Giám sát, phản biện xã hội của Hội phụ nữ

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Trong những năm qua, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn được Đảng coi trọng, xem đây là nhiệm vụ và yêu cầu trọng tâm cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong giai đoạn mới. Nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đã quy định cụ thể về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và ngày 12/12/2013, được Bộ Chính trị cụ thể hóa bằng Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, khẳng định hơn nữa quyền, trách nhiệm và các quy định cụ thể trong thực hiện cơ chế giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng đã ban hành Hướng dẫn số 23/HD-ĐCT ngày 4/6/2018 về thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Giám sát, phản biện xã hội của Hội phụ nữ

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh giám sát Luật phòng, chống bạo lực gia đình tại UBND huyện Ea Kar

Nhận thức rõ trách nhiệm của tổ chức Hội trong thực hiện nhiệm vụ Đảng và Trung ương Hội đã giao, Hội LHPN tỉnh xác định giám sát là nhiệm vụ quan trọng giúp tổ chức Hội phụ nữ thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính  đáng cho phụ nữ, nâng cao vai trò, vị thế của Hội. Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đó là giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên phụ nữ, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ được quy định trong các văn kiện, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật; các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên…

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản của Trung ương Hội, biên soạn các loại biểu mẫu hỗ trợ cho Hội Liên hiệp phụ nữ cấp huyện và cơ sở thực hiện giám sát theo đúng quy trình, ban hành nhiều kế hoạch, văn bản hướng dẫn, tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên đề, kỹ năng giám sát, định hướng nội dung để các cấp Hội thuận tiện hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Hàng năm, các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, địa điểm giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến tổ chức Hội, hội viên Phụ nữ và bình đẳng giới hiệp thương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và xin ý kiến cấp ủy về nội dung giám sát và sau khi có văn bản thống nhất của cấp ủy Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức các cuộc giám sát theo kế hoạch.

Giám sát, phản biện xã hội của Hội phụ nữ

Hội LHPN huyện Krông Pắk giám sát Luật trẻ em tại UBND xã Hòa Tiến

Kết quả nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp Hội trong tỉnh đã thành lập 180 đoàn chủ trì giám sát việc triển khai, thực hiện luật, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh, như: Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ trong tình hình mới, Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số (Nghị định số 39/2015/NĐ-CP), Pháp lệnh 34 về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...Bên cạnh đó, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ đã cử cán bộ tham gia 660 đoàn giám sát do UBMTTQ Việt Nam, HĐND, UBND, Ban Dân vận, Ban Kinh tế, Ban Dân tộc, các đoàn thể, các ngành liên quan cùng cấp tổ chức. Qua các cuộc giám sát, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã phát hiện 2.669 phụ nữ chưa được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 39/NĐ-CP, 36 trường hợp phụ nữ đơn thân thuộc hộ nghèo chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định, 117 trường hợp thuộc diện được hưởng chính sách người khuyết tật nhưng chưa được xét, 152 trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT, 4.139 thẻ bảo hiểm cấp sai thông tin, cấp trùng tên… Trên cơ sở kiến nghị của Hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã ban hành 85 văn bản chỉ đạo cấp ủy, UBND và các ngành chức năng triển khai thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giải quyết chính sách, bảo đảm hội viên phụ nữ được hưởng chế độ theo đúng quy định, số thẻ bảo hiểm y tế cấp cho trẻ em đã được bổ sung, sửa đổi làm lại kịp thời…

Giám sát, phản biện xã hội của Hội phụ nữ

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ tại trường mẫu giáo tư thục Hương Sen

Hoạt động giám sát của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ, phát hiện sai sót trong thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; mối quan hệ của tổ chức Hội Phụ nữ với các cấp, các ngành và các đoàn thể xã hội ngày càng được thắt chặt, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để phụ nữ  được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước đảm bảo công bằng, bình đẳng. Với những kết quả đã đạt được qua giám sát đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, góp phần tích cực trong xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh. Mặc dù hoạt động giám sát của các cấp Hội trên địa bàn tỉnh nhiệm kỳ qua đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: công tác giám sát của các cấp Hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, chủ yếu tập trung  giám sát các chính sách, Luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, chưa tổ chức giám sát cá nhân, tổ chức Đảng theo tinh thần Quyết định số 99-QĐ/TW và Quy định số 124-QĐ/TW; một số đơn vị chưa thực sự chủ động, mạnh dạn, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, còn có sự nể nang, ngại va chạm; chưa nghiên cứu sâu, nắm chắc, các chính sách liên quan đến nội dung giám sát nên hiệu quả mang lại không cao; thiếu bám sát và kiến nghị đến cùng các vấn đề, các kết luận sau giám sát làm cho hoạt động giám sát của Hội phụ nữ còn hình thức, chưa phát huy đầy đủ tác dụng.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giám sát trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ trong tỉnh cần quan tâm thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực cán bộ Hội: tăng cường các chuyên đề tập huấn về công tác giám sát và những văn bản, quy định pháp luật có liên quan nhằm nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn về pháp luật và giới, kỹ năng nghiên cứu phát hiện vấn đề, bản lĩnh chính trị…cho đội ngũ cán bộ Hội tham mưu thực hiện giám sát.

Thứ hai, bám  sát  định  hướng của  Trung  ương. Nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của Hội, yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như vấn đề xã hội, hội viên phụ nữ quan tâm để chọn nội dung giám sát phù hợp từng năm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Thứ ba, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trong hoạt động giám sát: việc tổ chức, thành lập các đoàn giám sát chuyên đề cần có sự tham gia của các ban, ngành liên quan nhằm giúp cho việc nhìn nhận, phát hiện các vấn đề qua quá trình giám sát khách quan, thực chất và có tính chuyên môn sâu.

Thứ tư, tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác giám sát: bám sát các định hướng của Quyết định 217-QĐ/TW để phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác giám sát của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ, nhất là cấp huyện, cấp xã. Hàng năm, Hội xây dựng kế hoạch dự kiến giám sát gửi về cấp ủy (thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp), đề xuất cấp ủy quan tâm chỉ đạo sâu sắc những nội dung giám sát phù hợp, có thông báo bằng văn bản cho cấp ủy, chính quyền địa phương để phối hợp thực hiện.

Thứ năm, bám nắm đề xuất, kiến nghị sau giám sát: kiên trì theo đuổi đến cùng các yêu cầu, đề xuất và kiến nghị sau hoạt động giám sát để hoạt động giám sát của tổ chức Hội LHPN được thực thi, hiệu quả, đóng góp vai trò quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Như vậy, hoạt động giám sát của Hội mới đảm bảo yêu cầu đặt ra./.

Phạm Thị Len

Hội Liên hiệp phụ nữ  tỉnh, 21 Trường Chinh, tp.BMT

Một số giải pháp để các cấp Hội phụ nữ thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây được xem là chủ trương lớn, mang tính đột phá nhằm hiện thực hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đồng thời cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội, là điều kiện để nâng cao vai trò, vị thế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có vai trò, vị thế hết sức quan trọng của Hội LHPN các cấp.

Thực tế những năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tham gia vào các ban, hội đồng tư vấn của địa phương; đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo luật, tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, vai trò phản biện xã hội trong việc tham gia, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức các đợt giám sát chuyên đề, qua đó phát hiện và kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết một số vụ vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; phối hợp với các cơ quan tham gia nhiều hoạt động giám sát khác; phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ; cử cán bộ Hội tham gia các tổ hòa giải, góp phần hòa giải thành công nhiều vụ việc…

Tuy nhiên nhìn vào thực tế, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội chưa đạt nhiều kết quả. Việc xác định nội dung, hình thức giám sát còn lúng túng; công tác giám sát và phản biện chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu thực hiện các giám sát chuyên đề trong hệ thống Hội và phần lớn dừng lại ở việc tham gia góp ý vào các dự thảo luật khi các cơ quan liên quan yêu cầu. Đội ngũ cán bộ Hội đảm nhiệm nhiệm vụ này còn thiếu; không được đào tạo bài bản, nhất là cấp huyện, cơ sở. Nhiều cán bộ Hội năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề trong quá trình giám sát và phản biện còn hạn chế. Kinh phí, điều kiện thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức…

          Từ thực trạng nêu trên, thiết nghĩ để hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Hội LHPN các cấp trong tỉnh thực sự phát huy hiệu quả và tổ chức thực hiện đúng tinh thần Quy chế, đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân và đề cao tính dân chủ, xin nêu một số giải pháp để các cấp Hội nghiên cứu:

          Một là, cần tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nội dung của Quy chế giám sát và phản biện xã hội từ Trung ương đến các các cơ sở Hội nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ trong việc phát huy dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân

Hai là, có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của Trung ương Hội, của tỉnh về kế hoạch triển khai, quy trình thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội để có sự thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Ba là, cần bố trí, lựa chọn những cán bộ Hội có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đối với xã hội, có uy tín cao trong cộng đồng; đồng thời thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho cán bộ phụ trách công tác này để có đủ trình độ, năng lực đưa ra các ý kiến giám sát, phản biện có sức thuyết phục.

Bốn là, hàng năm các cấp Hội cần chủ động lựa chọn những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ và đại đa số các tầng lớp nhân dân để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội.

Năm là, cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có đầy đủ thông tin kịp thời, chính xác làm căn cứ để thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng các quy định hướng dẫn. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát và phản biện các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

                                                                                      Lê Na