Cảm nhận của em về ngành xây dựng

Tôi là con gái của một ông bố làm nghề xây dựng. Nghề mà gắn liền với gạch, đá, xi măng khô cứng và nặng nhọc trong suy nghĩ của hầu hết mọi người. Tôi viết về nghề của bố không phải vì nghề này cũng trở thành niềm đam mê của tôi, mà bởi vì sự tâm huyết với nghề, cách làm việc và cách bố tôi yêu nghề, yêu công việc của mình. Chính những điều đó đã trở thành nguồn năng lượng tích cực và có sự ảnh hưởng một phần không nhỏ tới phong cách làm việc của tôi. Và với bài viết này, tôi muốn chia sẻ với các bạn về những phẩm chất lao động tôi học đường từ chính người bố thân yêu của mình!

Với nghề xây dựng sự chính xác là vô cùng quan trọng!

Từ nhỏ, rất nhiều lần tôi thấy bố dành hàng giờ để nghiên cứu các bản thiết kế xây dựng. Trong ấn tượng của tôi, bản vẽ xây dựng giống một cuốn sách to và khá nhiều trang. Mỗi lần thấy bố làm việc tôi đều tò mò và nhìn xem bố làm gì, trong con mắt của một đứa trẻ lúc đó thứ mà tôi thấy trên những trang giấy to đó là rất nhiều hình vuông, hình chữ nhật, những mũi tên và hàng loạt con số.

Khi đó, đương nhiên là tôi hoàn toàn không tưởng tưởng ra một ngôi nhà sẽ trông như thế nào từ bản vẽ đó cả. Nhưng với một người làm nghề xây dựng như bố, những bản vẽ như vậy là bước đầu tiên hết sức quan trọng. Bố luôn xem xét kỹ càng từng thông số kỹ thuật trên bản vẽ, tính toán và đánh giá thiết kế như vậy đã phù hợp, chính xác hay chưa. Bởi vì, bố từng nói: “Sửa trên giấy thì dễ chứ thi công rồi mới phát hiện ra sai sót thì khó sửa chữa hơn nhiều.”

Và đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn nhớ phương châm làm việc của bố: “Làm đúng ngay từ đầu.”

Nghề xây dựng không dành cho những người thiếu kiên nhẫn!

Trong xây dựng, những người làm nghề giống như bố tôi hầu hết đều từng trải qua những lần bị thúc giục đẩy nhanh tiến độ công trình. Vì vậy, áp lực đảm bảo tiến độ thi công luôn là một trong số những vấn đề thường gặp mà người làm nghề xây dựng phải giải quyết.

Tùy thuộc vào quy mô của công trình mà người làm nghề như bố tôi phải có những giải pháp xử lý vấn đề bằng nhiều cách khác nhau vừa để làm hài lòng người chủ ngôi nhà, vừa đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, có một điều mà tôi luôn thấy ở bố đó là sự kiên nhẫn, không vì bị thúc giục mà trở nên vội vàng, làm ẩu. Một ví dụ đơn giản là với bố tôi, không có lý do gì để rút ngắn thời gian để một bức tường sau khi xây dựng phải thật khô trước khi quét lên lớp sơn hoàn thiện.

Giữ thái độ bình tĩnh, lắng nghe và kiên nhẫn tư vấn những vấn đề kỹ thuật một cách dễ hiểu nhất để người chủ căn nhà hiểu rằng cần có thời gian nhất định thì ngôi nhà mới bền vững theo năm tháng.

Đảm bảo An toàn và Chất lượng là chính là thước đo tay nghề!

Xây dựng được coi là một nghề nguy hiểm, khi người làm nghề luôn đối mặt với những rủi ro tai nạn nghề nghiệp. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi thấy bố có suy nghĩ bỏ nghề vì lo sợ những rủi ro đó cả.

Đối với bố chỉ cần đảm bảo và thực hiện được toàn bộ những quy tắc an toàn lao động thì những rủi ro kia sẽ không có cơ hội xuất hiện. Từ những quy tắc nhỏ nhất như là về trang phục lao động, đến những quy tắc về kỹ thuật thi công xây dựng đều phải chính xác. Một lần nữa sự chính xác trong công việc lại trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo cho sự an toàn lao động, bởi nếu chất lượng không đảm bảo chính bản thân người thợ xây dựng sẽ là người chịu rủi ro đầu tiên. Bố tôi đã chia sẻ rằng: “Một công trình đạt chất lượng không chỉ là sau khi hoàn thành được người chủ nhà ưng ý mà còn là sự an toàn cho toàn bộ đội thợ trong quá trình làm việc.”

Dù công việc của bố tôi theo đuổi không phải nghề gì quá to tát hay được nhiều người ngưỡng mộ, nhưng với riêng tôi nghề của bố vẫn luôn là một nghề “đáng nể”! Và tôi, hiện nay đang làm một công việc hoàn toàn khác nhưng những phẩm chất tôi học được từ bố là sự chính xác trong công việc, tính kiên nhẫn và coi trọng chất lượng hoàn thành công việc đã thực sự giúp ích cho tôi rất nhiều.

Minh Ngọc

1. “Em làm việc thật ra cũng không khác công nhân là mấy sếp ạ !”
Những kỹ sư xây dựng, đặc biệt là kỹ sư ở bộ phận giám sát thi công thì luôn phải bám sát công trình, hướng dẫn công nhân làm việc. Dĩ nhiên sếp biết và hiểu rất rõ tính chất của công việc này. Nhưng hi vọng sếp đừng nghĩ các kỹ sư chỉ cần đứng chỉ tay năm ngón vài đường cơ bản sau đó rút vào phòng máy lạnh hay chỗ ngồi râm mát, thoải mái. Thật ra kỹ sư cũng phải đứng hàng giờ dưới nắng nóng, chỉ tay việc tận tay, nhất là những giai đoạn mới, khâu mới của công trình. Chỉ còn thiếu nước xắn tay áo trộn bê tông hay bê đá nữa mà thôi. Gian khổ thì thật là khó kể hết. Bởi vậy đa số thí sinh thi vào các trường, khoa khối kỹ sư là con em tỉnh lẻ. Sẵn sàng chịu đựng vất vả mới theo được nghề ngày. Một anh kỹ sư xây dựng hóm hỉnh trả lời: “ Nhưng đã là kỹ sư xây dựng thì không ngại gian khổ, chỉ cần sếp và công ty trả lương thật hậu hĩnh là chúng em sẵn sàng theo nghề.”

2. Không hoạt bát và giỏi giao tiếp thì khó làm kỹ sư xây dựng.
Kỹ sư xây dựng đâu chỉ cần am hiểu kiến thức chuyên môn xây dựng cầu đường và dân dụng. Mỗi công trình lại cần liên quan từ nhiều phía, mỗi địa phương lại có truyền thống quản lý riêng. Phép vua thua lệ làng, không phải điều gì cũng có thể giải quyết bằng quy định văn bản hay luật pháp. Nhiều khi các kỹ sư cầu đường phải tự dùng mối quan hệ của mình để giải quyết các vấn đề phát sinh với các bên liên quan. Bởi vậy các tiền bối, những người giàu kinh nghiệm vẫn bảo không nhanh nhẹn, giỏi giao tiếp thì khó mà làm kỹ sư cầu đường.

3. Người khó lấy vợ, kẻ bị vợ dọa bỏ. Kỹ sư tư vấn thiết kế thì còn đỡ phần nào, còn kỹ sư giám sát thi công phải thường xuyên đi theo công trình. Và từ đó cũng có không ít lời đồn thổi, “nói xấu” anh em kỹ sư. Nhiều cô nàng chỉ cần nghe đến kỹ sư cầu đường đã lắc đầu từ chối. Bởi họ nói làm vợ kỹ sư xây dựng vất vả và “mạo hiểm” lắm.

Có anh thì suốt ngày bị vợ dọa bỏ vì nghi chồng thiếu trong sạch dù anh ta luôn cố gắng hết sức để giữ mình. Một mình vợ phải lo toan mọi thứ trong nhà nên luôn ấm ức và oán trách chồng. Lấy được vợ đã khó, lấy được vợ hiểu và thông cảm cho công việc này còn khó hơn bội phần. Bởi vậy anh em làm kỹ sư cầu đường mong ước các sếp, công ty có phương án bồi thường tổn thất về tinh thần. Dù là chút ít cũng bớt phần tủi thân. Để anh em có thể yên tâm hơn phấn đấu cho sự nghiệp, cống hiến cho công ty.

      Các bạn sinh viên thân mến, đối với tôi bài viết này như là sự sẻ chia tâm trạng của một  kỹ sư mà chỉ cách đây mấy tháng tôi cũng như các bạn cũng là sinh viên khoa xây dựng của mái trường mang tên Đại học Điện lực. Không phải là hình thức PR, không khoa trương và hào nhoáng, chỉ là cảm xúc bất chợt dâng lên khi nghĩ về quãng thời gian là sinh viên của mình tôi xin được chia sẻ với các bạn.

      Vậy là quãng đời sinh viên 5 năm ngắn ngủi của tôi cũng đã kết thúc, gần 5 năm học dưới mái trường Đại học Điện lực biết bao kỷ niệm thầy trò vui có, buồn có nhưng đọng lại trong trái tim tôi vẫn là những cảm xúc ấm áp của những năm tháng cùng sống, học tập và trưởng thành dưới mái trường thân yêu này. Khoảng thời gian ấy tuy không dài so với một đời người, nhưng cũng để in dấu vào lòng tôi những bài học sâu sắc và đáng quý.

      Cổng trường mở ra rồi khép lại, đón và đưa lớp lớp thế hệ sinh viên nhập học rồi ra trường, mang  theo những thành quả của ước mơ  mà năm  năm  về  trước họ đã ấp ủ cho vào hành trang để cùng họ lớn lên trên giảng đường đại học. Và tôi – một sinh viên Lớp  D8_XDCT cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Bây giờ đã phải rời xa mái trường mà tôi đã gắn bó để nhường chỗ cho những thế hệ mới với những con người mới. Nhưng trong tôi lắng đọng những suy tư của một người thanh niên trẻ, một sinh viên phải rời ghế nhà trường để bước vào những thử thách mới đầy cam go nhưng cũng không kém phần thú vị của cuộc đời. Trong cái oi nóng của tiết trời Hà Nội đón hè về và kỳ thi đại học lại khiến cho những kỷ niệm dưới mái trường  Đại học Điện lực sống lại trong tôi – như muốn nhắc nhở tôi về một mái trường thân yêu, gần gũi, ấp áp đã giúp tôi nuôi lớn ước mơ của mình.

      Ước mơ trở thành một sinh viên của trường Đại học Điện lực xuất hiện hơn năm năm về trước – từ ngày tôi còn là một học sinh cấp ba. Con đường dẫn tôi đến với ngôi trường này cũng nhiều khó khăn, nhưng bằng chính những nỗ lực của mình mà tôi đã được đền đáp xứng đáng. Cổng Trường Đại học đã rộng mở đón chào tôi lần đầu tiên trong một ngày tháng tám, khi tôi chính thức cầm trên tay giấy báo trúng tuyển của trường. Ngày đó thật đáng nhớ, đánh dấu sự thành công ban đầu của tôi trong nỗ lực biến ước mơ trở thành sinh viên khoa Xây dựng của Đại học Điện lực thành sự thật.

      Nhớ biết bao buổi đầu tiên bỡ ngỡ trên đất Thủ đô. Bước chân vào cổng trường Đại học mà lòng tôi đan xen biết bao cảm xúc, vừa hân hoan trong niềm vui của một tân sinh viên trước một chân trời mới của tri thức, vừa lo lắng sợ sệt không biết cuộc sống sắp tới nơi thành thị sẽ như thế nào…Nhưng rồi, tất cả cảm xúc ấy cũng trôi qua nhường chỗ cho những tiếng cười khi mà tôi được trực tiếp gặp mặt và và giao lưu với các sinh viên khoa Xây dựng. Buổi gặp mặt với những tiết mục văn nghệ đầy sôi nổi và quan trọng nhất là những thông tin giới thiệu của các anh chị khóa trước về ngành nghề tôi đang theo học cũng như cơ hội làm việc sau khi ra trường.

      Hình ảnh Thầy Trưởng khoa giới thiệu về môi trường học tập và chào đón những thế hệ đầu tiên của ngành Xây dựng  hiện rõ trong ký ức của tôi. Thầy nói về những thách thức, khó khăn về ngành xây dựng  mà chúng ta sẽ phải chịu trong quá trình học tập, rèn luyện, về tình trạng thực tế và trách nhiệm của một người công dân, một sinh viên theo học ngành Xây dựng…Tất cả đã mang đến cho tôi một cái nhìn tổng quan về tầm quan trọng của Ngành và niềm  đam  mê về ngành mình đang theo học. Tôi cảm thấy tự hào vì đã chọn cho mình được một ngành học ý nghĩa và thực tế, từ đây, tôi càng tự tin hơn về tương lai của mình và tự nhủ tôi sẽ biến những kiến thức trên giảng đường này trở thành những kiến thức ứng dụng thực tế hữu hiệu để phục vụ cho công việc của mình sau này và cho cả cộng đồng.

      Học kỳ đầu tiên đối với tôi thật  nặng nề, có lẽ vì tôi chưa quen với những phương pháp dạy và học mới ở bậc Đại học, và cũng bởi vì tôi phải tiếp xúc với những kiến thức hoàn toàn mới trong khi tôi chưa chuẩn bị được nền tảng. Nhìn những cuốn giáo trình tôi thốt lên “sao dày và nặng thế”! Rồi lần đầu tiên sống xa nhà, những hình ảnh về gia đình, quê hương cứ hiện về trong tôi, nỗi nhớ luôn luôn thường trực trong lòng một người con  xa  xứ. Kỳ đầu tiên với kết quả không như tôi mong đợi đã làm cho tôi lo lắng. Tôi tự đổ lỗi cho nhà trường vì chương trình và nội dung học không cuốn hút mà quên mất rằng chính tôi đã không thực sự cố gắng và chú tâm vào học tập cho thực chất.

      Và rồi cuối cùng tôi cũng nhận ra khi bạn bè xung quanh tôi ai cũng học tốt  và đạt thành tích cao. Khi đó tôi tự hứa với lòng mình phải gác lại những tình cảm cá nhân,  không nên dành nhiều thời gian cho những người thân yêu ở nhà mà phải biết lấy họ làm động lực để cố gắng. Tôi quan niệm rằng, việc học là một việc nhẹ nhàng nhất, hãy nghĩ đến những người thân yêu ở nhà, họ phải làm lụng vất vả để cho mình có thời gian ngồi trên giảng đường này, vì vậy, hãy sống và học tập làm sao để không phụ lòng những hy sinh của gia đình dành cho tôi. Từ đó, tôi luôn nỗ lực trong từng công việc. Những lời tâm sự, động viên của thầy cô, bạn bè đã giúp tôi cố gắng nhiều hơn. “Mọi sự cố gắng đều được đền đáp xứng đáng”. Tôi cải thiện được kết quả học tập của mình, từ sinh viên có học lực trung bình tôi đã trở thành sinh viên loại khá. Tôi luôn nhớ  một câu trong bài văn “Mùa lạc” cũa nhà văn Nguyễn Khải  hồi học phổ thông : “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh gian khổ, sống ở đời không có đường cùng, chỉ có những ranh giới, vấn đề cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy”.

      Và rồi mọi sự cố gắng của tôi cũng được đền đáp vào một ngày tháng tư lúc tôi đang học năm cuối, nhận một cuộc điện thoại từ Khoa báo tôi là sinh viên được chọn để tham gia chương trình gặp gỡ và trao đổi khoa học ở Nhật Bản, niềm vui như vỡ òa khi nhận được tin báo. Đó là cơ hội có một không hai của tôi cũng vì một chút may mắn và khả năng ngoại ngữ nên tôi mới có được cơ hội đó, và tôi muốn nói với tất cả các bạn rằng các bạn cứ nỗ lực hết mình cơ hội sẽ đến với mọi người.

Chương trình trao đổi khoa học giữa Đại học Điện lực và Đại học Fukui Nhật Bản

      Những năm tháng dưới mái trường Điện Lực, tôi không chỉ được  học những kiến thức về chuyên ngành  Xây dựng giúp tôi lập nghiệp mà thông qua các hoạt động đoàn, tình nguyện, văn nghệ …đã  đã giúp tôi trưởng thành vững vàng hơn rất nhiều.

      Khoa Xây dựng  đã trở thành niềm tự hào của riêng tôi và của tất cả các bạn. Ở đó, có những người Thầy thật tận tụy, những người bạn thật chân thành, và có cả tình người ấp áp trong một môi trường giáo dục chất lượng và đỉnh cao. Mỗi trang giáo án đối với những giảng viên của trường đều thể hiện một chữ Tâm và một niềm mong mỏi lớn đối với thế hệ Thầy dành cho trò. Những hoạt động giao lưu, gặp gỡ giữa Thầy với trò làm cho khoảng cách giữa Khoa với sinh viên thật gần gũi. Tất cả đều hướng đến một môi trường tốt nhất để sinh viên có thể thể hiện khả năng và tố chất của mình. Khoa cũng luôn theo sát hoàn cảnh của mỗi sinh viên thông qua Đoàn trường và Hội sinh viên, kịp thời động viên  và chia sẻ những khó khăn mà sinh viên gặp phải trong quá trình học tập tại trường.

      Bây giờ, đã là một kỹ sư thực thụ, gần 5 năm gắn bó với mái trường tôi càng thêm tin tưởng và hi vọng nhiều hơn. Niềm tin đó giúp tôi vững vàng với lựa chọn của mình, tự tin trong học tập và rèn luyện, tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với những gì mà các Thầy cô giáo trong Khoa đã giành cho tôi. Ngày hôm nay, tôi có thể tự tin nói rằng  vào khoa Xây dựng trường Đại học Điện Lực là lộ trình đúng bởi nơi đây chính là cánh cửa mở ra cho tôi nhiều cơ hội. Là chìa khóa cho những ai muốn thay đổi.

Những ngày đầu trên công trường điện gió

      Từ biệt mái trường, tôi hy vọng cuộc sống sẽ dạy thêm cho tôi những kiến thức mới, những trải nghiệm mới. Thầy cô đã giúp tôi chuẩn bị hành trang bước vào đời, chỉ có sự thành đạt của tôi  trên bước đường sắp tới mới là sự trả ơn ý nghĩa nhất.

      Cuối cùng, sau bao nhiêu nỗ lực dìu dắt và truyền đạt kiến thức của các thầy cô và sự cố gắng của bản thân tôi, tôi cũng đã thực sự được trưởng thành cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Tôi xin được gửi tới Thầy cô của khoa mến yêu của mình lời hứa, rằng dù ở nơi đâu, làm bất cứ việc gì, tôi cũng sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với thương hiệu sinh viên Xây dựng của trường Đại học Điện Lực

      Sau bao ngày tháng theo học thì bây giờ bước chân ra đời với tấm bằng Kỹ sư tôi cũng đã tìm được công việc đúng với ngành nghề mình theo học, cũng tự nuôi sống bản thân và tôi hy vọng các bạn cũng như tôi hãy tự tin học tập, tin vào tương lai sáng lạng khi các bạn bước ra từ Gia đình Xây dựng trường Điện lực

      Chúc các thầy cô giáo cán bộ công nhân viên trong Khoa Xây Dựng sức khỏe và công tác tốt để xây dựng Khoa ngày càng phát triển. Cũng xin được gửi một lời chúc đến các em năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba hãy học tập tốt, hãy trân trọng những ngày tháng được sống dưới mái nhà chung này các em nhé!

      Tạm biệt ngôi nhà thứ hai của tôi – nơi tôi được sống những tháng ngày xanh nhất của đời sinh viên, sôi nổi nhất của tuổi trẻ. Nơi đó, tôi được sống với chính niềm đam mê của mình.

Nguyễn Hữu Tuyên – Lớp D8-XDCT – Khoa Xây dựng trường Đại học Điện Lực

Video liên quan

Chủ đề