Khả năng ứng dụng trong thực tiễn là gì năm 2024

Năng lực thực tiễn (Realistic ability) là khả năng hiểu biết thực tiễn ở góc độ tư duy, nhận thức và được trải nghiệm trong thực tế trên cơ sở tư duy, nhận thức đó. Người có năng lực thực tiễn là người biết vận dụng một cách linh hoạt lý luận vào thực tiễn, có khả năng giải quyết hiệu quả những tình huống nảy sinh trong thực tế, đồng thời có khả năng hướng dẫn người khác ứng xử kịp thời trong những hoàn cảnh và môi trường tương tự. Đối với giảng viên đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cùng với năng lực tư duy lý luận, năng lực sư phạm, tư cách đạo đức… năng lực thực tiễn không chỉ là đòi hỏi mang tính nội tại đối với giảng viên mà còn là yêu cầu khách quan nhằm nâng cao chất lượng ĐTBD. Yêu cầu này xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, xuất phát từ đặc trưng của hoạt động ĐTBD.

Với mục tiêu: trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại, khác với hoạt động đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, ĐTBD đòi hỏi tính thực hành cao. Với mục đích "học để làm việc" học viên phải nắm bắt được những kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và phương pháp tác nghiệp để vận dụng vào công việc của mình tại cơ quan, đơn vị. Do vậy, những kiến thức thực tiễn và phương pháp ứng xử, giải quyết vấn đề là một đòi hỏi rất cao đối với loại hình ĐTBD.

Chương trình ĐTBD cần cập nhật kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật cũng như các quy định của Nhà nước, đồng thời phải định hướng phát triển theo từng giai đoạn, giúp cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về lập trường quan điểm, yên tâm và trách nhiệm trong thực thi công vụ nhằm giữ vững an ninh chính trị, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Đối tượng của ĐTBD là cán bộ, công chức, viên chức đang thực thi công vụ trong khu vực công, có kinh nghiệm trong công tác và thực tiễn, do vậy phương pháp ĐTBD phải phù hợp với đối tượng theo hướng lấy người học làm trung tâm, sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, tăng cường trao đổi, thảo luận, xử lý tình huống nảy sinh từ thực tiễn…

Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học.

Học viên ĐTBD cần được trang bị kỹ năng và phương pháp xử lý công việc (tất nhiên không thể thiếu kiến thức). Những kiến thức hàn lâm của giảng viên là cần thiết nhưng không thể lấp đầy những khoảng trống về kỹ năng, phương pháp lãnh đạo quản lý và thực thi công vụ. Để làm được điều đó đòi hỏi giảng viên phải nâng cao năng lực thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu của người học. Giảng viên phải đem đến cho học viên những gì học viên cần chứ không chỉ truyền đạt những gì mình có.

Thứ ba, xuất phát từ "sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành".

Lý luận và thực tiễn là hai mặt của một vấn đề, gắn chặt và không tách rời nhau, trong đó lý luận chỉ đạo thực tiễn, thực tiễn vừa là tiêu chuẩn vừa là mục đích của lý luận. Quan điểm "lý luận gắn liền với thực tiễn" có quan hệ chặt chẽ với "học đi đôi với hành", bản thân nội dung lý luận gắn liền với thực tiễn đã phản ánh học đi đôi với hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên, thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung cũng như không có tên. Lý luận áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng để lòe thiên hạ thì lý luận đó cũng vô ích. Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng vào thực tiễn công tác ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X đã chỉ rõ: "đổi mới phương pháp và nội dung các chương trình ĐTBD cán bộ, công chức sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ".

Thứ tư, xuất phát từ thực trạng năng lực thực tiễn của đội ngũ giảng viên ĐTBD.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác ĐTBD cán bộ, công chức 2006 - 2010 và triển khai kế hoạch 2011 - 2015, 10 năm qua công tác ĐTBD đội ngũ giảng viên đã thường xuyên được quan tâm, nhờ đó "đội ngũ giảng viên các cơ sở ĐTBD đã được nâng cao về chất lượng chuyên môn và phương pháp sư phạm". Tuy nhiên, "năng lực thực tiễn của đội ngũ giảng viên còn hạn chế", "số giảng viên trẻ chiếm tỷ lệ lớn nhưng đa số còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng vào thực tế giảng dạy"… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng chủ yếu là do thiếu sự gắn kết giữa các cơ sở ĐTBD với các cơ quan sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, thiếu chương trình, kế hoạch ĐTBD giảng viên thông qua hoạt động thực tiễn hàng năm cũng như thiếu sự chủ động tự ĐTBD của các cơ sở ĐTBD và đội ngũ giảng viên.

2. Một số giải pháp nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên đào tạo, bồi dưỡng

2.1. Thống nhất nhận thức về tầm quan trọng và yêu cầu của việc nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên ĐTBD.

Chất lượng ĐTBD phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chương trình, tài liệu, quy trình tổ chức, trình độ giảng viên, phương pháp thể hiện, cơ sở vật chất, chất lượng đầu vào và ý thức của học viên… Đây là một chuỗi giá trị có quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau để cùng tạo ra sản phẩm có chất lượng, trong đó yếu tố giảng viên có vai trò quyết định. Giảng viên không chỉ trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức cho người học mà còn bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ, giúp học viên biết vận dụng sáng tạo kiến thức lý luận đã học vào thực tiễn công việc ở cơ quan, đơn vị, đồng thời cùng với học viên xử lý các tình huống nảy sinh từ thực tế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thường gặp khi triển khai các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống thực tiễn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, giảng viên ĐTBD phải luôn ý thức rằng việc có đủ các bằng cấp, chứng chỉ cần thiết, đã tích lũy được hệ thống lý luận, khoa học tương ứng vẫn là chưa đủ. Điều quan trọng là kiến thức ấy đã được thực tiễn hóa đến đâu, bản thân được trải nghiệm qua thực tế như thế nào, những đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống và những khó khăn, vướng mắc đang cần có lời giải… Do vậy, để trở thành một giảng viên ĐTBD có chất lượng, nhất là trong giai đoạn hướng mạnh sang ĐTBD theo chức danh lãnh đạo, quản lý và theo vị trí việc làm, thì năng lực thực tiễn lại càng có ý nghĩa và cần thiết hơn bao giờ hết.

2.2. Cần có quy định về tiêu chuẩn kiến thức và kinh nghiệm thực tế đối với giảng viên ĐTBD.

Tiêu chuẩn của giảng viên ĐTBD được quy định trong Thông tư liên tịch số 06 ngày 06/6/2011 của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể, đã tương đối rõ ràng và khá đầy đủ, khẳng định vị thế của giảng viên, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác ĐTBD. Tuy nhiên, các quy định cần được cụ thể hơn, nhất là về tiêu chuẩn kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, bởi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn đối với giảng viên ĐTBD là hết sức quan trọng và cần thiết, tác động trực tiếp đến mục tiêu và hiệu quả ĐTBD, phải được coi là một trong các tiêu chuẩn bắt buộc, cần được văn bản hóa để có cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Thực tế hiện nay của các cơ sở ĐTBD cho thấy việc nâng cao năng lực thực tiễn cho giảng viên là nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, khi triển khai nhiệm vụ này các cơ sở ĐTBD gặp không ít khó khăn như giảng viên ít trong khi khối lượng công việc giảng dạy nhiều; giảng viên trẻ nên luôn bị chi phối bởi nhiều công việc khác; nâng cao kiến thức kinh nghiệm thực tế ở đâu, như thế nào, hiệu quả, kinh phí ra sao và dựa trên cơ sở pháp lý nào. Từ thực tiễn đó việc quy định kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn là tiêu chuẩn bắt buộc đối với giảng viên ĐTBD sẽ là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

2.3. Xây dựng chương trình, kế hoạch ĐTBD thông qua hoạt động thực tiễn.

Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ, kế hoạch được giao và tình hình thực tế của đơn vị, các cơ sở ĐTBD cần xây dựng chương trình, kế hoạch ĐTBD thông qua hoạt động thực tiễn cho đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch ĐTBD đội ngũ giảng viên tạo cơ hội cho giảng viên hoàn thiện bản thân, củng cố kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, giúp cho các cơ sở ĐTBD chủ động trong xây dựng và thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch hàng năm, trong đó có chương trình, kế hoạch nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên.

Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả đòi hỏi chương trình, kế hoạch phải được xây dựng khoa học, cụ thể từ việc xác định mục tiêu, nội dung, thời gian, địa điểm, vị trí sẽ được luân chuyển đến và nhiệm vụ cụ thể của từng giảng viên đi luân chuyển, kết quả thực hiện và đánh giá ý nghĩa của kết quả đó, chi phí cần thiết… Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở ĐTBD với cơ quan tiếp nhận giảng viên và giảng viên nhằm tạo môi trường tốt nhất để giảng viên hoàn thành nhiệm vụ thực tế.

2.4. Xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đủ mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy việc nâng cao năng lực thực tiễn cho giảng viên.

Giảng viên thỉnh giảng của các cơ sở ĐTBD chủ yếu là những nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo, những chuyên gia trong các lĩnh vực hoạt động, vừa có nghiệp vụ chuyên sâu, vừa có kinh nghiệm thực tiễn, do vậy việc khai thác chất xám cả về lý luận và năng lực thực tế là hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả việc xây dựng đội ngũ giảng viên nói chung và nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho giảng viên nói riêng. Chính vì vậy, xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đủ mạnh là giải pháp mang tầm chiến lược không chỉ cho mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên mà còn góp phần nâng cao chất lượng ĐTBD. Tuy nhiên, cần có chính sách sử dụng phù hợp để đội ngũ giảng viên thỉnh giảng gắn kết với cơ sở ĐTBD, hòa mình vào mọi hoạt động và tích cực chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên.

NGƯT. Vũ Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ

------

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Nội vụ - Báo cáo tổng kết 5 năm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (2006-2010) và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2011-2015.

2. Hồ Chí Minh, Về đạo đức cách mạng, Nxb CTQG, H.2010.

3. Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

4. Nghị định số 18/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức.

5. Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015.

6. Thông tư số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 06/6/2011 Quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.