Diệu dụng của ngũ căn ngũ lực là gì năm 2024

NGŨ CĂN NGŨ LỰC

Tuệ Huy - Tô Đăng Khoa

A- NGŨ CĂN :

Là năm yếu tố căn bản, năm yếu tố cốt lõi của sự tu học Phật Pháp. Đó là TÍN - TẤN - NIỆM - ĐỊNH - TUỆ.

Sự tu học Phật pháp có rất nhiều việc phải làm, nhưng tất cả mọi việc đó đều nhằm phát triển năm yếu tố căn bản này. Năm yếu tố căn bản này phát sinh và được làm cho viên mãn theo trình tự duyên khởi : Tín - Tấn - Niệm - Định - Tuệ, sẽ đi đến thành tựu Giác Ngộ và Giải Thoát, nếu thiếu đi dù một trong năm yếu tố căn bản này thì sẽ không thành tựu Giác Ngộ và Giải Thoát.

1 - TÍN CĂN :

Yếu tố căn bản đầu tiên của sự tu học cần phải đạt được và phát triển viên mãn là Tín. Đó là đức tin phát sinh khi được nghe giảng (VĂN) và tư duy (TƯ) về Tứ Thánh Đế/

Do VĂN và TƯ mà có được HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT về:

  • SAMSARA: Sinh Tử Luân Hồi (trạng thái đang là rất bi đát của chính mình: 4 a-tăng kỳ kiếp!)
  • KHỔ: (Ngũ Thủ Uẩn là Khổ)
  • NGUYÊN NHÂN KHỔ (Tham Ái)
  • KHỔ DIỆT (“Đây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn” ….)
  • CON ĐƯỜNG KHỔ DIỆT (Bát Thánh Đạo)

Do có hiểu biết như thật do VĂN và TƯ như vậy mà không còn mơ hồ trừu tượng, không còn nghi ngờ do dự, không còn phân vân lưỡng lự về KHỔ DIỆT và CON ĐƯỜNG KHỔ DIỆT nên phát sinh đức tin mãnh liệt nơi đức Phật và đức tin phát sinh như vậy gọi là Chánh Tín, là một yếu tố căn bản, đứng thứ nhất trong ngũ căn.

2 - TẤN CĂN :

Là yếu tố căn bản thứ hai của sự tu học. Do có TÍN và tuỳ theo mức độ của TÍN mà nỗ lực cố gắng tu tập Bát Chánh Đạo sẽ phát sinh.

Nỗ lực cố gắng để thực hành Bát Chánh Đạo khởi lên do duyên TÍN như vậy được gọi là TẤN.

Hai yếu tố căn bản đầu tiên là TÍN và TẤN do VĂN và TƯ khởi lên.

Mục đích của Tinh Tấn phải lấy Nhất Hướng: Nhàm Chán- Ly Tham để tinh tấn. Nếu không, sẽ có thể rơi vào tà tinh tấn.

3 - NIỆM CĂN :

Là yếu tố căn bản thứ ba, Niệm là ngã rẽ rất quan trọng. Có Chánh Niệm và có Tà Niệm. Ở đây ví như có con đường hai ngã mà Niệm là người đánh xe. Tại chỗ rẽ này, nếu Tà Niệm khởi lên thì cỗ xe sẽ đi trên con đường Bát Tà Đạo, con đường thế gian, con đường nô lệ Vô minh và Tham ái. Nếu tại chỗ rẽ, Chánh Niệm khởi lên, cỗ xe sẽ đi trên con đường Bát Chánh Đạo, con đường xuất thế gian, con đường của giác ngộ và giải thoát.

Sự thực hành mà Đức Phật dạy được tóm gọn trong câu :

"Ngồi kiết già lưng thẳng an trú Chánh Niệm trước mặt".

Khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng rồi, nếu Tà Niệm khởi lên thì Bát Tà Đạo khởi lên và trên đó sẽ có Vô minh, Tham Sân Si, Sầu bi khổ ưu não. Khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng rồi, nếu Chánh Niệm khởi lên thì Bát Chánh Đạo khởi lên và trên đó không có Vô minh, không có Tham Sân Si, không có Sầu bi khổ ưu não. Chính vì điều này CHÁNH NIỆM là yếu tố căn bản của sự thực hành Bát Chánh Đạo.

Định nghĩa CHÁNH NIỆM gồm có 3 phần:

1. Làm gì? Vị ấy sống: quán thân trên thân, thọ trên thọ, tâm trên tâm, pháp trên pháp

2. Làm như thế nào?

Một cách: Nhiệt Tâm, Tinh Cần, Chánh Niệm Tỉnh Giác,

3. Làm để làm chi?

Để: chế ngự tham ưu ở đời

4 - ĐỊNH CĂN :

Là yếu tố căn bản thứ tư của sự tu học. Trên Bát Chánh Đạo, khi có Chánh Niệm ( nhớ đến chú tâm đối tượng ) thì Chánh Tinh Tấn khởi lên và làm phát sinh hành vi CHÚ TÂM liên tục từ đối tượng này sang đối tượng khác theo trình tự sinh diệt của các đối tượng. Nhờ chú tâm nên nhận ra vô thường, nhờ nhận ra vô thường nên thành tựu được mục đích tức là chế ngự tham ưu ở đời. Sự CHÚ TÂM liên tục như vậy đưa đến những trạng thái ĐỊNH và được gọi là CHÁNH ĐỊNH tức là “xả niệm thanh tịnh”: - Sơ thiền: Ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với ( chú tâm có ) tầm, với tứ - Nhị thiền: Diệt ( chú tâm có ) tầm diệt tứ chứng và trú nhị thiền một trạng thái hỷ lạc do định sanh, ( chú tâm ) không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. - Tam thiền: Ly hỷ trú xả, thân cảm lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. - Tứ thiền: Xả lạc, xả khổ, diệt trừ hỷ ưu, chứng và trú thiền thứ tư không khổ, không lạc, tâm thanh tịnh nhờ xả. CHÁNH ĐỊNH với tâm hoàn toàn xã như vậy thì cái biết lúc đó là cái biết trực tiếp không lời, không phân biệt, kinh nghiệm được Tâm Giải Thoát. Chính vì lý do này mà ĐỊNH là một trong năm yếu tố căn bản của sự tu học.

5 - TUỆ CĂN:

Là yếu tố căn bản thứ năm của sự tu học. Tuệ chính là Chánh Tri Kiến phát sinh trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo có trục chính là Chánh Niệm - Chánh Định - Chánh Tri Kiến mà gọi tắt là NIỆM - ĐỊNH - TUỆ. Chính TUỆ này đưa đến giác ngộ Tứ Thánh Đế :

  • Giác ngộ SỰ THẬT KHỔ,
  • Giác ngộ SỰ THẬT NGUYÊN NHÂN KHỔ,
  • Giác ngộ SỰ THẬT KHỔ DIỆT,
  • Giác ngộ SỰ THẬT CON ĐƯỜNG KHỔ DIỆT.

Chính vì lý do này mà TUỆ là một trong năm yếu tố căn bản của sự tu học giác ngộ.

NGŨ CĂN hay NĂM CĂN là năm yếu tố căn bản của sự tu học, nó phát sinh và hoàn thiện theo quy luật duyên khởi:

Do "cái này" có nên "cái kia" có, Do "cái này" sinh nên "cái kia" sinh

Trong đó TÍN và TẤN do VĂN và TƯ phát sinh, còn NIỆM - ĐỊNH - TUỆ là do nhờ có TU mới phát sinh.

B - NGŨ LỰC:

Là năm sức mạnh của NGŨ CĂN: Tín Tấn Niệm Định Tuệ.

Khi năm yếu tố căn bản của sự tu học đã tuần tự khởi lên và được phát triển đi đến viên mãn thì mỗi một yếu tố sẽ có một sức mạnh giúp cho người tu vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt, gian nguy của tu học và cuộc đời.

Nhờ có Tín Căn và Tấn Căn mà sẽ có TÍN LỰC và TẤN LỰC giúp cho người tu có sức mạnh, thoát ra khỏi mọi nghi ngờ, do dự, thoát ra khỏi những cám dỗ của Dục lạc, vượt qua những giá trị mà thế gian ca ngợi để tu tập Bát Chánh Đạo nhằm đưa đến NHẤT HƯỚNG.

Tuệ Huy Tô Đăng Khoa

Chủ đề