Cán bộ và đời sống mới được viết năm nào năm 2024

uan điểm của Hồ Chí Minh khi lựa chọn cán bộ, đảng viên làm phong trào xây dựng “Đời sống mới” là phải “trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung”. Người khẳng định, “trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dân có quyền lựa chọn những cán bộ như thế”, tin cậy, học tập và làm theo tấm gương những người cán bộ, đảng viên như thế!

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong khi cả nước đang tập trung cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã khẳng định chủ trương kết hợp chặt chẽ xây dựng nền văn hoá nói chung, đời sống mới nói riêng với kháng chiến, kết hợp kháng chiến với kiến quốc. Vì vậy, không chỉ phát động phong trào xây dựng đời sống mới, ngày 3/4/1946, Người đã ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Trung ương vận động Đời sống mới và ngày 20/3/1947, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Đời sống mới" để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào.

Xây dựng “Đời sống mới” là một điều cần kíp

Trong lời tựa cuốn sách “Đời sống mới”, Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa của việc tất yếu phải xây dựng đời sống mới: "Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc"[1]. Theo Người, đó là một công việc quan trọng, “hợp thời lắm”, vì “chính trong lúc này càng phải thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Để mọi người dễ hiểu và làm đúng tinh thần của bốn chữ đó, Hồ Chí Minh diễn giải một cách ngắn ngọn, dễ hiểu, dễ nhớ về nghĩa của từng chữ, theo đó: “Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần. Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù… Cho nên phải Kiệm. Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính"[2].

“Đời sống mới” theo quan niệm của Hồ Chí Minh là: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm… Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới”[3]. Xây dựng đời sống mới chính là sửa đổi những việc rất cần thiết, phổ thông, thường ngày của mọi người như ăn, mặc, ở, đi làm, giảm thiểu những hủ tục lạc hậu như cúng tế, cờ bạc, say sưa, hút xách, trộm cắp, nhất là không tách rời với tăng gia sản xuất… nhằm xây dựng đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới; trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu.

Cũng theo lời Người, đời sống mới bao gồm: Đời sống mới riêng cho từng người và đời sống mới cho cả cộng đồng, tập thể. Thiết thực và cụ thể, Người chỉ rõ một cách tỉ mỉ việc xây dựng đời sống mới ở trong một nhà, một làng, một trường học, trong bộ đội, trong công sở, trong xưởng máy. Thực hành đời sống mới là công việc của mọi người dân, bắt đầu từ cội nguồn là mỗi người, gia đình, làng xã, theo đó: Trong một nhà, về tinh thần, “phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái”; về vật chất, mọi việc đều phải “có kế hoạch, có ngăn nắp”… Trong một làng xã, việc thực hiện đời sống mới, theo Người, cần phải làm những việc sau: Về văn hóa phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân. Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút sách, bợm bãi, trộm cắp, đĩ điếm… Trong một trường học, cốt nhất phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho các em có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lên… Trong bộ đội, phải thực hành kỷ luật cực kỳ nghiêm, siêng tập luyện, ai cũng biết chữ, biết chính trị ít nhiều, phải tăng gia sản xuất, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu… Trong các công sở, vì là những người đều có ít hoặc nhiều quyền hành, cho nên mỗi người phải giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính để tránh tình trạng “dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”… Trong một nhà máy, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chủ và thợ, cùng tiết kiệm để tăng năng xuất, để cùng hưởng lợi…

Trong thực hành đời sống mới về tổ chức, về sản xuất, về vệ sinh, về văn hóa, về kháng chiến đều phải thi đua giữa người này với người khác, nhà này với nhà khác, làng này với làng khác để trở thành kiểu mẫu... Tất cả những nội dung về xây dựng đời sống mới theo Hồ Chí Minh là “không có gì khó, chỉ sợ chí không bền”. Xây dựng đời sống mới “lợi nhiều chứ không hại. Lợi cho toàn thể, mà không hại đến cá nhân. Không có gì cao xa khó khăn, làm thì thấy kết quả ngay trước mắt… Vì vậy có quyết tâm thì đời sống mới rất dễ làm”[4].

Đẩy mạnh tuyên truyền và thi đua xây dựng “Đời sống mới”

Để nhân dân nhận thức đúng và thực hành tốt đời sống mới, Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc phải coi trọng công tác thông tin tuyên truyền, mà trước hết là “phải tuyên truyền, giải thích và làm gương”. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên, tại mỗi nhà, mỗi làng, bộ đội, công xưởng… để “mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào”. Khi tuyên truyền phải nhuần nguyên tắc tuyên truyền cho người ta dần dần hiểu, “để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta”. Trong quá trình tuyên truyền phải “hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”[5].

Vì vậy, khi vận động nhân dân xây dựng “Đời sống mới”: nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi. Nói thì phải nói một cách đơn giản, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó". Bên cạnh đó, trong quá trình tuyên truyền, tránh tình trạng “hăng quá” dễ hỏng việc; tránh khuyên người ta làm mà mình không gương mẫu thực hiện đời sống mới; mặt khác phải thấm nhuần nguyên tắc tuyên truyền cho người ta dần dần hiểu, “để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta”.

Trong tác phẩm này, quan điểm của Hồ Chí Minh khi lựa chọn cán bộ, đảng viên làm phong trào xây dựng “Đời sống mới” là phải “trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung”. Người khẳng định, “trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dân có quyền lựa chọn những cán bộ như thế”[6], tin cậy, học tập và làm theo tấm gương những người cán bộ, đảng viên như thế!

Để xây dựng đời sống mới trở thành phong trào và thực hành khắp cả nước, mỗi cán bộ từ làng đến tỉnh và kỳ phải “hăng hái tuyên truyền cổ động và định kế hoạch cho thích hợp với địa phương mình”. Hồ Chí Minh yêu cầu: mỗi cá nhân, cơ quan, địa phương, đơn vị đều phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền, mục tiêu tuyền truyền, nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể với địa phương mình trên tinh thần thấm nhuần nguyên tắc “trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái”…

Khi tuyên truyền xây dựng “Đời sống mới”, Hồ Chí Minh kêu gọi, cổ vũ, động viên mỗi người dân Việt Nam phát huy những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc: “Sốt sắng yêu Tổ quốc”, “việc gì lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước, phải hết sức tránh”, “sẵn lòng công ích”, “chớ kiêu căng”, “chớ nịnh hót”, “chớ tham lam”, “chớ bủn xỉn”, làm việc “siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách”, “làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối”, “thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ”, “ham học”, “càng học càng tiến bộ”, ‘”yêu nước, thương nòi”, ‘tiết kiệm”, “tẩy sạch óc kiêu ngạo, tụ phụ, mà giáo dục thực dân còn để lại”… để thực hành đời sống mới, làm cho đời sống mới lan rộng, ăn sâu, bén rễ trong đời sống của nhân dân khắp mọi miền đất nước.

Để vận động quần chúng nhân dân xây dựng “Đời sống mới”, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò nêu gương trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo; tự mình phải gương mẫu thực hiện. Theo Người: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[7] và “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[8], nên mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ tinh thần tiền phong, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Trong bối cảnh vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu ngũ cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò nêu gương trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo. Trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời thường, tự mình phải gương mẫu thực hiện. Theo Người: ““Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[9], nên mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “làm mực thước cho người ta bắt chước”. Cụ thể là phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính; phải là tấm gương tốt để nhân dân “bắt chước” và đó chính là thiết thực xây dựng “Đời sống mới”. Theo đó: Mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng. 1) Đối với mình, phải thường xuyên thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Khi đã thực hành được 4 điều đó, người cán bộ, đảng viên sẽ tránh được những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, sẽ hướng lòng mình đến chí công vô tư. 2) Đối với người, trong ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp, cấp dưới với tình yêu thương, lòng khoan dung, độ lượng. Khi “mình hơn người thì chớ kiêu căng. Người hơn mình thì chớ nịnh hót” với thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, không “tham lam”, “bủn xỉn”. 3) Đối với công việc, phải “làm việc phải đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”[10]. Phải tận tâm, tận lực, “phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán… Chớ lên mặt làm quan cách mạng”[11].

“Một cách tốt nhất là tổ chức thi đua” để phong trào thi đua xây dựng “Đời sống mới” phát triển và lan rộng thì: 1) Trong một nhà, “đối với xóm giềng, phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ. Đối với việc làng, việc nước, phải hăng hái làm gương”[12] giúp mỗi người dân đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm công dân để “nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng”. 2) Trong một làng, phải xây dựng làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ”, “có thể làm kiểu mẫu cho các làng xung quanh”. 3) Trong trường học, phải “để lớp này nên thi đua với lớp khác, trường này với trường khác, làm cho học trò thêm hăng hái”; 4) Trong bộ đội, “bộ đội này thi đua với bộ đội khác làm đời sống mới”; 5) Trong nhà máy, mỗi cán bộ “làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước”. Các nhà máy thi đua tăng gia sản xuất không chỉ có lợi cho chủ và thợ mà còn có “lợi chung cho nền kinh tế của Tổ quốc, lợi chung cho toàn thể đồng bào”.

“Cần có những người làm gương, những nhà làm gương, những làng làm gương”- Đó chính là lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày để giáo dục lẫn nhau; và theo Hồ Chí Minh “một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Mỗi cán bộ, đảng viên trong khi vận động nhân dân xây dựng đời sống mới phải tránh tình trạng “miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung”. Trong công tác, một mặt phải “khuyến khích giúp đỡ cho dân làm”; mặt khác, khi đã có những cá nhân và đơn vị làm gương trong xây dựng đời sống mới thì nhất định phải kịp thời “nhà nào, làng nào, vùng nào làm được tốt hơn hết, sẽ được khen thưởng” để tuyên truyền cho phong trào lan rộng, phát triển nhanh. Trong thực hành đời sống mới, khi tất cả người, nhà nhà, làng làng cho đến cả nước cùng nêu gương thực hiện đời sống mới thì dù bước đầu gặp khó khăn, nhưng “có chí làm thì nhất định làm được”.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Vì “thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường”, vì “bất kỳ việc gì, bước đầu cũng khó. Việc đời sống mới cũng vậy”, nên phương pháp nêu gương của cá nhân, tập thể và thi đua toàn diện, về mọi mặt trong vận động xây dựng đời sống mới là rất cần thiết và hiệu quả. Người kết luận là: Khi xây dựng đời sống mới được Chính phủ khởi xướng thành phong trào; khi điều kiện để “làm đời sống mới đã đủ rồi. Cũng như gạo, nước, củi đều sẵn sàng, chỉ cần nhen lửa thì có cơm ăn”, thì “các cơ quan, các bộ đội, các đoàn thể phải hăng hái thi đua nhau mà làm”[13], thì “khi trông thấy hiệu quả tốt tươi, thì chắc những nơi khác sẽ hăng hái làm theo” và phong trào sẽ phát triển nhanh, lan rộng. Khi từ Trung ương xuống địa phương cùng “đồng tâm mà làm, quyết tâm mà làm thì đời sống mới nhất định thực hiện được” để “nước Việt Nam ta trở nên một nước văn minh”, để “xây dựng một nước Việt Nam phú cường”[14].

Từ “Đời sống mới” đến “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

70 năm sau khi tác phẩm “Đời sống mới” ra đời (1947-2017), phong trào xây dựng đời sống mới năm xưa đã phát triển, lan rộng cả chiều rộng và bề sâu. Phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở” được triển khai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V, với các mô hình văn hóa (gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu dân cư tiên tiến xuất sắc, đơn vị xuất sắc), đã góp phần làm cho văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân ở cơ sở. Xây dựng làng văn hoá hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng gia đình văn hoá và hai việc đó có tác động tích cực lẫn nhau, tạo nên một môi trường văn hoá lành mạnh cần thiết ở hai cơ sở được coi là tế bào của xã hội… Qua đó, đời sống văn hoá ở mỗi nhà máy, công trường, nông trường, mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, mỗi cơ quan trường học, bệnh viện, cửa hàng, mỗi xã, hợp tác xã phường đều được thực hiện, góp phần nâng cao đời sống văn hoá cho nhân dân.

Tiếp đó, ngày 3/5/1995, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tri 04 hướng dẫn triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” (sau đổi tên là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng. Mục tiêu của cuộc vận động là “xây dựng đời sống văn hóa”, địa bàn diễn ra các hoạt động của cuộc vận động là “khu dân cư” và lực lượng thực hiện là khối đoàn kết toàn dân. Trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đã tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào nêu gương “Người tốt, việc tốt”, xây dựng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực hoạt động khác nhau của đời sống xã hội; phát huy vai trò tích cực của các tập thể, cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình sáng tạo trong từng lĩnh vực; động viên mỗi cá nhân, từng gia đình trong phong trào tự quản và tương thân tương trợ trong khu dân cư…

Sau hơn 20 năm thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã góp phần tạo nên những thành quả tích cực trong đời sống cộng đồng dân cư. Phong trào đã thực sự phát huy tiềm năng và huy động sức mạnh tổng hợp của mọi người dân vào việc xây dựng khu dân cư ngày càng văn minh, sạch đẹp, góp phần khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư, cùng quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, làm cho người dân ngày càng ý thức và tự giác thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, sẵn sàng san sẻ, trợ giúp các trường hợp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống.

Những năm gần đây, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đã tạo nên một bầu không khí mới, nguồn sinh lực mới cho phong trào tại các cộng đồng dân cư. Các nội dung được chú trọng xây dựng như: Người tốt, việc tốt; gia đình văn hoá; khu dân cư văn hoá; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá… mà trọng tâm là xây dựng "Gia đình văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa", "Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa"... gắn với việc học và làm theo Bác từ những công việc cụ thể, hàng ngày, thiết thực, hiệu quả được thực hiện đồng bộ, sát thực tế, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò của văn hóa, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Có thể nói, hiệu quả của sự gắn kết trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với học tập và làm theo Bác đã bổ sung và làm sâu sắc hơn cuộc vận động xây dựng “Đời sống mới” Hồ Chí Minh đã phát động năm xưa, góp phần làm cho nước “Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh” như Người mong muốn./.

TS. Văn Thị Thanh Mai ----

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.5, tr.111

Chủ đề