Có nên học hóa đặng xuân chất yahoo

27 năm gắn bó với nghề giáo, đào tạo được hơn trăm học sinh giỏi cấp tỉnh, gần 20 học sinh giỏi cấp quốc gia, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Vinh (SN 1971, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát), giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (TX Hoài Nhơn), luôn khuyên học trò: Ðường rất rộng cho người chịu học, ngược lại đường rất hẹp cho người thiếu cố gắng…

Thành công hay thất bại đều là trải nghiệm quý

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, trong 36 giải học sinh của tỉnh đạt được thì hết 8 giải thuộc về đội tuyển Hóa. Trong 9 đội tuyển của tỉnh, đội tuyển Hóa cũng là đội có số thí sinh dự thi đông nhất - 10 học sinh. Thành công này có đóng góp rất lớn của cô Vinh trong vai trò giáo viên bồi dưỡng đội tuyển.

● Chị từng chia sẻ bồi dưỡng học sinh giỏi là công việc rất khó khăn, muốn thành công phải có những giáo viên thật giỏi và tận tụy… Nhưng nhiều ý kiến rằng, phần lớn học sinh thi quốc gia là học sinh trường chuyên đạt học sinh giỏi là điều đương nhiên, thực tế, có dễ dàng vậy không?

- Tôi còn nhớ năm 2018 được điều động ra trường chuyên Chu Văn An, làm chủ nhiệm lớp 10 chuyên Hóa. Trong lớp tôi có một học sinh rất giỏi là Đoàn Thái Đảm - đạt giải nhất cấp tỉnh và giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Hóa (Báo Bình Định đã từng có bài viết). Đảm học rất giỏi, nhưng điều kiện gia đình nhà nông khó khăn nên cũng không biết phải đầu tư việc học từ đâu. Trong khi đó, tôi mới từ trường THPT số 1 Phù Mỹ ra trường chuyên, trước đây phần lớn đầu tư bồi dưỡng học sinh giỏi thi cấp tỉnh, chưa trải qua bồi dưỡng học sinh thi quốc gia. Cô dò hỏi trò: “Đảm, em nghĩ có thể đạt giải quốc gia không?”; trò cũng thật thà thưa: “Em đọc các đề thi tham khảo học sinh giỏi mấy năm trước mà không làm được câu nào hết”. Lúc ấy cũng hoang mang lắm. Rồi mày mò, tìm kiếm tài liệu trong nước, thế giới, tìm mối quen gửi học trò bồi dưỡng thêm với các giáo sư đầu ngành… Ngày biết tin Đảm đạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia (thi vượt cấp), cô - trò mừng rơi nước mắt.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Vinh: Tôi tự học, học đồng nghiệp và học cả học sinh. Ảnh: M.H

Nói thế để thấy, chặng đường đến vinh quang học sinh giỏi quốc gia không hề đơn giản. Đặc biệt, 2 yếu tố rất quan trọng luôn đi song song trong thành công này chính là nỗ lực, cố gắng của học sinh và tâm huyết, tậm tâm, tận lực của người thầy.

● Tuy nhiên, cũng có những e ngại về quá trình ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi, xem đó là luyện “gà nòi”…

- Bồi dưỡng học sinh giỏi là gợi mở, bồi dưỡng cho các em năng lực tư duy, sáng tạo chứ không phải nhồi thêm nhiều kiến thức giống như cái máy tính nhồi dữ liệu. Tôi chiêm nghiệm những học sinh đã từng đạt giải học sinh giỏi thường thành công trong cuộc sống. Tôi cũng từng nói với học trò rằng, được ở trong môi trường mà mỗi một bài tập Hóa là một sự khám phá buộc các em phải vận dụng rất nhiều, tìm hiểu rất nhiều để tìm cách giải, đồng nghĩa với việc rèn luyện cho các em tinh thần vượt khó rất mạnh mẽ. Ngay cả khi thất bại với cuộc thi, đó cũng là những trải nghiệm rất đáng quý cho học trò, bởi rằng đường rất rộng cho người chịu học, ngược lại đường rất hẹp cho người không chịu cố gắng…

Thay đổi mình, dám nhận điều chưa biết

Cô Vinh chia sẻ luôn lấy phương châm “rèn mình trước, luyện trò sau”. Và, đôi khi thầy cũng phải dám nhận điều mình chưa biết, nhận mình còn thiếu sót trước học sinh.

● Để người thầy thừa nhận điều mình chưa biết với học sinh hẳn không dễ…

- Hồi mới về trường chuyên tôi bị “sốc” vì học sinh ở đây rất giỏi. Vì thế, muốn học sinh theo, bản thân người thầy phải thay đổi trước. Thầy phải ý thức trong việc tìm ra cách dạy để học sinh hào hứng và nể trọng. Tôi tự học, học đồng nghiệp và học cả học sinh của mình.

● Chị có nhiều sáng kiến trong dạy học, một trong những giáo viên đi đầu trong đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường chuyên Chu Văn An…

- Trường chuyên Chu Văn An có rất nhiều giáo viên giỏi, sáng kiến trong dạy học, có lẽ tôi thêm chút may mắn chăng?! (cười).

Với tôi, viết sáng kiến là cách đúc kết kinh nghiệm giảng dạy, nên năm học nào tôi cũng viết. Trong số này có 1 sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng trong toàn tỉnh; 5 sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng trong ngành Giáo dục. Những sáng kiến này cũng là tài liệu để chuyển giao cho giáo viên trẻ và để dạy cho học sinh. Đề tài tôi chọn nghiên cứu luôn gần gũi với công tác giảng dạy và đã được trải nghiệm qua thực tiễn, nhất là bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhiều sáng kiến của tôi được đồng nghiệp áp dụng rộng rãi trong giảng dạy học sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi và có hiệu quả cao.

● Là giáo viên cốt cán môn Hóa của tỉnh, chị có cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều rào cản, không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng và quyết tâm thực hiện?

- Ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Hóa học thay đổi về chương trình như hiện nay là hay, từ thiên về bài toán Hóa trước đây đã gần với thực tế Hóa hơn. Tuy nhiên, để giáo viên tiếp cận và thay đổi theo cái mới rất khó, nhất là giáo viên lớn tuổi.

Cô Vinh hướng dẫn thực hành cho học sinh. Ảnh: M.H

Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ!

● Quay lại năm 2018, chị được Sở GD&ĐT điều động ra trường THPT chuyên Chu Văn An thời điểm trường mới thành lập, khi đã hơn 20 năm gắn bó với trường THPT số 1 Phù Mỹ, hẳn có nhiều suy nghĩ?

- Tốt nghiệp loại giỏi sư phạm Hóa (Trường ĐH Sư phạm Huế) năm 1995 về dạy tại trường số 1 Phù Mỹ, đến năm 2018 tôi được Sở GD&ĐT điều động về trường chuyên Chu Văn An. Chồng tôi được điều động về Chu Văn An trước 1 năm. Hồi đó, người thân, bạn bè đều phản đối tôi về Chu Văn An bởi tuổi đã cưng cứng, phải làm lại từ đầu với môi trường mới, chưa kể đi dạy xa nhà hơn 30 km… Nhưng tôi quyết tâm đi vì biết mình cần gì, thích gì - đó cũng là tâm huyết của tôi với chuyện bồi dưỡng học sinh giỏi.

Thời gian đầu về môi trường hoàn toàn mới, tôi phải cố gắng rất nhiều, lúc rất khó khăn cũng tự hỏi mình đi như thế này đúng hay sai, nhưng rồi nghĩ đến học sinh thì cố gắng hơn.

● Chị có “tài sản” hơn 130 học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia; nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận và bằng khen UBND tỉnh; đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Tháng 6.2023, chị là 1 trong 75 điển hình tiên tiến được UBND tỉnh tuyên dương; 1 trong 5 đại biểu tiêu biểu của tỉnh dự hội nghị biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023…

- Đó là niềm vui trong gần 30 năm với nghề. Nhưng vui nhất là những thành công của học trò. Tôi luôn mượn tựa đề của quyển sách rất yêu thích “Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ” để nhắn nhủ mỗi lứa học trò ra trường là vì vậy!