Đánh giá các dòng máy tính bảng xiaomi

Mặc dù bản Quốc tế đã được bán từ tầm 20/9/2021 ở Việt Nam, sau Sự kiện ra mắt Sản phẩm Xiaomi được 5 ngày, nhưng Xiaomi Pad 5 bản Nội địa đã được ra mắt ở Trung Quốc từ khoảng giữa tháng 8/2021. Vào đầu tháng 9, mình đang tìm hiểu để sắm Máy tính bảng với tầm giá 13 triệu đổ lại. Vì thiết bị của mình toàn là Android và Windows, nên mình chỉ tìm hiểu máy tính bảng Android mà thôi. Con máy mình đáng chú ý nhất là Samsung Tab S7, cho đến khi xem video đánh giá nhanh Xiaomi Pad 5 ở một số kênh Youtube review công nghệ Việt Nam và nước ngoài; và vì mình cảm thấy Xiaomi Pad 5 có tất cả những thứ mình cần: bút cảm ứng, hiệu năng cao, pin trâu, màn hình đẹp, tần số quét cao 120 Hz, PC Mode như Samsung DeX và yếu tố quyết định chí mạng: mức giá khởi điểm rẻ hơn Samsung Tab S7 đến 5 triệu đồng nên mình đã quyết định múc luôn em Xiaomi Pad 5 phiên bản 6 / 128 GB. Sau 2 tuần sử dụng, mình có thể nhận xét Xiaomi Pad 5 đang làm được 2 điều này: Khẳng định chất lượng hoàn thiện của các hãng thiết bị công nghệ Trung Quốc và Đập tan định kiến tiêu cực về Máy tính bảng Android!

Lưu ý: Nội dung sau đây sẽ không có phần đánh giá hiệu năng chơi game, đa nhiệm vì mình thấy các video trên Youtube đã nói đến. Thay vào đó, mình sẽ đưa ra các nhận xét khen và chê về trải nghiệm mà có thể các video review trên Youtube chưa nói tới. Bài viết từ góc nhìn người dùng phổ thông, không phải reviewer chuyên nghiệp nên kiến thức có phần hạn chế, mong các bạn thông cảm.

Nhu cầu sử dụng Mình xác định rõ ràng lí do chủ yếu dùng máy tính bảng là Ghi chép thay cho sổ truyền thống, sử dụng các ứng dụng Office (World, Excel, Powerpoint) mượt trong những lúc không có và không muốn mang laptop. Vì vậy, mình chọn máy tính bảng hỗ trợ bút cảm ứng có chức năng Chống Tì Tay (Palm Rejection) và chế độ máy tính (PC Mode). Sau đó là nhu cầu xem Youtube, Netflix.

Ưu điểm

  • GetApps (ứng dụng cửa hàng mặc định của Xiaomi) có Google Play để tài dễ dàng, thay vì phải cài file apk Google Play như nhiều máy TQ khác. Các ứng dụng mặc định dễ dàng xóa bỏ.
  • Pin trâu. Mình bật Wifi cả ngày, dùng cơ bản, 1 ngày hết 50% pin. Pin giảm 10% sau 1 tiếng on-screen viết bài này, như vậy có thể coi thời lượng on-screen tầm 8 - 10 tiếng. Sạc nhanh 33W: 18 - 20 phút được 30% pin.
  • Xem Youtube, Netflix tầm 1 tiếng, nhiệt độ máy chỉ tới 34 độ C. Mình đang viết bài đánh giá này bằng Google Docs trên Xiaomi Pad 5, đã onscreen liên tục 1 tiếng mà nhiệt độ máy chỉ 30.7 độ. Quá mát!
  • Có thể khóa màn hình bằng icon Lock Screen. Mở bằng cách gõ 2 lần lên màn hình. Nút nguồn chắc chỉ dùng để Tắt, mở nguồn và Khởi động lại máy thôi, còn không thì mình chẳng đụng đến bao giờ. Mở khóa màn hình bằng mặt cực kỳ nhạy (đương nhiên là không gian cần đủ sáng nhé). Còn ở không gian tối, mình mở máy bằng mật khẩu truyền thống (mã PIN, Pattern), nhanh thôi.

Nhược điểm

  • Cổng Type-C 2.0 nên không thể xuất hình ảnh từ máy tính bảng ra màn hình rời qua cáp. Chỉ có thể Cast Hình ảnh ra màn hình thông minh.
  • Bản nội địa không có Ngôn ngữ tiếng Việt.

Ghi chép Ứng dụng ghi chép mặc định Mi Notes phải nói là thua xa Samsung Notes, có mỗi 3 mẫu giấy: Giấy chấm, Màu đen và Màu trắng. Nói chung, mình chỉ dùng Mi Notes để ghi chú nhanh thôi. Mình có tải thử Samsung Notes (không có trên Play Store, phải cài file apk) thì rất tiếc, ứng dụng không hỗ trợ bút cảm ứng chủ động (Active Pen - Bút cảm ứng kết nối Bluetooth và có chức năng Chống Tì Tay Palm Rejection - chỉ có thể viết chữ bằng bút, không thể viết bằng tay). Thay vào đó, sau đây là 03 ứng dụng có hỗ trợ Active Pen: Microsoft OneNote, Nebo và Sketchbook.

  • OneNote miễn phí, đồng bộ với tài khoản Outlook.
  • Nebo tuy mất phí (280,000 VNĐ) nhưng đáng vì nó có chức năng chuyển chữ viết tay thành chữ đánh máy, độ chính xác cao. Rất rất tiếc là thời điểm mình đang viết bài đánh giá này, Nebo không thể cài Nhận diện tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Nhật và nhiều ngôn ngữ khác mà mình chưa thử hết. Mình có liên hệ nhân viên hỗ trợ thì nhân viên nói là do đường truyền mạng, thái độ nhân viên khá tích cực, tạo được cho mình ấn tượng tốt về dịch vụ. Thôi thì biết vậy, chờ cáp quang ở biển sửa xong thì mình sẽ thử tải lại.
  • Sketchbook dành cho những bạn thích vẽ. Mình không giỏi vẽ, nên tải về trải nghiệm thôi, không thể đánh giá chi tiết ứng dụng này.
  • Các ứng dụng ghi chú khác mà mình sử dụng (không hỗ trợ Active Pen) là Notion, Keep Notes (Google) và Jamboard (Google). Jamboard như là cái bảng trắng trong phòng họp, bạn nào mà họp online hay dạy học mà có máy tính bảng thì chắc biết, nếu chưa thì dùng thử xem nhé.

Tối ưu Hiển thị cho Ứng dụng

  • Những ứng dụng chưa sử dụng được ở Chế độ màn hình ngang (Landscape Mode): Instagram, Báo Mới, Tinh Tế, Shopee, Tiki v.v… Giải pháp tạm thời: Bật ứng dụng ở chế độ Tách Màn hình (Split Screen)

Đánh giá các dòng máy tính bảng xiaomi

  • Có những app sử dụng được ở Landscape Mode, nhưng chưa tối ưu, chỉ đơn thuần là kéo giãn app cho vừa với màn hình, điển hình là Facebook.
  • Những app đã được tối ưu ở Landscape Mode: Các ứng dụng của Google (Gmail, Drive, YouTube), Spotify; và mình khá bất ngờ khi Lazada hỗ trợ Landscape Mode: Tự tách màn hình khi mở Chats.

Đánh giá các dòng máy tính bảng xiaomi
Ảnh trên: Trang chủ Lazada. Ảnh dưới: App tự động tách đôi màn hình khi ấn “Chats”

  • Có những app trên Play Store dùng được ở điện thoại nhưng không khả dụng trên Máy tính bảng. Ví dụ là Nike Training Club, một ứng dụng tập luyện. May mắn thay có thể dễ dàng kiếm file apk ứng dụng này, cài đặt sử dụng bình thường. Tất nhiên, ứng dụng không hỗ trợ Landscape Mode, nhưng mình dùng Tách Màn hình với Spotify, thấy vẫn khá ổn.

Đánh giá các dòng máy tính bảng xiaomi

  • PC Mode: máy không được cài sẵn, cần phải cài file apk. PC Mode vẫn còn thua Samsung DeX về việc tối ưu kích cỡ hiển thị ứng dụng. Điển hình: Youtube chưa thể xem video toàn màn hình, còn mở Youtube trên Chrome thì load chậm. Cái này là vấn đề phát triển phần mềm, mình hy vọng Xiaomi sẽ có một bản PC Mode hoàn chỉnh cho Xiaomi Pad 5.

Ứng dụng gõ phím Mình khuyên nên cài 02 ứng dụng gõ phím sau: Gboard (Google Keyboard) và Laban Key. Trong đó, Gboard dùng khi viết bằng bút (chữ viết bằng bút chuyển thành chữ đánh máy) và Laban Key để gõ bàn phím rời và bàn phím ảo trên màn hình. Chi tiết như sau: 1. Gboard - Dùng để viết tay Điểm tuyệt vời Gboard là chức năng Handwriting. Hiểu cơ bản là chữ bạn viết tay/bút lên màn hình sẽ chuyển thành chữ đánh máy. Đương nhiên là chữ bạn viết nên rõ ràng để app dễ nhận ra. Nếu bạn có bút thì đây là ứng dụng bàn phím cần có, trải nghiệm rất là tuyệt vời. Mình đã và đang tự học tiếng Hàn gần 2 tháng thì đối với mình, Gboard hữu dụng khi mình ghi chép tiếng Hàn bằng bút, từ đó, mình không cần dùng vở nữa.

2. Laban Key - Dùng để gõ phím Nếu bạn không có bút, chỉ dùng bàn phím rời hoặc bàn phím trên màn hình thì không nên cài Gboard. Thay vào đó, bạn hãy cài Laban Key vì ứng dụng này có 2 ưu điểm lớn mà Gboard không có.

  • Tách phím rời ở chế độ màn hình ngang và dọc. Màn hình to thì Bàn phím tách rời là cần thiết.

Đánh giá các dòng máy tính bảng xiaomi

  • Gõ tiếng Việt trên bàn phím rời. Ở Gboard, cho dù bạn để Ngôn ngữ tiếng Việt thì Bàn phím rời vẫn không gõ được tiếng Việt. Khi dùng bàn phím rời, bạn nên tắt chức năng "Bật bàn phím màn hình" bằng cách truy cập: Additional Settings → Languages & Input → Keyboard, mouse, and trackpad → Tắt “Use on-screen keyboard”

Đánh giá các dòng máy tính bảng xiaomi

  • Nếu bạn đã quen với Gboard thì không phải lo khi chuyển sang Laban Key, giao diện, chức năng LK rất giống Gboard nhé.

Phụ kiện Về cơ bản phụ kiện cho Xiaomi Pad 5 có thể sắm là: bao da, ốp lưng, bút cảm ứng, bàn phím rời và cáp sạc nhanh 33W. Hiện tại bao da, ốp lưng cho Xiaomi Pad 5 đã có nhiều nhưng ở VN thì chưa, có thể tương lai gần nhiều cửa hàng phụ kiện sẽ nhập về, còn không thì Shopee có hàng nước ngoài nhiều, giá từ 100k - 400k, chịu khó chờ 7 - 9 ngày hàng giao tới thôi. Theo quan điểm của mình thì cần mua 3 thứ sau:

  • Bao da. Nên là bao da thay vì ốp lưng. Vừa bảo vệ máy, vừa làm giá đỡ cho máy trên bàn. Mình mua loại bao da hút nam châm lưng máy (như ảnh) và có miếng hút nam châm ở hông để giữ bút (không biết gọi là gì). Hàng Trung Quốc đặt Shopee hết 240k. Chất lượng hoàn thiện cao, đẹp NHƯNG bút không hoạt động nếu phần nắp hút nam châm vào dải dọc camera. Cho nên trải nghiệm dùng bút với máy bị giảm đi, phiền trong nhiều trường hợp. Nếu bạn biết bao da nào có thể giữ bút và không khiến bút gặp tình trạng trên, cho mình biết nhé!

Đánh giá các dòng máy tính bảng xiaomi

  • Bộ cáp sạc nhanh 33W của Xiaomi. Dùng bộ của Xiaomi thì mới có Mi Turbo Charge. Khi mình cắm Xiaomi Pad 5 với bộ cáp sạc 30W Realme (kèm với máy Realme Q3 Pro mình đang sử dụng), thì Mi Turbo Charge không được bật, không sạc nhanh được. Ngoài lề chút, tương tự Realme Q3 Pro của mình cắm củ sạc Xiaomi 33W cũng không bật được chế độ sạc nhanh.
  • Bút cảm ứng Xiaomi Smart Pen. Vì nhu cầu của mình là ghi chép nên mình thấy bút là cần thiết. Giá bút tầm 1tr6 - 1tr8 tùy nơi và thời điểm bán. Kèm với bút là đầu bút có thể thay thế. Trọng lượng bút vừa phải, đầm tay. Thân bút tròn, riêng dải nam châm để sạc bút thì phẳng. Khi cầm, dải sạc đặt lên thân ngón giữa, 2 nút vật lý đúng chỗ đầu ngón trỏ để. Cảm nhận cầm bút tốt. Bút có thể gắn ở hai bên cạnh dài của máy, trong đó chỉ có cạnh cùng phía nút âm lượng là sạc được bút.

Đánh giá các dòng máy tính bảng xiaomi
Khi cầm, dải sạc đặt lên thân ngón giữa, 2 nút vật lý đúng chỗ đầu ngón trỏ. Mình cũng đã tham khảo nhiều loại bút giá rẻ hơn nhiều nhưng cái Xiaomi Smart Pen có mà các bút khác không có, đó là chế độ Chống Tì Tay (Palm Rejection). Mấy bút 600 - 800k mà có chế độ này, hình như chỉ làm cho iPad. Cái này mình không khẳng định vì mình không có loại bút đó để test. Độ hoàn thiện của bút hơi thất vọng: hai nút bấm không chắc chắn, long sòng sọc. Bạn nào đang dùng bút cảm ứng hỗ trợ Palm Rejection trên Xiaomi Pad 5 mà rẻ hơn cái của Xiaomi, cho mình biết với nha. Các bạn cũng đừng tranh luận là có nên mua bút hay không, hay mua bút là lãng phí, rồi sẽ vứt xó hoặc toàn để trẻ con vẽ nguệch ngoạc, cái này là nhu cầu sử dụng cá nhân nhé.

Bàn phím. Theo mình thì không cần thiết phải mua bàn phím Xiaomi 2 triệu đồng. Trái ngược với bút, bàn phím rời có rất nhiều lựa chọn với mức giá trăm nghìn đồng là gõ sướng rồi.