Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân việt nam bao gồm:

Theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; là cơ sở để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Tiêu chuẩn đầu vào, thời gian học tập và cơ hội học tập tiếp theo của các cấp học và trình độ đào tạo như sau:Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo. Giáo dục nhà trẻ được thực hiện đối với trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi; giáo dục mẫu giáo được thực hiện đối với trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi.Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở (giai đoạn giáo dục cơ bản) và giáo dục trung học phổ thông (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp).
Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm học, từ lớp 1 đến hết lớp 5. Học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học sẽ học tiếp lên trung học cơ sở. Giáo dục trung học cơ sở tiếp nhận học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.

Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở có thể học tiếp lên trung học phổ thông hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.

Giáo dục trung học phổ thông tiếp nhận học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở. Trong thời gian học trung học phổ thông, học sinh có thể chuyển sang học chương trình đào tạo trình độ trung cấp nếu có nguyện vọng và đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp 10 đến hết lớp 12. Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có thể học lên đại học hoặc theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Giáo dục nghề nghiệp bao gồm các chương trình đào tạo trình độ trung cấp tiếp nhận người tốt nghiệp tối thiểu trung học cơ sở; các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng tiếp nhận người tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tốt nghiệp trình độ trung cấp; cùng với đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, đào tạo trình độ sơ cấp nhằm giúp người học có kỹ năng thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề.

Về giáo dục đại học, giáo dục trình độ đại học và giáo dục trình độ thạc sĩ có 2 định hướng: nghiên cứu và ứng dụng; giáo dục trình độ tiến sĩ theo định hướng nghiên cứu.

Các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu có mục tiêu và nội dung theo hướng chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học, phát triển các công nghệ nguồn làm nền tảng để phát triển các lĩnh vực khoa học ứng dụng và công nghệ.

Các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng có mục tiêu và nội dung theo hướng phát triển kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người. Các chương trình đào tạo phải bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các chương trình đào tạo trình độ đại học tiếp nhận người đã tốt nghiệp trung học phổ thông; người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chương trình đào tạo đại học có thời gian tương đương 3 đến 5 năm học tập trung); người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng.

Các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ tiếp nhận người tốt nghiệp trình độ đại học. Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ tương đương 1 đến 2 năm học tập trung tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo. Người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có thể học tiếp lên tiến sĩ trong hướng chuyên môn phù hợp hoặc được nhận vào học các hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo.

Các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ tiếp nhận người tốt nghiệp trình độ thạc sĩ hoặc người tốt nghiệp trình độ đại học nếu đáp ứng được các yêu cầu của chương trình đào tạo. Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ tương đương 3 đến 4 năm học tập trung tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo và trình độ đầu vào của người học.

Hình thức giáo dục thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho mọi người, ở các lứa tuổi và trình độ khác nhau có thể học tập, nâng cao kiến thức, phát triển năng lực chuyên môn, tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi ngành, nghề phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng người, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội, xây dựng xã hội học tập. Người học có thể chuyển đổi từ giáo dục thường xuyên sang các phương thức khác nếu có nhu cầu, có đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng các quy định cụ thể hóa Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học theo các quy định tại Quyết định.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam, áp dụng đối với các trình độ được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học.

Cấu trúc Khung trình độ quố gia Việt Nam gồm 8 bậc trình độ: Bậc 1- Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II; Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ.

Tương ứng với mỗi bậc trình độ là: Chuẩn đầu ra (gồm: Kiến thức, Kỹ năng, Mức tự chủ và trách nhiệm người tốt nghiệp khoa đào tạo cần có) và Khối lượng học tập tối thiểu, tính bằng tín chỉ người học phải tích lũy cho mỗi trình độ; Văn bằng chứng chỉ công nhận.

Hệ thống giáo dục quốc dân có thể coi như là một sự sắp xếp theo thứ tự, liên kết chặt chẽ để đào tạo một công dân trong phạm vi toàn quốc. Hệ thống giáo dục quốc dân hướng đến sự phổ cập giáo dục cho toàn người dân trong cả nước, tìm được ra những nhân tài cống hiến cho sự phát triển nước nhà nên không phân biệt già, trẻ, gái, trai; người ở miền ngược hay người ở miền xuôi; người dân tộc ít người hay người tôn giáo,… Bởi giáo dục luôn được xem là gốc gác của sự phát triển bền vững, đầu tư cho giáo dục chưa bao giờ là một sự đầu tư lãng phí vì nhờ có giáo dục mà có thể thay đổi được cả một “vận mệnh” của một đất nước. Pháp luật Việt Nam quy định tại Luật Giáo dục năm 2019 hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

- Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 sau đây gọi là Luật Giáo dục năm 2019.

Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Ngày nay sự phát triển của một quốc gia không chỉ dựa trên sự đồng lòng cùng thi đua tăng gia sản xuất của người dân cả nước mà còn cần sự giao thương, hợp tác với các quốc gia khác trên toàn thế giới, hay còn gọi đó là sự hợp tác, hội nhập quốc tế. Những lợi ích mà hợp tác quốc tế mang lại không chỉ thúc đẩy nền giáo dục nước nhà mà còn giúp bổ sung những giá trị và tiến bộ của văn hóa, văn minh của thế giới, làm giàu văn hóa dân tộc và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 6 của Luật Giáo dục năm 2019 thì hệ thống giáo dục quốc dân được định nghĩa khái quát như sau:

Điều 6. Hệ thống giáo dục quốc dân

1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.”

Cũng tại Khoản 2 Điều 6 của Luật này các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

+ Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

+ Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

+ Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

+ Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

- Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Theo đó Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là cơ sở để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Còn Khung trình độ quốc gia Việt Nam được áp dụng đối với các trình độ được quy định tại Luật giáo dục nghề nghiệp và Luật giáo dục đại học với các mục tiêu đó là:

+ Phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực;

+ Thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo thông qua các hoạt động đào tạo, đo lường, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng;

+ Làm căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực;

+ Thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực;

+ Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng, trình độ đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục

Luật Hoàng Anh

Video liên quan

Chủ đề