Chính phủ và người tiêu dùng dùng website nào

Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) tiếp tục tiến hành khảo sát doanh nghiệp trong cả nước và thu được 6.879 phiếu hợp lệ dùng để làm số liệu chính phục vụ cho hoạt động phân tích thống kê trong Báo cáo Chỉ số TMĐT 2023. Qua đó cho thấy giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng tương tác trên những ứng dụng điện tử ra sao.

Theo đó, số doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát năm nay vẫn được phân làm ba nhóm chính: DN nhà nước; DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó DN ngoài nhà nước chiếm đa số với 88% trong tổng số DN được tham gia khảo sát. Xét về nhóm lĩnh vực kinh doanh tham gia khảo sát, DN bán buôn và bán lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số DN được khảo sát (34%); tiếp đó là nhóm DN xây dựng (21%); nhóm nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 14%; nhóm khai khoáng - công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm 13% và nhóm vận tải kho bãi chiếm 12%.

• WEBSITE DN

Trong nhiều năm liền, website DN luôn được đánh giá là kênh hàng đầu giúp xây dựng thương hiệu trên môi trường trực tuyến một cách bền vững, điều này đúng cho cả DN lớn và các DN vừa và nhỏ. Khảo sát cho thấy tỷ lệ DN đã xây dựng website không có thay đổi nhiều so với các năm trước và mức độ chênh lệch với năm trước cũng không cao. Có 34% DN cho biết đã tự xây dựng website cho DN của mình, 66% còn lại thì thuê các đơn vị khác xây dựng website. Xét theo quy mô giữa nhóm DN lớn và DN vừa và nhỏ thì tỷ lệ DN tự xây dựng website giữa hai nhóm này có chênh lệch đôi chút.

Trong số các DN có website thì 78% DN cho biết hiện nay đã tích hợp tính năng tương tác trực tuyến (zalo, facebook…) với khách hàng của mình trên chính các nền tảng website đó. Tương tự, khi phân theo quy mô DN thì tỷ lệ DN có tích hợp các tính năng tương tác trực tuyến trên website của nhóm DN lớn có cao hơn một chút so với nhóm DN vừa và nhỏ (83% DN lớn có tích hợp các tính năng này, trong khi đó tỷ lệ ở nhóm DN nhỏ là 77%).

72% DN cho biết, việc quản lý phản hồi trực tuyến với khách hàng sẽ thông qua nhân sự phụ trách tương tác trực tiếp, trong khi đó 50% DN sử dụng công nghệ hỗ trợ chatbot. Về lâu dài khi hệ thống mở rộng cùng với quy mô khách hàng lớn lên, việc sử dụng các nền tảng công nghệ và hỗ trợ việc kinh doanh tương tác với khách hàng sẽ rất cần thiết. Xu hướng trong hai năm cho thấy DN đang dần ứng dụng các nền tảng công nghệ vào thay thế cho nhân sự triển khai việc này. Xây dựng uy tín, quảng bá và nâng tầm thương hiệu là mục đích hàng đầu mà mọi DN khi xây dựng website đều hướng tới (84% DN cho rằng việc xây dựng website của họ nhằm mục đích này).

• KINH DOANH TRÊN MẠNG XÃ HỘI VÀ SÀN TMĐT

Xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội (facebook, zalo, instagram…) năm 2022 tiếp tục tăng mạnh, cụ thể có tới 65% doanh nghiệp cho biết, có sử dụng các hình thức kinh doanh này. Điều này là rõ ràng khi trước bối cảnh tác động của dịch bệnh, việc chuyển dịch lên kinh doanh trực tuyến là cần thiết. Bên cạnh nhiều nền tảng kinh doanh online thì kinh doanh thông qua mạng xã hội được đánh giá là nền tảng dễ triển khai nhất với mọi DN.

Về sàn TMĐT, năm 2022 có 23% DN tham gia khảo sát cho biết, có hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, hoạt động của các nền tảng này cũng dần được cộng đồng quan tâm nhiều hơn cả về khía cạnh chính sách thực thi và hiệu quả kinh doanh.

• TRÊN NỀN TẢNG DI ĐỘNG

22% DN tham gia khảo sát cho biết, đã xây dựng website phiên bản di động, tỷ lệ này cao hơn hẳn so với năm 2021 và các năm trước đó. Việc mở rộng kinh doanh trên nền tảng di động sẽ gia tăng thêm một kênh tiếp xúc mới hiệu quả với khách hàng tiềm năng cho DN. Tỷ lệ DN có ứng dụng di động hỗ trợ hoạt động kinh doanh năm 2022 cũng thay đổi nhiều hơn so với các năm trước đó. Giải pháp xây dựng ứng dụng riêng cũng sẽ phù hợp hơn với các DN lớn và có loại hình kinh doanh đa dạng. Khi đó các nền tảng này phải định hướng tới một hệ sinh thái phong phú như một “siêu ứng dụng”, cung cấp được cho người dùng đa dạng các hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Trong đó có tới 38% DN lớn có ứng dụng bán sản phẩm trên thiết bị di động, tỷ lệ này ở nhóm DN vừa và nhỏ chỉ là 19%. Nhóm DN lớn cũng có tỷ lệ tự xây dựng website phiên bản di động hay ứng dụng di động của mình cao hơn hẳn so với nhóm các DN vừa và nhỏ.

Phần lớn DN tham gia khảo sát cho biết, thời gian trung bình lưu lại của khách hàng khi truy cập vào website TMĐT phiên bản di động hay ứng dụng bán hàng ở mức rất thấp, đa số đều ở mức từ 5 - 10 phút (chiếm 35%) và mức dưới 5 phút (chiếm 26%). Tuy nhiên, tỷ lệ thời gian trung bình lưu lại của khách hàng trên 20 phút tăng hơn nhiều so với hai năm trước (từ 14% năm 2021 lên 20% năm 2022). 71% DN đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động, tỷ lệ này thấp hơn so với năm 2021 nhưng nhìn chung vẫn cao hơn so với các năm trước đó. 61% DN cho biết có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua sản phẩm của DN, tỷ lệ này cũng cao hơn nhiều so với các năm trước.