Những hạn chế và thiệt thòi của nữ giới trong xã hội là gì

     Trong gia đình hay xã hội thì vị trí, vai trò của người phụ nữ là không thể phủ nhận, vị thế này đã từng được xác lập trong thời kỳ mẫu hệ. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về kinh tế, xã hội, vai trò của người đàn ông ngày được đề cao, vị trí người phụ nữ dần trở nên mờ nhạt và bị bó buộc bởi hàng rào tập tục, lễ nghi, tôn giáo. Một trong những rào cản chính là sự tồn tại về định kiến giới đối với người phụ nữ.

Điều 5, Luật Bình đẳng giới 2006 nêu rõ: “Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ” [1]

      - Định kiến giới và sự thiệt thòi đối với người phụ nữ

     Trong xã hội phong kiến, từ tư tưởng “Nam tôn, nữ ti” dẫn đến thân phận phụ nữ vô cùng thấp kém, sự tồn tại của họ gần như vô nghĩa “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, mọi giá trị, nhân sinh quan của người phụ nữ bị bó buộc trong “tam tòng, tứ đức”, họ không được học hành, không được tham gia bàn bạc, quyết định mọi việc từ lớn đến nhỏ, không có quyền tự chủ đối với cuộc đời mình chưa nói đến việc nhà, việc nước.

     Trong xã hội hiện nay, định kiến về giới vẫn còn hiện hữu rất rõ bởi nó đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người, biểu hiện:

+ Gắn phụ nữ với vai trò gia đình. Sự bó buộc của quan niệm "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", “nữ công gia chánh”, coi việc nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái là thiên chức của phụ nữ… làm cho cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh trong nhà, bị hạn chế trên con đường học tập, lao động, phấn đấu và vươn lên trong sự nghiệp, giảm sự đóng góp về sức lực và trí tuệ cho xã hội.

+ Tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Mặc định nam giới có vai trò quan trọng hơn phụ nữ, là trụ cột, quyết định các việc lớn còn phụ nữ là yếu đuối, thụ động, phụ thuộc; quan niệm không sinh được con trai là bất hiếu; không có người nối dõi bị xem là tuyệt tự… không chỉ bất công đối với người phụ nữ mà còn dẫn đến mất cân bằng giới tính, tạo nên bạo lực, suy giảm hạnh phúc gia đình. Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019: Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng, bạn tình gây ra trong đời, 90,4% không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền [2]. Bạo lực gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần người phụ nữ.

+ Phủ nhận trí tuệ, khả năng lãnh đạo của người phụ nữ. Dù trong khu vực công, doanh nghiệp hay chính trị, vị trí lãnh đạo luôn được coi là chức năng của nam giới, tỷ lệ nữ tham gia vị trí cao còn hạn chế: đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng nữ giới chiếm 30,26%, cao nhất từ trước đến nay [3], nhưng vẫn không thỏa mãn so với tỷ lệ 50:50 giữa nam và nữ… Chính cách nhìn hẹp hòi, thiếu tin tưởng, khắt khe, thậm chí đố kị khi đánh giá khả năng và sự đóng góp của phụ nữ trong công việc làm cho nhiều người phụ nữ mất cơ hội thăng tiến.

+ Định kiến đến từ chính bản thân người phụ nữ. Người phụ nữ tự tạo ra định kiến đối với bản thân mình thông qua đức hy sinh, khiêm tốn, bao dung; tự ràng buộc bổn phận với chồng, con cái; sẵn sàng lùi bước cho nam giới; tâm lý an phận, bằng lòng với những gì đang có… Số liệu thống kê cho thấy, 1/3 phụ nữ ở Việt Nam ủng hộ nam giới phải là người ra quyết định và là chủ gia đình [4]. Tâm lý tích tụ, chấp nhận đó làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ, kể cả ở nữ trí thức.

Những định kiến, tác động của khuôn mẫu giới trên làm cho người phụ nữ phải đối mặt với nhiều áp lực về tinh thần, vật chất; giảm cơ hội, sở thích và ngăn cản họ cống hiến sức lực của mình một cách bình đẳng như nam giới.

      - Quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện bình đẳng giới, phát huy quyền và nghĩa vụ của người phụ nữ

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa” [5]. Thực hiện tư tưởng của Bác nhằm bảo vệ quyền lợi và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được triển khai. Ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về  uĐổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới", tiếp đó có Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nuớc”, ngày 27/4/2007. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.” [6].

Các quyền cơ bản của phụ nữ đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội Bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” [7]. Luật Bình đẳng giới 2006 khẳng định: “Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình” [8]. Bộ luật lao động 2019 dành riêng chương X quy định đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới. Bộ luật hình sự 2015, Luật Dân sự năm 2015, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014… có nhiều bổ sung, sửa đổi liên quan đến bảo vệ quyền của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ có cuộc sống tốt đẹp, cơ hội khẳng định mình trong cuộc sống.

Được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới 2011-2020, đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam vì sự tiến bộ và công bằng, nhất là đối với người phụ nữ.

      - Giải pháp xóa bỏ định kiến giới, bảo vệ quyền lợi và vì sự tiến bộ của người phụ nữ Việt Nam

Hướng tới ngày Quốc tế Phụ nữ 2022 với chủ đề “Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững”, ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, xây dựng mô hình người phụ nữ hiện đại, đồng thời triển khai, thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ một số vấn đề sau:

+ Một là: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Cơ chế, chính sách cần hướng tới bảo vệ người phụ nữ trên các lĩnh vực, phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ như: tạo điều kiện cho phụ nữ có quyền làm việc và tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp mong muốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh, có tiếng nói trong gia đình, phát huy khả năng, có cơ hội để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển…

+ Hai là: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, định kiến giới, về vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. 

Chú trọng tuyên truyền khẳng định vai trò, trí tuệ của hai giới là như nhau, làm cho cộng đồng thừa nhận nam hoặc nữ đều có thể làm bất cứ công việc gì phù hợp với khả năng, đáp ứng nhu cầu của xã hội; mặt khác cũng thừa nhận sự khác biệt về giới tính để đưa phụ nữ vào đúng vị trí, làm tốt chức năng của mình.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền: truyền thông, tờ rơi, vận động trực tiếp, gián tiếp; đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học, khuyến khích các môn học kỹ năng xã hội, kỹ năng gia đình để hiểu hơn về giới, về định kiến giới từ sớm.

+ Ba là: Thay đổi tư duy của cả hai giới nam và nữ

Nên nhìn nhận một số khuôn mẫu, tiêu chuẩn theo góc độ khác như: quan niệm phụ nữ “đảm đang" trong thời đại cũ thường gắn với việc nhà, trong bếp thì trong thời đại mới cần được hiểu là sự năng động, tự tin trong cả gia đình và xã hội. Khuôn mẫu về vai trò trách nhiệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", "đàn ông là trụ cột" cần thay đổi khi xã hội hiện nay có không ít người phụ nữ tài giỏi, làm chủ gia đình…

Mỗi người phụ nữ cần tự phải thoát ra khỏi định kiến, trói buộc để khẳng định mình; thể hiện, phát huy tài năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bác đã dặn: “Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” [9]. Phải luôn biết yêu thương và tự bảo vệ bản thân. Bác từng nói “ Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh” [10] . Hiện đại, tự tin, độc lập và yêu thương bản thân chính là “chuẩn mực” mới mà người phụ nữ cần hướng đến trong thời đại công nghệ số ngày càng tân tiến hiện nay.

+ Bốn là: Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Nâng cao trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, Hội đồng dân tộc, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, người dân trong giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, công khai các hành vi phân biệt đối xử về giới.

Giải phóng người phụ nữ khỏi định kiến xã hội và bản thân là việc không dễ, đòi hỏi có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, từ thay đổi nhận thức, hoạch định chính sách cho đến tổ chức thực hiện; trong đó, bản thân người phụ nữ là một mắt xích quan trọng. Người phụ nữ Việt Nam cần có sự kết hợp hài hòa chức năng xã hội và gia đình, không ngừng vươn lên hoàn thiện bản thân giành lấy “quyền bình đẳng”, khẳng định giá trị cho chính mình, xứng đáng với danh hiệu " Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, với 8 chữ vàng mà Hồ Chủ tịch đã ưu ái đề tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội: Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11, ngày 29/11/2006

2. Quốc hội: Hiến pháp năm 2013, ngày 28/11/2013

3. ĐCS Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tlđd , t. I, tr. 169

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t3, tr. 523

5. Hồ Chí Minh: Bài nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III ngày 9/3/1961

6. Hồ Chí Minh: Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10/10/1959

7. Chính phủ: Nghị quyết 28/NQ-CP về việc ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, ngày 03/3/2021

8. Hội đồng bầu cử quốc gia: Nghị quyết số 748/NQ-HĐBCQG Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, 10/6/2021

9. Hội nghị công bố kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ Việt Nam năm 2019, 14/7/2020

.

 

[1]  Quốc hội: Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11, ngày 29/11/2006, Khoản 4, Điều 5

[2]  Hội nghị công bố kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ Việt Nam năm 2019, 14/7/2020

[3]  Hội đồng bầu cử quốc gia: Nghị quyết số 748/NQ-HĐBCQG Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, 10/6/2021

[5]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t3, tr. 523

[6]  ĐCS Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tlđd , t. I, tr. 169

[7]  Quốc hội: Hiến pháp năm 2013, ngày 28/11/2013, Điều 26

[8]  Quốc hội: Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11, ngày 29/11/2006, Khoản 1, Điều 6

[9]  Hồ Chí Minh: Bài nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III ngày 9/3/1961

[10]  Hồ Chí Minh: Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10/10/1959