Bài học kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống Mỹ

Ngày đăng: 29-04-2020 Lượt xem: 2708

Là máu thịt của đất nước, Sài Gòn - Gia Định cùng miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đã “đấu tranh kiên trung bất khuất ở nơi đầu sóng ngọn gió”[1]; tự hào đứng lên nổ phát súng đầu tiên và tung cờ hoa đón mừng chiến thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên chiến trường trọng điểm, ngay giữa hang ổ sào huyệt đầu não của quân thù, cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, mất mát, hy sinh to lớn; Sài Gòn - Gia Định đã góp phần xứng đáng làm nên mùa Xuân đại thắng; trong mỗi chiến công, thành tựu của Thành phố đều “có máu xương, công sức, trí tuệ của chiến sĩ và đồng bào khắp mọi miền đất nước”.

Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay và mãi mãi các thế hệ mai sau đời đời ghi tâm, khắc cốt công lao trời biển của Bác Hồ; mãi mãi tri ân vô hạn sự cống hiến to lớn của các thế hệ cách mạng đi trước, sự hy sinh vô bờ bến của các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bài học kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống Mỹ

Quân ủy trung ương theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh tư liệu

Để làm nên thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, công tác tư tưởng đã phát huy cao độ, huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia. Các binh chủng làm công tác tư tưởng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến; nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các đơn vị quân đội đã quán triệt đến mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; biến ý chí, quyết tâm thành hành động, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Lúc này, ở miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và Ban Tuyên huấn các khu ủy, tỉnh ủy được thành lập với chức năng tham mưu về công tác tư tưởng và làm nhiệm vụ như một bộ máy chuyên trách kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các mặt công tác tuyên huấn và khoa giáo. Các cơ quan báo chí, văn hóa, văn nghệ, trường đào tạo cán bộ được thành lập để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ động, phục vụ quân và dân ta. Công tác tư tưởng đã cổ vũ quân và dân ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trên cả 3 vùng chiến lược, góp phần thực hiện 3 mũi giáp công[2], khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.

Các hoạt động thông tin tuyên truyền, nhất là các cơ quan báo chí, kịp thời đưa tin chiến thắng, khơi dậy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong đồng bào và chiến sĩ cả nước. Tất cả đều bừng bừng khí thế “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, “táo bạo, táo bạo hơn nữa” tiến về giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Trong hào khí đó, cùng với nhiều bài hát nổi tiếng khác, bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng, qua Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên trên các đường phố Sài Gòn, vang vọng khắp hai miền đất nước trong ngày Đại thắng 30/4/1975. Mặt trận công tác tư tưởng đã góp phần xứng đáng cùng toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một trong những chiến công vĩ đại nhất trong thế kỷ XX.

Đánh giá về công tác tư tưởng của quân và dân Việt Nam trong cuộc chiến, Đại sứ của Mỹ Tay-lơ đã phải thú nhận: “Sức mạnh không quân là một sự yểm trợ, nhưng nó không thể quyết định việc chặn đứng những con người đang chiến đấu trên mặt đất... Chúng tôi đã không đánh giá đúng tinh thần cực kỳ kiên quyết và đức hy sinh vì sự nghiệp của người Việt Nam”[3]

Nhà báo Mỹ Nây Si-han cũng từng nhận xét: “Sau những năm dài tìm cách khuất phục một dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước Mỹ một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này cuối cùng bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Như vậy, thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với với máy móc”[4].

Bài học kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống Mỹ

Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ra trước đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ảnh tư liệu

Có thể nói, công tác tư tưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại những bài học kinh nghiệm quý giá, đó là: Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đường lối kháng chiến đúng đắn; nghệ thuật quân sự tài tình. Nắm chắc thực tiễn đất nước và tình hình thế giới, phân tích kỹ tình hình địch, ta, dự báo xu hướng, phát hiện vấn đề, chủ động giải quyết những vấn đề tư tưởng; Huy động các lực lượng trong toàn Đảng, trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân làm công tác tư tưởng, dưới sự lãnh đạo thống nhất, trực tiếp và chặt chẽ của Đảng; Nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gắn bó máu thịt với nhân dân; Xây dựng đội quân cách mạng có có lòng yêu nước nồng nàn, lý tưởng cao đẹp, có niềm tin tất thắng, có ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần quốc tế cao cả; Xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng phù hợp với nhu cầu và điều kiện kháng chiến.

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ thuận lợi, đan xen với khó khăn, thách thức. Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị thế và uy tín Việt Nam ngày càng tăng lên trên trường quốc tế. Lĩnh vực công tác tư tưởng, qua 45 năm thống nhất đất nước, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng được củng cố và phát triển. Điều kiện, phương tiện, môi trường, nguồn lực làm công tác tư tưởng đã có những bước tiến vượt bậc. Mặt khác, yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác tư tưởng những đòi hỏi rất cao.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình mới, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vẫn là quan điểm cơ bản xuyên suốt của Đảng ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong đó sức mạnh cơ bản và vũ khí sắc bén của chiến tranh nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vẫn là sức mạnh chính trị - tinh thần, hay nói cách khác là làm tốt công tác tư tưởng trong Nhân dân. Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa có những thuận lợi mới, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Khu vực Đông Nam Á trở thành địa bàn cạnh tranh quyết liệt về thị trường và tài nguyên; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của các nước lớn. Việc xuất hiện một số loại hình chiến tranh kiểu mới như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, sử dụng sức mạnh phần mềm thông qua các hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa kết hợp với “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ… là sức mạnh nguy hiểm. Tác động mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và gay gắt hơn. Những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cùng với sự xuống cấp của các giá trị văn hóa, tình trạng phân cực giàu nghèo… diễn biến phức tạp; các nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo không những không suy giảm mà có mặt trầm trọng hơn. Nhất là trong thời điểm chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những thông tin nhằm hạ uy tín của Đảng, của các cấp lãnh đạo gây nhiễu loãn trong công tác xây dựng nhân sự, xây dựng văn kiện… làm giảm uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong Nhân dân.

Từ bài học Đại thắng mùa Xuân năm 1975, chúng ta cần thực hiện tốt chiến lược xây dựng, động viên và phát huy mặt trận tư tưởng - nhân tố chính trị, tinh thần trong tình hình mới. Chiến lược đó phải kết hợp chặt chẽ và nằm trong tổng thể chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, là một bộ phận hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia gắn bó chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xây dựng đất nước. Trong đó, phải ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, làm “yên” lòng dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những thành tựu và kết quả đạt được trong thời gian qua là phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, truyền thống cách mạng kiên cường, kiên trì, năng động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Quyết liệt, kiên trì trong đổi mới nội dung, phương thức trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế thành phố để tạo các chuyển biến có tính đột phá. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu là nhân tố quyết định thành công. Cùng với đó là bài học kinh nghiệm là các chính sách phải đảm bảo an dân, tạo niềm tin trong lòng Nhân dân.

Bài học kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống Mỹ

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, đổi mới từng ngày

Tại buổi công bố Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ Thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân. Mục tiêu này đòi hỏi để xứng đáng với niềm tin của Nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình và chịu sự giám sát của Nhân dân. Nhân dân không hài lòng, thiếu tin tưởng mình phải thấy có lỗi, phải kiểm tra lại”. Ngoài ra, trong mục tiêu phát triển tổng quát có nội dung “vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc Nhân dân”. Điều này nhằm khẳng định, sự hạnh phúc, sự hài lòng của Nhân dân là thước đo sự lãnh đạo của Đảng./.

Hoàng Minh

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Diễn văn của đồng chí Lê Duẩn trong buổi lễ mừng chiến thắng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, t.36, tr. 208

[2] Ba vùng chiến lược: Rừng núi, đồng bằng và đô thị. Ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận.

[3] . Sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1976, tr. 181.

[4]. Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Đại thắng mùa xuân 1975 nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Nxb Quân đội nhân dân, 1995, tr. 8.