Bài báo xử lý chì trong nước của thuc vật

TT - Xưa nay người ta biết đến cây thơm ổi (tên khoa học: Lantana camara) như một loài cây cảnh, thậm chí chỉ là loài thực vật hoang dại như bao loài khác. Nhưng với một phát hiện mới đây của nhóm nghiên cứu do TS Diệp Thị Mỹ Hạnh (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) đứng đầu đã hướng người ta nhìn nhận thơm ổi như một loài cây đầy triển vọng và có ý nghĩa trong việc xử lý ô nhiễm môi trường...

Bài báo xử lý chì trong nước của thuc vật
Phóng toCây thơm ổi trồng trong điều kiện ô nhiễm chì 4.000 ppmTT - Xưa nay người ta biết đến cây thơm ổi (tên khoa học: Lantana camara) như một loài cây cảnh, thậm chí chỉ là loài thực vật hoang dại như bao loài khác. Nhưng với một phát hiện mới đây của nhóm nghiên cứu do TS Diệp Thị Mỹ Hạnh (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) đứng đầu đã hướng người ta nhìn nhận thơm ổi như một loài cây đầy triển vọng và có ý nghĩa trong việc xử lý ô nhiễm môi trường...

Khoảng cuối tháng 12-2000, Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM đã ký hợp đồng với nhóm nghiên cứu của TS Diệp Thị Mỹ Hạnh nhằm thực hiện một công việc cụ thể: khảo sát một số loài thực vật có khả năng tích lũy chì (Pb) và cadmium (Cd) từ môi trường đất. Ngay sau đó có khoảng 15 loài thực vật được nhóm nghiên cứu này lên danh sách, gồm: dây leo, cỏ mần trầu, cỏ lồng vực, rau muống, thơm ổi, phi lao, trứng cá, điệp vàng...

Cuộc khảo sát bắt đầu ở khoảng bảy địa điểm: nơi có nhiều nhà máy sản xuất, bến xe, các trục giao thông chính... Hàng loạt mẫu đất, mẫu thân, rễ, lá... các loại cây cỏ được đưa về phòng thí nghiệm để phân tích tìm xem mẫu nào có chứa lượng chì và cadmium cao. Công đoạn này mất hết sáu tháng.

Nhóm tìm thấy hai trong số 15 loài thực vật được chọn nghiên cứu có khả năng hấp thu chì và cadmium rất cao: đó là thơm ổi và dây leo (Herterostrema villosum). Những kết quả phân tích mẫu còn cho thấy dây leo có khả năng hấp thu chì và cadmium cao hơn nhiều so với thơm ổi.

Song loài dây leo không được xem là “siêu hấp thu”. Vì sao? TS Diệp Thị Mỹ Hạnh giải thích rằng “một loài thực vật được xem là siêu hấp thu khi nó có khả năng hấp thu kim loại nặng gấp 100 lần so với bình thường; đồng thời phải là loài cây sinh trưởng rất nhanh”.

Dây leo “ăn” rất dữ một số kim loại nặng nhưng mắc phải nhược điểm chậm lớn. Tuy khả năng “ăn” một số kim loại nặng của thơm ổi kém hơn dây leo một chút (nhưng vẫn ở mức cao), nhưng bù lại thơm ổi phát triển khá nhanh, dễ trồng, chăm sóc đơn giản...

Để chứng minh khả năng “ăn” chì và cadmium của thơm ổi, nhóm nghiên cứu bố trí hàng loạt thí nghiệm. Công việc đầu tiên là tạo môi trường ô nhiễm bằng cách cho chì vào các chậu đất, rồi trồng cây thơm ổi vào môi trường ô nhiễm này. Nồng độ chất gây ô nhiễm cứ tăng dần theo thời gian nhằm thử thách khả năng chịu đựng của thơm ổi và theo dõi hàm lượng chì mà cây này hút được.

Sau 105 ngày thí nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận rằng khả năng hấp thu chì cao hơn 506 ppm (trong điều kiện môi trường ô nhiễm chì ở nồng độ 1.000 ppm) so với cây sống trong điều kiện bình thường và 1.037 ppm (trong điều kiện môi trường nhiễm chì 2.000 ppm)...

Chì rất phổ biến trong môi trường sống do các hoạt động công nghiệp như làm kính, in ấn, công nghiệp sơn...

Đây là chất có độc tính, tác động mạnh nhất lên hệ thần kinh trẻ em, tác động lên thai nhi, gây sinh non, rối loạn tiêu hóa...

Khi nồng độ chì trong máu lên đến 100-120 µg/dl (ở người lớn) và 80-100 µg/dl (ở trẻ em), chì sẽ gây chết người.

Ngoài ra, kết quả thí nghiệm cũng cho thấy cây thơm ổi hấp thu chì rất nhanh: trong điều kiện môi trường chứa 1.000 ppm chì, sau 24 giờ (kể từ thời điểm tăng đột ngột nồng độ chì) rễ cây thơm ổi đã tích lũy một lượng chì hơn 470 lần so với cây đối chứng (sống trong điều kiện môi trường bình thường); trong môi trường chứa 2.000 ppm chì thì rễ thơm ổi tích lũy một lượng chì hơn 969 lần so với cây đối chứng; trong môi trường chứa 4.000 ppm chì, rễ thơm ổi tích lũy một lượng chì hơn 4.908 lần so với cây đối chứng.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, cây thơm ổi có khả năng tích lũy chì cao hơn 1% so với trọng lượng khô của rễ và bộ phận rễ cây được xem là “kho” chứa chì. Tương tự, đối với chất cadmium, cây thơm ổi cũng có khả năng hấp thu chất này rất tốt.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn thông báo đến nay vẫn còn hai cây thơm ổi sống trong môi trường ô nhiễm chì cực kỳ cao, nồng độ lên đến 10.000 ppm và 20.000 ppm. Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là hai nguồn gen quí được tìm thấy để phục vụ nghiên cứu về cây siêu tích lũy sau này.

Nhận xét về kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học trong hội đồng nghiệm thu đề tài nói trên cho rằng kết quả công trình có giá trị đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn nhằm giải thích khái niệm “phytoremediation”. Đồng thời cũng là cơ sở để tham khảo xây dựng các tiêu chuẩn về mức độ ô nhiễm chì và cadmium trong các khu đất công nghiệp, qui hoạch thiết kế cây xanh...

TS Diệp Thị Mỹ Hạnh cũng giải thích: phytoremediation thực chất là quá trình sinh học thực hiện xử lý ô nhiễm đất hoặc nước bằng cách tận dụng tối đa các loài thực vật có khả năng hấp thụ hay phân hủy chất gây ô nhiễm. Đây là một công nghệ mới, chi phí cho công nghệ này trong việc xử lý ô nhiễm môi trường thường thấp hơn các phương pháp hóa học hoặc vật lý và không gây các tác dụng phụ lên môi trường...

Vấn đề còn lại là tìm ra những loài cây siêu hấp thu một số chất gây ô nhiễm để tận dụng quá trình sinh học phytoremediation trong xử lý ô nhiễm môi trường do một số kim loại nặng gây nên. Và sau đó mạnh dạn sử dụng loại cây đó như một “nhà máy” góp phần xử lý các chất kim loại nặng gây ô nhiễm môi trường.