Mua sách kiến chuột và ruồi ở đâu

1/ Được cười thoả thích

Mình vốn ham đọc, lười viết. Mấy năm nay đọc cũng lười, phần vì thị lực xuống dốc, phần vì chả mấy khi vớ được sách hay. Có sách hay cũng không đọc nhanh được. Từ nghỉ hưu mình chỉ đọc sách chốc lát vào buổi tối. Kinh nghiệm là nếu đi ngủ sau 23h sẽ mất ngủ trắng đêm.

Cuốn Kiến Chuột và Ruồi của Nguyễn Quang Lập gần như một ngoại lệ. Mình đã đọc rất nhanh, đọc quá 24h rồi nhẹ nhàng giấc ngủ đến. Mình nghĩ đó là hiệu ứng của tiếng cười NQL (Không khéo minh còn cười cả trong mơ nữa ấy).

Bạn đọc NQL chắc đã rất quen với tiếng cười này ở Kí ức vụn, Bạn văn...một tiếng cười dân dã gắn kết các tình huống hài hước của đời sống với lối “khẩu văn” đậm chất vùng miền sống động. Tiểu thuyết Kiến Chuột và Ruồi dài 355 trang, duy trì mạch trào tiếu dân gian bằng điểm nhìn của một đứa con nít từ thời điểm nó chuẩn bị chào đời đến khi nó bốn tuổi. Mẹ nó đẻ nó trong cái chuồng bò- nơi gia đình bảy người của nó sống mấy năm do sóng gió của cuộc cải cách ruộng đất. Bà đỡ vốn là mụ ế chồng bán bánh đúc ngoài chợ. Mụ có bầu với lão quét chợ. Mụ đau đẻ bảo chồng đi tìm bà đỡ, lão đang say, cho mụ mấy cái bợp tai, quát :”Xoạc háng thò tay vào túm cổ nó mà lôi ra, chi mà kêu!”. Cùng đường mụ làm theo, thế mà mẹ tròn con vuông. “Té ra đỡ đẻ dễ không à! Mụ cười he he. Từ đó mụ thành bà đỡ”.

Mụ đỡ chỉ ngồi “bỏm bẻm nhai trầu, lâu lâu ngáp một cái, nói một câu, nín thở, rặn mạnh đi em!” khiến đứa bé tự ái không chịu ra, nó nghĩ “ Con người tất nhiên phải khác với cục cứt, đâu phải cứ rặn là có”.

Việc nhầm lẫn Đời là cái chuồng bò, cảm giác ghê tởm khi thoáng nhìn thấy mấy con chuột nhắt bò trên nền đất bẩn thỉu, tiếng sấm đanh gọn xoẹt qua nóc chuồng bò, tiếng khóc thét đau đớn và giận dữ của đứa bẻ bị lôi ra bằng phocxet nên rách đuôi mắt trái giữa ồn ào hoan hỉ người lớn...rồi sẽ thành những tín hiệu báo trước về một cõi nhân sinh đảo điên phi lý mà đứa bé chứng kiến suốt bốn mươi năm sau đó.

Cõi nhân sinh ở Kiến Chuột và Ruồi luôn bắt mình liên tưởng lúc thì đến Chuyện ở nông trại, 1984 của George Orwell, lúc thì đến Biến dạng, Vụ án của Kapka.

Nhưng đọc NQL mình được cười nhiều hơn. Tiếng cười có thể làm khó chịu những người ưa văn chương phải luôn nghiêm túc, trịnh trọng. Mình thì thích văn chương biết đùa giỡn, biết chuyển tải sự nghiêm túc, nghiêm trọng, nghiêm khắc...bằng cách nào nhẹ nhõm nhất, nhà văn không bắt người đọc phải tin điều mình kể nhưng biết làm cho họ bị cuốn theo trò chơi của mình, không đọc nhảy cóc hay bỏ dở giữa chừng.

Bạn tin hay không tuỳ bạn nhưng chắc bạn phải bật cười trước giọng điệu của ông oắt con này:

“Bóc- xép là gì? Đó là một từ tiếng Tây dịch ra tiếng Việt là cưỡng chế các phần tử chống đối ngay trước cửa tử cung. Bác Đông gái gửi cho bà đỡ cái kẹp sắt mạ kền có đính miếng cao su hay bọt biển gì đấy ở hai đầu kẹp , đó là vũ khí chuyên chế sinh sản. Khi có vũ khí trong tay, đáng ra bà đỡ phải biết trước sau tôi cũng đầu hàng vô điều kiện, không việc gì phải vội vã. Quái quỷ, mụ đã hành động điên rồ như một kẻ thua cuộc. Không thèm nhúng nước sôi tiệt trùng, mụ xộc vũ khí đầy mồ hôi tay vào âm đạo, kẹp lấy hai thái dương của tôi. Mụ kẹp rất mạnh, lôi ra cũng rất mạnh, dù tôi đã hoàn toàn chấp nhận thua cuộc trong cuộc đối đầu ai thắng ai giữa tự do một mình và tự do hổ lốn”

“Bà đỡ lấy câu liêm đã nung đỏ cắt nhúm nhau cái xoẹt. Cái nhau được ba tôi nhanh chóng chôn vào bình rượu bốn lít với đôi mắt sáng ngời. Nhờ nó ba có thể chạy bộ trên mười ki lô mét, gánh nặng trên năm mươi cân, ngồi họp trên ba tiếng đồng hồ, làm tình trên ba mươi phút...Giời ạ, thế mà thơ ca khi nào cũng nức nở về nơi chôn nhau cắt rốn của con người”

Vv...

p/s Nếu bạn không cười nổi có lẽ bạn phải nghi ngờ khả năng liên tưởng của mình.

*

2/ Được trải nghiệm cảm giác mạnh

Mình thực ra thuộc tạng thần kinh yếu, sợ độ cao, sợ ma, sợ bạo lực...(từ bé đến giờ không biết trèo cây, không dám ngồi võng đua bổng, run lẩy bẩy khi buộc phải qua cây cầu tre lắt lẻo dòng kinh). Cho nên trải nghiệm cảm giác mạnh với văn chương là một cơ hội tự rèn luyện: biết rằng đây chỉ là chuyện trong sách vở, rằng mình đang quan sát/ tham gia một trò chơi nên cảm giác thót tim, nổi da gà trước những chuyện rùng rợn, kì dị sẽ chấm dứt ngay nếu mình rời mắt khỏi trang giấy. Xã hội hiện đại bào mòn cảm xúc con người mạnh đến mức nó rất dễ rơi vào trạng thái trơ lì, lãnh cảm. Nhà văn phải có những chiêu thức độc đáo, phải tìm được một lối viết có khả năng phá vỡ trạng thái thờ ơ vô cảm nơi người đọc. Mình thấy Nguyễn Quang Lập làm điều này rất giỏi.

Trộn lẫn các chi tiết xác thực của đời sống, đưa vào hàng loạt chi tiết có tính tự thuật hay liên quan đến tiểu sử tác giả ( mà bạn đọc đã biết qua các tập tạp văn Kí ức vụn, Chuyện đời vớ vẩn, Bạn văn) với những chuyện ma quái huyền hồ kinh dị....rồi kể bằng một giọng tưng tửng, không triết lý, không rao giảng, trái lại, tranh thủ đùa cợt, pha trò hoặc bằng lối phóng đại hoặc bằng kiểu “ngộ nghĩnh trẻ thơ”, những ki thuật tổ chức văn bản này không phải chỉ có ở tiểu thuyết Kiến Chuột và Ruồi, nhưng NQL có cái duyên riêng, không lẫn, không dễ gặp.

Qua điểm nhìn của cậu nhóc tên Quang, những cái buồn cười hay gây sợ hãi đều tạo ấn tượng mạnh. Người đọc cười và sợ cùng cậu bé xong thì bần thần tê tái mãi một nỗi thương, lo: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, cái thiện trong trắng nguyên sơ kia rồi sẽ ra sao khi bị ném vào thế giới này?

Sao mà cái xóm Cầu Phố của bé Quang nhiều Kiến Chuột và Ruồi đến thế? Do dân ăn ở bẩn, phóng uế tuỳ tiện, đâu có lạ! Nhưng sao chúng chỉ xuất hiện cùng những biến cố làm biến dạng số phận một cá nhân, một cộng đồng? Và cách chúng hiện diện sao mà kì dị!

Đây là một đoạn về ruồi:

“Trăng mồng mười, khắp nơi sáng lên một màu vàng nhạt, tất cả đều hươm vàng. Đám tàn tro chuồng bò cũng hươm vảng, thứ hươm vàng rất lạ. Hình như ánh trăng không rơi xuống nơi đó, nó đang đùn dưới đất lên, cứ nhúc nhích nhúc nhích tạo ra từng đợt sóng vàng nhạt nhẹ nhàng lan toả. Ba thấy hơi lạ, không rõ cái gì ở đó đã làm cho ánh trăng nhúc nhích thế kia? Ông chực đứng lên bước tới xem đó là cái gì. Bất ngờ tiếng ô tô réo vang, hai ngọn đèn pha dọi thẳng vào mặt ông. Đám ánh vàng nhúc nhích bỗng vỡ ra bay tán loạn. Thì ra đó là ruồi (.....) Chúng vần vũ bay, cuồn cuộn trước ánh sáng hai ngọn đèn pha. Ba bỗng lọt thỏm vào vòng xoáy vũ điệu của ruồi. Những vòng xoáy ruồi bay vòng quanh đen đặc, ba không còn nhìn thấy gì, chiếc ô tô cách đó. Hừng chục mét ông cũng không nhìn thấy. Chiếc ô tô quay đầu , hai ngọn đèn pha đổi hương, đám ruồi chợt biến mất như là không hề có chúng ở nơi đây. Chưa kịp định thần để hỏi vì sao đám ruồi biến mất, ba nhận ra biển số ở đuôi xe, số xe thật dễ nhớ 2211, đó là xe Thủ trưởng. (.....)Tại sao Thủ trưởng đã vội vã quay đi khi vừa thấy ba, không có lấy một lời chào? Ba thoáng rùng mình. Sau cái rùng mình ông thấy hai ống chân lạnh ngắt. Nghĩ mình lại tè ướt quần, ba cúi xuống thấy hai ống quần căng phồng. Ông giật bắn, táng đởm kinh hồn. Ba tụt quần ra xem, thật không tin nổi, ruồi bu đầy hai ống chân ông. Ba vội tùa từng nắm ruồi ra khỏi chân. Đám ruồi lập tức bay lên mấy vòng, lại sà xuống bám lấy hai ống chân (....) Phút chốc hai ống chân ba đầy ruồi, to đùng như cột nhà. Không phải ruồi mà là ma”....

P/s Chuột với kiến còn kinh dị nữa. Nhưng vẫn chưa kinh bằng những vụ án mạng bị bỏ qua, bị ...không ai điều tra cả! Mình không kể lại được.

*

3/ Được tin vào sự có ích của văn chương

Mình chắc nhiều người từng như mình có lúc mất niềm tin vào văn chương, rằng nó chỉ “du dương bất lực. Khi nào nó tươi hơn hớn thì chả ra gì” (là Ng.Huy Thiệp nói), rằng cuộc đời thực khắc nghiệt, bất trắc, mù mờ lắm chứ không phải lúc nào cũng rành rõ, “chu đáo như trong văn chương” (làPhạm Thị Hoài nói), rằng xu hướng thực dụng trong lựa chọn nghề của các cháu học sinh đã dội liên tục nước lạnh vào bầu nhiệt huyết với văn chương, báo hiệu một tương lai chả mấy vui vẻ cho nhiều giá trị nhân văn-thẩm mĩ, cho nên văn chương tả thực, văn chương lãng mạn hay trầm ngâm suy tưởng gì gì đi nữa cũng sẽ teo tóp trước nghệ thuật nghe nhìn...

Nhưng, hình như công cuộc nỗ lực phục hưng văn hoá đọc cho thấy cộng đồng đang có sự thức tỉnh...

Những tiểu thuyết gần đây như Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Kiến Chuột và Ruồi của Nguyễn Quang Lập, Mối chúa của Tạ Duy Anh..., cho mình tìm lại được niềm tin vào sức mạnh của văn chương- thứ sức mạnh khai mở bản ngã,

nuôi dưỡng cho con người những mơ tưởng đẹp đẽ, thiện lương (điều mình thấy tác giả Đới Tứ Kiệt khái quát tuyệt hay trong tiểu thuyết Banzak và cô bé thợ may Trung Hoa và Bernhard Schlink trong tiểu thuyết Người đọc cũng tương tự).

Cuốn Kiến Chuột và Ruồi của NQL cho mình xá stress (rất cám ơn) vì được cười rất nhiều, được trải nghiệm cảm giác mạnh (nghĩa là thoát khỏi cảm giác về cuộc sống cá nhân tẻ nhàm, cũ kĩ, xin cám ơn). Và sau nữa, giúp mình củng cố vững chắc thêm niềm tin, rằng:

-Nhân quả là quy luật tất yếu: tất cả những kẻ gieo ác (dù là quan chức nhỏ/to hay thường dân các loại) trong truyện đều phải trá giá. Sự trả giá đến rất bất ngờ, cứ như đùa giỡn, như trò chơi con nít vậy.

-Cũng là nhân quả, nhưng sự truy vấn về tính cách Việt qua một cộng đồng ở trấn Ko Long, xuyên qua một biến cố lịch sử long trời lở đất (cuộc CCRĐ) dường như đem lại cho người đọc nhiều cảm giác cay đắng và xấu hổ, khác xa với những khái quát đầy kiêu hãnh tự hào thường được chúng ta đem ra đấu với thiên hạ. Có thể ai đó ghét phải chịu đựng cảm giác này (mình nghi là vì thế mà tác phẩm chưa thể xuất bản trong nước). Mình thì cho rằng một cá nhân cũng như một cộng đồng, khi tự thoả mãn là khi không còn trưởng thành được nữa. Liệu trong tính cách người Việt hôm nay có còn tồn lưu chút nào cái tâm lý bầy đàn, cái gian xảo ranh ma, cái nhẫn nhục mặc cảm của loài chuột bọ côn trùng?

Biết nhận ra và dám nhìn thẳng vào chỗyếu kém của bản thân mới mong phát triển được chứ!

Con người làm ra hoàn cảnh và con người bị điều kiện hoá? Con người là ai? Nó từ đâu đến? Nó đang đi đâu?...Chung quy văn học thời nào cũng quy chiếu về những câu hỏi ấy. Trước NQL, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Võ Văn Trực, Hoàng Minh Tường, Tạ Duy Anh, Lê Minh Khuê, Đào Thắng, Tô Hoài...đã có nhiều thành công khi viết về Cải cách ruộng đất. NQL cũng lấy bối cảnh này và lôi cuốn bạn đọc bằng những gửi gắm riêng khác.

Murakami, Mạc Ngôn, Cửu Đan. Sơn Tap, Market....đều có tác phẩm được dịch và xuất bản rộng rãi ở VN. Cả Lolita của Nabokop nữa. Sex, đồng tính, ấu dâm, phản tư và phản biện..., dù viết về đề tài gì, phơi bày thực trạng nhân thế hay theo đuổi những cuộc thám sát thế giới nội tâm sâu thẳm của con người, nếu nó hướng con người tới một trình độ nhân văn cao hơn, đều được con người trân trọng đón nhận. Vậy thì chẳng có lý gì để e ngại Kiến Chuột và Ruồi.

Mình tin và hi vọng ở văn chương.

Nguyễn Thị Bình

La Khắc Hòa facebook ngày 06-7-2019