệm của từng bị cáo, HĐXX sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt Lê Hồng Sơn 5 năm 6 tháng tù, Đỗ Mạnh Thắng 5 năm tù về cả 2 tội danh bị truy tố. Với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Phạm Minh Hoàng cùng 4 bị cáo liên quan lần lượt bị tuyên phạt từ 24 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 36 tháng tù giam.

Thứ ba - 06/09/2022 06:14

Công an tỉnh Hà Nam thông báo một số phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng như sau: 1. Làm giả các Video Call, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo: Các đối tượng giả danh các tài khoản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, nhắn tin cho các nạn nhân để hỏi vay, mượn tiền; sau đó, để tạo niềm tin, các đối tượng dùng chính Facebook, Zalo giả chủ động gọi điện video call cho các nạn nhân để lừa đảo. Các cuộc gọi này thường rất ngắn, chất lượng hình ảnh ở mức thấp, nên nạn nhân có thể nhìn thấy mặt, nhưng không thể nói chuyện rõ ràng và xác minh chính xác. Đối tượng có thể làm giả Videocall khá dễ dàng, bằng cách xâm nhập (hack) vào Facebook, lấy nhiều ảnh chân dung của chủ tài khoản, từ những góc mặt khác nhau, sẽ tạo ra được một đoạn video về cử động mặt của chủ tài khoản Facebook, sau đó chỉ cần ghi vài giây hình ảnh video của người cần giả mạo rồi phát trên một chiếc điện thoại khác có quay mặt vào camera trước của điện thoại đang gọi. Cách này hình ảnh sẽ xấu nhưng đối tượng có thể lấy lý do nói đang ở chỗ sóng yếu để tắt video. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake (giả lập sâu) trong AI, phần mềm ghép mặt Face App làm giả Video call bằng cách dùng hình ảnh của các chủ tài khoản Facebook, Zalo, sau đó, các đối tượng ghép được giọng nói để tạo thành một video hoàn chỉnh rồi gọi điện cho nạn nhân để vay, mượn tiền. => Để tránh bị các đối tượng lừa đảo thông qua Video Call, người dân cần cân nhắc trước khi đăng tải hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội để các đối tượng dễ dàng sử dụng hình ảnh để tạo lập các video; đồng thời, khi nhận được nhắn tin, gọi điện vay, mượn tiền qua các ứng dụng Zalo, mesenger, cần gọi điện cho bạn bè, người thân xác nhận bằng số điện thoại được lưu trong danh bạ điện thoại, tránh để bị các đối tượng lừa đảo. 2. Làm giả sao kê tài khoản để lừa đảo: Lợi dụng việc nhiều tổ chức, cá nhân cần có các tài liệu như: Cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản, bảo lãnh dự thầu, để chứng minh năng lực tài chính sử dụng vào việc hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư, ký kết hợp tác kinh doanh hoặc nhu cầu cá nhân,… các đối tượng đã làm giả các tài liệu này nhằm thu lợi bất chính bằng cách đặt mua máy khắc dấu polyme trên mạng Internet để chế tạo con dấu giả của một số ngân hàng có uy tín, sau đó đặt mua các mẫu giấy in màu có biểu trưng của các ngân hàng này để phục vụ việc làm giả tài liệu. Khi tìm được người có nhu cầu làm các tài liệu này, các đối tượng đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp, mã số thuế, số tài khoản, thông tin dự án và số tiền cần xác nhận cấp cam kết tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, bảo lãnh dự phòng,... Thỏa thuận chi phí làm giả số giấy tờ, tài liệu xong, các đối tượng in các nội dung nêu trên lên giấy có biểu trưng của ngân hàng, ký giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng và dùng con dấu polyme giả đóng lên tài liệu. => Để tránh bị lừa đảo bằng hình thức này, các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan, khi nghiên cứu thẩm định hồ sơ xin cấp phép dự án, hợp tác, kêu gọi vốn nước ngoài đầu tư,... cần xem xét, thẩm định kỹ hồ sơ, tài liệu về năng lực tài chính của các doanh nghiệp, cá nhân. Trường hợp thấy nghi ngờ tài liệu giả, cần liên hệ với ngân hàng đã phát hành văn bản để thẩm định về tính hợp pháp của các loại tài liệu này. 3. Lừa đảo khi nhận cuộc gọi từ đầu số quốc tế: Thời gian gần đây, nhiều trường hợp nhận được các cuộc gọi hoặc nháy máy từ các đầu số nước ngoài như: +375 (Belarus); +371 (Lativa), +381 (Xéc-bi-a), +563 (Valparaiso), +370 (Vilnius), +255 (Tanzania)... những cuộc gọi từ số điện thoại quốc tế nêu trên, đều với mục đích lừa đảo. Cụ thể: Việc nháy máy nhằm lôi kéo các trường hợp gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn (cước gọi đến số điện thoại vệ tinh trung bình 99.000 đồng/phút, cao nhất có thể đến 150.000 đồng/phút và bị tính cước ngay khi đổ chuông). Đối tượng gọi điện thoại cho nạn nhân tự xưng là nhân viên điện lực thông báo đang nợ tiền điện, nhân viên chuyển phát thông báo có gói quà từ nước ngoài, nhân viên ngân hàng thông báo đang thiếu nợ, cảnh sát thông báo lỗi vi phạm giao thông hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia... Các đối tượng nhằm vào tâm lý người nghe rồi yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng và tìm cách hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bị hại. => Đối với các cuộc gọi nháy máy từ số quốc tế, người dân không nên gọi lại, chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài. Cảnh giác đối với cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ với những thông tin nghe mập mờ, không chính xác cần bình tĩnh xác minh, tránh bị các đối tượng lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Để chủ động công tác phòng ngừa, ngăn chặn đối với các hoạt động trên, Công an tỉnh thông báo để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, tránh bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và các vi phạm pháp luật khác./.