Phân biệt đối xử ngoại hình tiếng anh là gì

Trên nền tảng xã hội học, phân biệt đối xử là hành vi loại trừ, gây bất lợi, hoặc phân biệt đơn thuần giữa các cá nhân hoặc các nhóm cá nhân, trên cơ sở một số đặc điểm được nhận biết hay những quy kết được người khác gán cho họ. [1]

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, thông qua bởi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, khẳng định: “Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản Tuyên Ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác.” [2]

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta đều giống nhau về bất cứ khía cạnh nào – bình đẳng, trong trường hợp này, theo Alexander Berkman, “… không có nghĩa là mọi người đều nhận được một số lượng bằng nhau, mà là mọi người đều có cùng cơ hội bình đẳng… […] Điều này không có nghĩa là tất cả mọi người phải ăn, uống, mặc những thứ giống nhau, làm cùng một công việc, hoặc có chung một phong cách sống. Thực tế hoàn toàn ngược lại. […] bình đẳng cơ hội mở ra cánh cửa vĩ đại nhất cho sự đa dạng hoạt động và phát triển. Bởi bản chất con người vốn vô cùng phong phú.” [3]

Như vậy, rõ ràng là mỗi người trong chúng ta đều nên có cơ hội bình đẳng để phát triển. Vậy tại sao chúng ta lại đối xử với chính đồng loại của mình một cách phiến diện và bất công như thế?

Những khuôn mẫu (stereotypes) là câu trả lời.

Trong tâm lý học xã hội, một khuôn mẫu (stereotype) là một đánh giá được chấp nhận và lan truyền về các sự vật, sự việc, và hiện tượng khác nhau, và có thể có hoặc không phản ánh chính xác thực tế. Trong tiếng Anh, “stereotype” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: στερεός (stereos), “vững chắc”; và τύπος (typos), “ấn tượng”; do đó có thể dịch “stereotypes” là “khuôn mẫu”, hoặc theo nghĩa đen là “ấn tượng vững vàng”. [4]

Vậy, điều gì làm nên một ấn tượng đầu vững chắc? Bạn đoán đúng rồi đấy: ngoại hình con người. Căn cứ vào ngoại hình của những người khác, tâm trí chúng ta sẽ theo bản năng phân loại và nhanh chóng thiết lập các giả định về họ, đặt họ vào các nhóm đặc điểm nhất định, chẳng hạn như nhân hậu, rộng lượng, thông minh, hoặc thiếu khôn ngoan, ích kỷ, và thô lỗ. Tất cả những điều này, chỉ trong một cái liếc mắt thoáng qua. Nhưng bạn không cần phải là một nhà tâm lý học để nói rằng mỗi một người trong chúng ta là khác nhau, và các nhóm phân loại như trên không bao giờ có thể mô tả đầy đủ con người của bất kỳ cá nhân nào trên thế giới. Thế nhưng chúng vẫn quyết định cách ta sẽ đối xử với họ: chúng ta phán xét và phân biệt đối xử với mỗi người chỉ trong một cái chớp mắt.

Nếu chúng ta có thể ngăn chặn việc đánh giá người khác chỉ qua ngoại hình của họ thì phân biệt đối xử ngoại hình dường như sẽ không còn là một vấn đề nữa. Thế nhưng những hành động đánh giá và hình thành khuôn mẫu ấy lại đều được ẩn sâu bên trong tiềm thức con người, và chúng ta cứ liên tục và vô thức thực hiện theo mà hoàn toàn không nhận ra bất kỳ dấu hiệu nhỏ nhất nào của chúng. Đây là một tập hợp phức tạp, hình thành lâu dài, và phải nói là phần nào đáng tin cậy các tổ hợp khuôn mẫu được phát triển bởi toàn thể xã hội, và đã bắt rễ sâu bên trong tâm trí chúng ta ngay từ giây phút chúng ta ra đời. Nói cho cùng, khuôn mẫu cũng có một mức độ chính xác và đáng tin cậy của riêng chúng.

Sự tiến hóa đã ban cho mỗi người trong chúng ta một hệ thống nhanh chóng, thuận tiện nhưng cũng là một con dao hai lưỡi để đánh giá mỗi con người. Nếu chúng ta làm theo hệ thống này, sai lầm trong việc đánh giá người khác chắc chắn sẽ xảy ra, và những người chịu phân biệt đối xử sẽ dưới tác động của chúng mà dần mất niềm tin và tự cô lập mình khỏi cộng đồng và mọi người xung quanh họ. Hậu quả của những sai lầm đó quả thật không nhỏ chút nào. Tuy nhiên, mù quáng bỏ qua hệ thống này, không đưa ra bất kỳ nhận định nào, và bạn sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống xã hội. Những hiểu lầm và giả định sai sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện, chỉ để khiến cho bạn thêm rắc rối.

Bí quyết là không chỉ nhìn, mà hãy lắng nghe và cảm nhận những gì mọi người xung quanh đang cố gắng thể hiện. Tôn trọng họ bởi họ là những cá thể: không ai trong chúng ta là như nhau, nhưng tất cả chúng ta đều có quyền được tự do thể hiện bản thân và chia sẻ kinh nghiệm của mình; được lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông từ người khác. Đó mới chính là vẻ đẹp của thế giới mà chúng ta đang sống: 7 tỷ người trong chúng ta, tất cả đều có những câu chuyện đẹp đẽ và kỳ diệu của riêng của mình.

[1] Kohler-Hausmann, Issa (27/11/2011) “Discrimination” [“http://www.oxfordbibliographies.com/view/document/obo-9780199756384/obo-9780199756384-0013.xml“], oxfordbibliographies.com

[2] “Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền” [“https://vi.wikipedia.org/wiki/Tuy%C3%AAn_ng%C3%B4n_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF_Nh%C3%A2n_quy%E1%BB%81n“]

[3] Trích từ cuốn “Anarchist Pedagogies: Collective Actions, Theories, and Critical Reflections on Education” (Tạm dịch: Triết lý Sư phạm Vô Chính phủ: Hành động Tập thể, Lý thuyết, và những Đánh giá Quan trọng về Giáo Dục)