Ngũ hổ tướng là ai

Dưới trướng Lưu Bị có ngũ hổ tướng, còn gọi là ngũ hổ thượng tướng, họ chính là tiền tướng quân Quan Vũ, hữu tướng quân Trương Phi, tả tướng quân Mã Siêu, hậu tướng quân Hoàng Trung, dực tướng quân Triệu Vân…

Khi Trần Thọ biên soạn “Tam Quốc Chí” đã đem các tướng lĩnh của Thục Hán gồm năm người: Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung và Triệu Vân hợp thành một truyện (Tam Quốc Chí Thục Thư Quan Trương Mã Hoàng Triệu truyện), sau này “Tam Quốc Chí bình thoại”, “Tam Quốc Diễn Nghĩa” gọi chung năm người này là ngũ hổ thượng tướng.

1. Dực tướng quân Triệu Vân

Triệu Vân (?-229), tự Tử Long, người Thường Sơn, Chân Định (nay thuộc Chính Định, Hà Bắc). Ông là một vị nguyên lão phục vụ hai triều đại duy nhất trong ngũ hổ tướng. Năm 200, sau khi Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại đã đến nhờ cậy Viên Thiệu, Triệu Vân và Lưu Bị quen biết tại Nghiệp Thành, tình cảm giữa họ tốt đến nỗi có thểngủ chung một chiếc giường, trong thời gian đó Lưu Bị bí mật sai Triệu Vân chiêu mộ mấy trăm binh sĩ, tuyên bố với bên ngoài rằng mình là binh sĩ của tả tướng quân Lưu Bị, từ đó Triệu Vân đi theo Lưu Bị.

Ngũ hổ tướng là ai
Dực tướng quân Triệu Vân (Hình ảnh: hội họa nhà Thanh)

Năm 208, Tào Tháo phái đại quân công đánh phía nam một lần nữa. Lưu Bị trở tay không kịp, dẫn theo quân lính bỏ chạy về Giang Lăng, Tào Tháo liền phái khinh kỵ binh đuổi theo, trong vòng một ngày đuổi theo được ba trăm dặm, cuối cùng khi đuổi đến gần dốc Trường Bản, Đương Dương, quân Tào đã đuổi kịp Lưu Bị. Lưu Bị bỏ lại vợ con, chỉ dẫn theo mấy chục kỵ binh chạy về phía nam. Khi đó có người nói với Lưu Bị, Triệu Vân đã chạy về phía bắc đầu quân cho Tào Tháo rồi. Lưu Bị nghe xong liền dùng cây kích trên tay đánh kẻ mách lẻo và nói rằng: “Tử Long sẽ không bỏ ta mà đi”. Không lâu sau, Triệu Vân quả nhiên ôm đứa con nhỏ của Lưu Bị là Lưu Thiền trên tay, bảo vệ Cam phu nhân của Lưu Bị an toàn quay về bên cạnh ông. Sau đó, Lưu Bị liền phong cho Triệu Vân làm nha môn tướng quân.

Triệu Vân còn tham dự vào lần bắc phạt đầu tiên của Gia Cát Lượng, vì thất thế nên tự thỉnh cầu giáng xuống làm trấn quân tướng quân. Năm thứ hai, tức năm 229, Triệu Vân chết vì bệnh. Sử sách không ghi chép tuổi tác của Triệu Vân, dựa theo suy đoán cho thấy, ông thọ khoảng hơn 60 tuổi, chưa đến 70 tuổi. Triệu Vân đi theo Lưu bị từ năm 200 cho đến năm 229 qua đời, tổng cộng trải qua 29 năm.

Triệu Vân bệnh chết, hai người con trai của ông gồm con trưởng Triệu Thống, con thứ Triệu Quảng đến báo tang với Gia Cát Lượng, nói rõ Triệu Vân đã bệnh chết, Triệu Vân là người qua đời cuối cùng trong ngũ hổ tướng.

2. Tả tướng quân Mã Siêu

Mã Siêu (176-222), tự Mạnh Khởi, là người Phù Phong, Mậu Lăng (nay thuộc Hưng Bình, Thiểm Tây). Là con trai trưởng của Mã Đằng, là người dũng mãnh giỏi võ nhất trong số các anh em.

Năm 202, khi Tào Tháo và Viên Thiệu giao chiến, Mã Đằng từng phái Mã Siêu làm Đốc quân tòng sự của Tư lệ hiệu úy Chung Dao, đến Bình Dương thảo phạt tướng lĩnh Quách Viện và Cao Hàn của Viên Thiệu. Trong lúc chiến đấu, Mã Siêu bị trúng tên ở chân, nhưng vẫn công phá được địch quân, Bàng Đức, một bộ hạ dưới tay Mã Siêu đã chém chết Quách Viện, Mã Siêu vì lập được công nên được phong làm thứ sử Từ Châu, nhưng Mã Siêu chưa từng lên nhậm chức.

Ngũ hổ tướng là ai
Tả tướng quân Mã Siêu. (Hình ảnh: Hội họa nhà Thanh).

Khi Tào Tháo lên nhậm chức Thừa tướng, từng muốn triệu Mã Siêu vào kinh, phong làm gián nghị đại phu, nhưng Mã Siêu không nhận lời. Sau này Mã Siêu ở lại giữ Lương Châu, được phong làm Thiên tướng quân, Đô đình hầu, dẫn dắt đội quân của cha mình.

Năm 214, Mã Siêu cho rằng không thể cùng Trương Lỗ mưu tính đại sự trong thiên hạ, lúc này Lưu Bị đang bao vây Lưu Chương tại kinh đô, Lưu Bị bí mật phái Lý Khôi, Bành Dạng đi sứ Hán Trung để tiếp cận Mã Siêu, thế là Mã Siêu viết mật thư cho Lưu Bị xin đầu hàng, Lưu Bị vô cùng vui mừng, tin tức Mã Siêu đầu hàng Lưu Bị khiến ai nấy trong kinh đô đều kinh ngạc, không lâu sau đã mở cổng thành đầu hàng. Sau khi Lưu Bị thành công chiếm cứ Ích Châu, phong cho Mã Siêu làm Bình Tây tướng quân, đóng quân tại Lâm Thư, phong làm Tiền đô đình hầu.

Năm 221 Lưu Bị xưng đế, Mã Siêu được lên làm Phiêu kỵ tướng quân, làm Lương Châu Mục, tiếp đến được phong làm Uy hương hầu. Năm 222, khi Lưu Bị phát động trận chiến Di Lăng, Mã Siêu vẫn còn đang trấn thủ tại Hán Trung, sau khi Lưu Bị bại trận tại tiền tuyến Di Lăng không bao lâu thì Mã Siêu bị bệnh nặng, ông qua đời vì bệnh vào tháng 12 năm đó, hưởng thọ 47 tuổi.

3. Hậu tướng quân Hoàng Trung

Hoàng Trung (?-220), tự Hán Thăng, người Nam Dương, Hình Châu (nay thuộc Nam Dương, tỉnh Hà Nam). Tên của ông xuất hiện trong sử sách lần đầu tiên vào năm 192, khi đó Hoàng Trung là Trung lang tướng dưới trướng của Lưu Biểu, đi theo cháu trai của Lưu Biểu là Lưu Bàn đóng quân tại Du huyện Trường Sa (nay thuộc Du Huyện, Hồ Nam), chống lại cuộc tấn công của Đông Ngô – Thái sử từ. Năm 209, Hoàng Trung theo Thái tử Trường Sa là Hàn Huyền đầu hàng Lưu Bị.

Ngũ hổ tướng là ai
Hậu tướng quân Hoàng Trung. (Hình ảnh: Hội họa nhà Thanh)

Năm 219, khi Lưu Bị tấn công Hán Trung, Hoàng Trung trong chiến dịch tại núi Định Quân, nhân lúc đang có uy thế, đánh trống reo hò tấn công kẻ địch, chém chết đại tướng Hạ Hầu Uyên, Triệu Ngang của Tào Tháo, được phong làm Trừng Tây tướng quân. Cùng năm đó, Lưu Bị xưng Hán Trung Vương, phong cho Hoàng Trung làm hậu tướng quân, ban tặng quan nội hầu.

Tháng 8 năm 220, Hoàng Trung bệnh chết, khi chết không rõ tuổi tác. Tháng 9 năm 260 (năm Cảnh Diệu thứ ba), hậu chủ Lưu Thiền truy tặng Hoàng Trung tước Cương hầu.

4. Hữu tướng quân Trương Phi

Trương Phi (167-221), tự Ích Đức, “Tam Quốc Diễn Nghĩa” sửa thành Dực Đức, người quận Trác, U Châu (nay thuộc quận Trác, Hà Bắc). Năm 184, Trương Phi cùng Quan Vũ tại Trác quận đi theo Lưu Bị khởi binh. Chuyện nổi tiếng nhất của Trương Phi chính là chặt cầu đẩy lùi kẻ địch tại dốc Trường Bản. Khi đó Tào Thuần thống lĩnh năm ngàn kỵ binh tinh nhuệ đuổi kịp Lưu Bị tại dốc Trường Bản, Đương Dương, Lưu Bị và Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân cùng mấy chục kỵ binh bỏ chạy. Trương phi phụng mệnh dẫn theo hai mươi kỵ binh cắt đuôi phía sau, Triệu Vân thì bảo vệ Cam phu nhân và A Đẩu nên đi chậm. Trương Phi đứng trên bờ chặt cầu, trợn mắt hung hăng, hô lớn: “Ta là Trương Ích Đức đây, các ngươi có thể qua đây quyết một trận tử chiến!” Truy binh không ai dám đến gần.

Lưu Bị xưng đế vào tháng 5 năm 221, thành lập Thục Hán. Vì để báo thù cho Quan Vũ, trải qua sự chuẩn bị trong hơn một năm, Lưu Bị đưa binh đi thảo phạt Đông Ngô, và hẹn ước sẽ tập hợp với Trương Phi tại Giang Châu, kết quả trước khi Trương Phi xuất phát đã bị thuộc hạ của mình là Trương Đạt, Phạm Cưỡng giết chết, sau khi hai người bọn họ giết chết Trương Phi, còn chặt đầu của Trương Phi xuống, ngồi thuyền chạy khỏi Ích Châu, chạy đi đầu quân cho Đông Ngô.

Ngũ hổ tướng là ai
(Hữu tướng quân Trương Phi (Hình ảnh: Hội họa nhà Thanh)

Theo như sử sách ghi chép, Trương Phi đối đãi với các nhân sĩ quân tử thì vô cùng khách sáo, nhưng đối đãi với thuộc hạ của mình thì vô cùng tàn bạo, thường xuyên dùng dây thừng đánh các binh sĩ thuộc hạ của mình, Lưu Bị thường xuyên nhắc nhở Trương Phi không nên làm như vậy, nhưng Trương Phi không nghe. Có thể Trương Đạt và Phạm Cường đã chịu sự ngược đãi của Trương Phi, vì tức giận mà giết Trương Phi trả thù, sau đó mới đi dựa dẫm Đông Ngô, thật đáng thương cho Trương Phi, mãnh tướng một đời mà lại chết dưới tay thuộc hạ của mình như vậy, ông hưởng thọ 56 tuổi.

5. Tiền tướng quân Quan Vũ

Quan Vũ (?-220), tự Vân Trường, tên gọi khác là Trường Sinh, người Hà Đông, Giải Châu (Vận Thành, Sơn Tây). Quan Vũ khi còn trẻ vì giết người mà phải chạy trốn khỏi quê nhà, lưu lạc đến Trác quận để lánh nạn. Năm 184, Lưu Bị tụ tập người dân trong làng lại, tổ chức một đội nghĩa dũng quân để bảo vệ dân làng tránh khỏi sự cướp bóc của đội quân khăn vàng, Quan Vũ và Trương Phi cũng theo đó mà gia nhập.

Sau khi Quan Vũ thất bại trong trận Tương Dương – Phàn Thành, bỏ chạy về Mạch Thành, những binh lính đi theo càng lúc càng ít, Quan Vũ dẫn theo con trai trưởng của mình là Quan Bình cùng mười mấy tùy tùng đột phá vòng vây theo hướng đi Thượng Dong, vì các con đường đi đến Ích Châu đều bị quân Đông Ngô phong tỏa, quân Đông Ngô đã đánh đến vùng Vu Sơn và Tỷ Quy quá biên giới Thục Hán, Quan Vũ quay về Ích Châu đã là điều không thể nữa rồi, chỉ có thể đột phá vòng vây đi đến ba quận ở Thượng Dong do Lưu Phong và Mạnh Đạt chiếm cứ, kết quả vẫn đi vào cái bẫy bao vây do quân Đông Ngô thiết lập, ở gần Lâm Thư (nay thuộc Viễn An, Hồ Bắc), Quan Vũ cùng con trai trưởng là Quan Bình và các tùy tùng bị Mã Trung bắt sống, sau đó Mã Trung đưa Quan Vũ đến trước mặt Tôn Quyền, Tôn Quyền nghe xong những lời của chủ bạc Tả Hàm, liền hạ lệnh chém đầu Quan Vũ. Còn chính sử ghi chép rằng: sau khi Quan Vũ bị bắt liền bị chém đầu ngay lúc đó, chính sử và dã sử có khác nhau đôi chút, danh tướng một đời như Quan Vũ đã chết dưới tay quân địch như vậy, hưởng thọ 60 tuổi.

Sau khi Quan Vũ chết, Tôn Quyền đem thủ cấp của Quan Vũ tặng cho Tào Tháo, Tào Tháo an táng Quan Vũ tại Lạc Dương theo lễ nghi của chư hầu, thông thường đều cho rằng mộ Quan Vũ tại thôn Quan Trang mới là nơi mai táng đầu của Quan Vũ. Tôn Quyền đem xác của Quan Vũ an táng tại Đương Dương theo lễ nghi chư hầu, tức Quan Lăng, còn gọi là Đương Dương Đại Vương Trùng. Chính quyền Thục Hán thì xây y quán trùng (nơi chôn cất quần áo hoặc vật dụng của người chết để tưởng niệm) cho Quan Vũ tại kinh đô, tức mộ Quan Vũ tại kinh đô, và gọi hồn bái tế. Sau này, tại quê hương Vận Thành, Giải Châu của Quan Vũ có xây miếu Quan Đế, gọi là Giải Châu Quan Đế Miếu được cho rằng là nơi mà hồn phách của Quan Vũ quay về. Vì vậy dân gian còn gọi Quan Vũ là “đầu gối ở Lạc Dương, thần nằm ở Đương Dương, hồn quay về quê hương – hoặc hồn quay về cố hương, hồn quay về Sơn Tây”.

Ba mãnh tướng trong ngũ hổ tướng đều chết vì bệnh, còn Trương Phi và Quan Vũ, một người bị thuộc hạ giết chết, một người bị quân địch chém đầu. Họ cũng là hai võ tướng trong kết nghĩa đào viên, kết cục của họ thật khiến người ta chua xót. Cả đời họ đều thể hiện tấm lòng của bậc nghĩa sĩ, sống có tình có nghĩa, được người đời sau tôn kính. Nhưng Lưu Bị và Trương Phi vì nóng lòng báo thù cho Quan Vũ, dùng hết toàn bộ sức mạnh của Thục Hán để tấn công Đông Ngô, kết quả không chỉ làm mất binh lực của nước Thục mà Trương Phi cũng bị mất mạng. Nếu như họ có thể giữ được đại nghĩa như lúc đầu, mà không xử sự theo tình cảm, thì có lẽ kết cục đã không như vậy rồi.

Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch

Có thể bạn quan tâm:

  • 8 sự kiện kỳ dị trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
  • 4 câu nói thương tâm nhất trong ‘Tam quốc diễn nghĩa’, người đời thổn thức không thôi
  • 3 anh hùng lưu danh sử sách trong ‘Tam Quốc Diễn Nghĩa’ đều chỉ nhờ một chữ này